Câu chuyện "bát cơm hàng xóm" và 2 lá thư tay đầy xúc động giữa mùa dịch

M.C

(Dân trí) - "Cơm cô nấu thật tuyệt vời, món nào qua tay cô cũng rất ngon, cách nấu tinh tế. Bảy mươi năm cơm hàng cháo chợ, chưa bao giờ tôi được ăn ngon như những ngày này".

Trên đây là trích đoạn trong bức thư xúc động giữa hai người hàng xóm ở tuổi "thất thập cổ lai hy", tại TPHCM động viên nhau qua "bát cơm hàng xóm" giữa mùa dịch. Câu chuyện đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Giữa những ngày dịch bệnh diễn ra căng thẳng, người dân cần phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội, câu chuyện tình người ấm áp dưới đây, giống như "bát cháo hành" trao tận tay trong ngày lạnh giá.

Dân trí xin giới thiệu câu chuyện mà bạn N. Yến (địa chỉ tại một chung cư thuộc quận Phú Nhuận, TPHCM), đồng thời cũng là người trong cuộc kể lại:

"Chuyện là sát vách nhà mình có bác hàng xóm sống một mình. 2 tuần trước, thấy bác im re không mở cửa, không đổ rác mấy ngày nên mẹ mình cũng lo, qua đập cửa xem có chuyện gì không, lúc ấy mới biết bác bệnh không thiết ăn gì.

Mẹ mình nấu cháo mang qua cũng nhất định không ăn, phải mang về. Hôm sau nhà mình nấu cơm, mẹ cũng để 1 phần cho bác, phải nói dối là người quen gửi đồ nhờ mang qua bác mới ăn.

Do bác lớn tuổi, bị lãng tai khá nặng nên giao tiếp khó khăn, mẹ mình bèn viết 1 lá thư động viên và bác đã hồi đáp bằng lá thư khác. Mẹ mình bảo, dù sao nhà mình nấu cho 4 người, nên thêm một chén cơm, một chút thức ăn nữa cũng không sao. Vì thế, mẹ vẫn nhất quyết nấu thêm, mang qua mỗi ngày cho bác. Đến hôm nay bác lại gửi thêm 1 lá thư nữa".

Sau khi được gia đình bạn Yến giúp đỡ, bác hàng xóm viết hai lá thư đáp tạ. Một lá thư gửi sau lần đầu tiên được giúp đỡ (14/7/2021), lá thư thứ 2 được viết vào ngày 28/7/2021). Mỗi lá thư có nội dung ngắn gọn nhưng ăm ắp sự biết ơn và trân trọng.

Câu chuyện bát cơm hàng xóm và 2 lá thư tay đầy xúc động giữa mùa dịch - 1

Hai lá thư thấm đẫm tình làng nghĩa xóm giữa đại dịch và lối cư xử có trước có sau đáng trân trọng của "bác hàng xóm" truyền cảm hứng sống tích cực cho hàng ngàn người qua mạng xã hội.

Lá thư thứ nhất của bác hàng xóm có đoạn: "Hai ngày qua tôi được cô cho cơm ăn. Của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu. Sau bữa cơm đầu, tôi cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước.

Tình cảm xóm giềng cô giúp đỡ rất quý, không lời cảm ơn nào xứng đáng. Hiện nay, bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh giãn cách. Nhà cũng có sẵn gạo và cá hộp, tôi có thể xoay trở được, nên quyết không dám phiền cô nhiều hơn nữa".

Bác hàng xóm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn cho thấy nhân cách và sự mạnh mẽ của ông qua từng con chữ khiến rất nhiều bạn trẻ khâm phục. Dưới bài đăng hai lá thư của bác hàng xóm nhà bạn N. Yến, cư dân mạng để lại các bình luận như: "Con cảm phục bác, con sẽ không lên mạng kêu la về việc bị nhốt ở nhà nữa"; "Thương bác quá, tuổi già cô đơn như vậy"; "Hai gia đình đều là những người có tình, có nghĩa, có học thức, thật đáng trân trọng"...

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bạn N. Yến cho biết, bản thân không phải là người thường xuyên giao lưu xóm giềng nên chỉ biết được bác hàng xóm ở một mình, mấy tháng mới có người ghé thăm.

"Hồi trước khi có dịch thì sáng, chiều nào bác cũng quét sân trước nhà cho hàng xóm hai bên. Mình thường để ý thấy bịch rác của bác toàn là vỏ đồ hộp. Nhưng biết tính bác sống một mình, không thích nhờ cậy xóm giềng nên mình cũng không để tâm. Mãi đến khi 2 tuần trước bác bệnh, lúc ấy mới mở lòng ra một chút", Yến chia sẻ.

Câu chuyện bát cơm hàng xóm và 2 lá thư tay đầy xúc động giữa mùa dịch - 2

Lá thư thứ hai bác hàng xóm gửi cho gia đình Yến, có đoạn: "Tính đến nay cô (mẹ của Yến - PV) cho ăn đã trên nửa tháng. Cơm cô nấu thật tuyệt vời, những món đơn giản quen thuộc nhất như rau muống, món nào qua tay cô cũng rất ngon, cách nấu tinh tế. Bảy mươi năm cơm hàng cháo chợ, chưa bao giờ tôi được ăn ngon như những ngày này.

[...] Nếu chỉ uống sữa, sợ đau như trước, chắc chắn ở tuổi 88 chờ chết, tôi không thể nào hồi phục được như hiện tại.

Tình hình giãn cách xem ra còn dài, có thể trở thành bình thường mới. Thôi thì cô làm phúc phải tội, xin cô giúp thêm ít ngày nữa. Sống độc thân, tôi chịu ơn rất nhiều người nhưng chưa giúp được ai, giờ phải chống đỡ với tuổi già, lúc đầu óc còn tỉnh táo.

Nếu được cô coi như người nhà, cho tôi góp phần chi phí thì đỡ áy náy. Trước mắt có một số thực phẩm như bột ngọt, dầu ăn cơ quan từ thiện cho, nếu tôi có nấu ăn cũng chả bao giờ dùng tới, xin biếu cô, cô thông cảm nhận cho".

Câu chuyện thấm đẫm tình người và cách cư xử văn minh nói trên hiện đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Tuy vậy, để bảo vệ bác hàng xóm giàu lòng tự trọng, bạn N. Yến hi vọng những người biết chuyện, không làm phiền bác.

Yến nói: "Nếu đã đọc thư, mọi người cũng biết bác là người có học thức, tự trọng cao. Bình thường khi không có dịch dã, ngoài vấn đề đau khớp, bác vẫn có thể đi lại, ăn uống sinh hoạt bình thường, có lương hưu tự trang trải chi phí. Chính vì vậy, mong mọi người đọc được dòng này cũng đừng lo lắng. Vì gia đình mình vẫn còn có thể giúp đỡ, hỗ trợ bác trong lúc này".

Yến bất ngờ vì câu chuyện mình chia sẻ đã "đi xa" hơn dự định nhưng cô gái này mong rằng, câu chuyện giúp lan tỏa giá trị tốt đẹp về lòng nhân ái, nhất là trong thời điểm chúng ta cần phải đoàn kết, cùng nhau vượt qua đại dịch.