Sinh viên mất "kế sinh nhai", mắc kẹt tại phòng trọ giữa mùa dịch

Vành Khuyên

(Dân trí) - Nhiều sinh viên muốn tranh thủ dịp hè làm thêm kiếm tiền sinh hoạt phí, đóng tiền học nhưng vì dịch bệnh lại mất việc, bị mắc kẹt trong căn phòng trọ cùng với nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Những ngày này, dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên xa nhà, xa gia đình. Đối với sinh viên thuê trọ hay muốn đi làm vào thời điểm này là khó khăn hơn bao giờ hết.

Thông thường, dịp nghỉ hè thường là thời điểm các bạn có thể tranh thủ tìm việc, hoặc tăng ca làm thêm để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, phụ giúp gia đình, kiếm thêm thu nhập, đóng tiền trọ, đóng học phí… Thế nhưng trong hoàn cảnh này, không những công việc khó tìm mà thậm chí nhiều bạn còn mất việc làm.

Bị mắc kẹt và đành chịu

Khi kết thúc năm học, một bộ phận sinh viên trở về nhà với gia đình, một số khác ở lại để đi làm thêm nhưng hiện tại bị mắc kẹt bởi đại dịch hoành hành. Nhiều bạn đổi ý muốn về nhà nhưng không về được, muốn đi làm thêm cũng không được, trong khi ở trọ thì sẽ phải gánh những khoản tiền nhà, chi phí tiêu dùng hàng ngày. Họ phải cố gắng xoay sở, thu hẹp lại mọi nhu cầu.

Sinh viên mất kế sinh nhai, mắc kẹt tại phòng trọ giữa mùa dịch - 1

La Huyên, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Liên hệ với bạn La Huyên, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bạn chia sẻ rằng: "Mặc dù mình nắm tình hình dịch bệnh, nhưng không nghĩ dịch lại bùng phát căng thẳng như thời điểm hiện tại, trong khi mình đang cần xử lý nhiều công việc và muốn về quê lắm rồi mà giờ ra khỏi cổng nhà trọ đi mua đồ còn khó nữa là...".

La Huyên cho biết thêm thời gian này bạn chỉ có thể ở tại nhà trọ đọc sách, xem phim, quẩn quanh trong căn phòng trọ. Chi tiêu hàng ngày của Huyên phải xin gia đình chu cấp.

Huyên may mắn vì chủ nhà trọ giảm tiền cho thuê, cho nên bạn cũng đỡ phần nào lo lắng. Nhưng dù thế Huyên vẫn phải hạn chế chi tiêu đến mức tối thiểu để tiết kiệm vì không biết được đến khi nào dịch mới bình ổn và mọi thứ mới trở lại bình thường được.

Những nỗi lo, khi thu nhập là số không

Sinh viên mất kế sinh nhai, mắc kẹt tại phòng trọ giữa mùa dịch - 2

Nguyễn Nhung, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Nguyễn Nhung, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội), cho biết: "Mỗi tháng mình chi tiêu trong khoảng từ 3 - 3,5 triệu đồng tiền ăn uống sinh hoạt và các chi phí phát sinh. Chưa lần nào mình dám chi quá tay cho những việc không cần thiết vì mình thấy xót lắm.

Mình nghĩ là nghỉ hè có thời gian nên ở lại kí túc xá để đi làm thêm, kiếm thêm thu nhập và đỡ đần gánh nặng cho bố mẹ phần nào nhưng dịch bệnh như thế này thì không làm gì được, rất khó để tìm việc làm thêm ở những cửa hàng hay quán cà phê như trước đây. Bây giờ mình đang thử tìm những công việc online để làm".

Nhung chia sẻ thêm rằng bạn phải tự kiếm tiền để đóng học phí 269.000 đồng/tín chỉ. Mỗi kì học khoảng 18-20 tín chỉ, tổng cộng mất khoảng 5 triệu đồng học phí. Mức học phí này so với nhiều bạn gia đình khá giả là không đáng lo ngại nhưng đối với Nhung đây là số tiền lớn và bạn phải cố gắng đi làm kiếm tiền để đóng học phí.

"Mình không muốn bố mẹ phải chạy ngược xuôi lo tiền học phí, ngoài ra còn tiền đóng kí túc xá, tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Giờ không đi làm được thì lại càng thêm lo lắng, thêm gánh nặng cho gia đình", Nhung tâm sự.

Nghỉ hè, nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên tăng cao song gặp nhiều khó khăn khi tất cả các hàng quán đều phải tạm ngưng hoặc chuyển qua bán online, phương tiện đi lại bị hạn chế.

Sinh viên mất kế sinh nhai, mắc kẹt tại phòng trọ giữa mùa dịch - 3

Tuấn Dương sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền bị mất việc làm thêm.

Tuấn Dương, sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) cho biết: "Mình đang làm việc tại tiệm cà phê C.H nhưng vì dịch bệnh quán phải tạm dừng, đóng cửa nên bây giờ cũng chỉ đành ở không trong kí túc xá đợi dịch bớt mà đi làm lại.

Mình không muốn mắc kẹt như thế này mà cũng phải chịu. Bố mẹ mình cũng liên tục gọi điện hỏi han, muốn mình về quê, nhưng mà về quê thì cũng chỉ quanh quẩn không biết làm gì nên mình quyết định ở lại tìm cơ hội kiếm thu nhập phụ gia đình bởi vì dịch bệnh mà thu nhập của bố mẹ ở quê cũng giảm đi nhiều.

Lúc bình thường, khi dịch bệnh được kiểm soát, mình vừa đi làm vừa đi học cũng có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, giờ thu nhập gần như là con số không".

Dương cho rằng: "Dịch bệnh căng thẳng như bây giờ thì ở yên một chỗ cũng chính là một biện pháp tốt để tự bảo vệ bản thân, tránh các nguy cơ lây nhiễm thêm như thế thì dịch mới nhanh giảm".

Dương cho biết thêm rằng ở kí túc xá trường đại học, việc ra vào cổng luôn được kiểm soát nghiêm và các bạn sinh viên cũng luôn tự ý thức về dịch bệnh, thực hiện tốt theo các chỉ thị của Chính phủ. Ban quản lý kí túc xá đã lấy danh sách những sinh viên ở lại dịp hè để có thể sát sao hơn trong việc nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên.

Đây sẽ là khoảng thời gian khó khăn của các sinh viên khi phải cố gắng trang trải cuộc sống. Điều các bạn mong mỏi nhất lúc này là dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống bình thường trở lại.