Nỗi niềm của những nữ sinh làm PG

Trong những công việc làm thêm của sinh viên, PG đủ sức thu hút sự quan tâm của nhiều bạn nữ, nhưng lần khuất đâu đó là những khoảng tối, những nỗi niềm khó gọi tên.

Bị miệt thị

 

Mỗi một công việc đều có hai mảng sáng và tối. Mặc dù vậy câu chuyện “Con sâu làm rầu nồi canh” đã không còn xa lạ.

 
Nguyễn Thị Hương- ngoài cùng bên trái cùng các đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Hương- ngoài cùng bên trái cùng các đồng nghiệp.
 

“Ngày mình mới bước chân ra Hà Nội, là cô sinh viên năm nhất được chị họ giới thiệu cho công việc tiếp thị sản phẩm. Sáng đi học, chiều chải chuốt trang điểm đi làm, tối trở về trong tình trạng mệt mỏi.

 

Một thời gian như vậy mình bắt đầu nghe thấy những tiếng xì xào bàn tán của mọi người trong xóm trọ. Họ nhìn mình bằng ánh mắt soi mói như mình đang làm công việc kiếm tiền bất chính”, bạn Nguyễn Thị Hương- sinh viên năm 3 Cao đẳng Du lịch chia sẻ.

 

Nhiều show quảng bá rơi vào thời tiết rét buốt, PG vẫn phải vững tinh thần “nghiến răng” mặc đồng phục sexy, đôi chân cứng cáp để đứng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ mà miệng vẫn nói chào, tươi cười, nhắc tên sản phẩm liên tục khi có người lắng nghe.

 

Nhiều lúc phải “chai mặt” khi gặp khách hàng khó tính, gắt gỏng, tỏ vẻ khó chịu, có người bất lịch sự, ném ngay tờ rơi trước mặt thì PG cũng đành "ngậm bồ hòn" chịu đựng.

 

Bạn Lê Thị Thủy- Sinh viên năm cuối Đại học Thương mại, người đã làm PG từ những ngày đầu học đại học chia sẻ: “Từ ngày đi làm mình gặp rất nhiều khách hàng khó tính. Đôi khi họ không thật sự muốn mua hàng, liên tục chê đắt, thậm chí còn thể hiện thái độ dè bỉu khiến mình cảm thấy khó chịu nhưng cũng đành nhẫn nhịn”.

 

Lê Thị Thủy  chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp khi làm việc.
Lê Thị Thủy  chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp khi làm việc.

 

Đi làm việc không công

 

Nhiều bạn sinh viên sau thời gian đi làm thì bị quỵt lương hoặc trả lương chậm. Đó là câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Hoa - sinh viên năm 3 ĐH Công đoàn.

 

Là con cả trong một gia đình 4 chị em, khi mới bước chân ra Hà Nội Hoa đã xác định sẽ tự học tự làm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Sau thời gian làm PG một tháng, Hoa nghỉ việc và liên hệ với chủ để nhận lương thì không thể liên lạc được.

 

Cảm thấy uất ức vì bị lừa không công, nhưng cô sinh viên cũng đành ngậm ngùi. Kể từ lần đó, Hoa rút ra kinh nghiệm là “chỉ đi làm cho những người quen và tìm hiểu thông tin một cách kĩ lưỡng trước khi bắt đầu công việc”, Hoa chia sẻ.

 

Nguyễn Thị Hoa và công việc hiện tại.
Nguyễn Thị Hoa và công việc hiện tại.

 

Tình huống khó xử

 

Nghề nào cũng có mặt trái của nó, chuyện các PG xinh đẹp bị khách hàng quấy rối không phải là chuyện hiếm gặp.

 

Bạn Dương Thị Phương, một PG có kinh nghiệm 4 năm trong nghề cho biết, không ít lần bạn đã bị khách hàng trêu chọc bằng cách gửi tin nhắn như: "Em đẹp quá cho anh làm quen nhé", "Có phát khuyến mãi tận nhà không em"...

 

Khách hàng tham gia chương trình có rất nhiều dạng người, nên đôi khi PG phải lắng nghe và chịu đựng những lời nói khiếm nhã. Đó là những tình huống mà PG nào cũng phải thường xuyên đối mặt.

 

Hơn nữa, PG là công việc mang tính chất thời vụ và rất bị động, do đó những người làm nghề này đôi khi bị rơi vào cảnh trớ trêu. "Một dịp công việc cần mình vào đúng dịp thi cử nên tối nào em cũng phải đi làm, không có thời gian để ôn thi, điểm số của em thấp đi trông thấy”, Lan Anh, làm nhân viên bán thời gian cho một công ty mỹ phẩm than thở.

 

“Nhiều người cứ nghĩ rằng làm PG chỉ việc đứng một chỗ, cười như một cái máy là xong. Thực chất, PG phải kiêm nhiệm rất nhiều việc như: giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mại, làm người mẫu tóc…

 

Là bộ mặt của cả doanh nghiệp nên vai trò của các PG rất quan trọng và vất vả”, Nhật Linh- một PG chia sẻ.

 

Theo Nghiêm Thùy Linh

Tấm gương/Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm