Những ông chủ trẻ khởi nghiệp từ nghề nông
Có tấm bằng cử nhân đại học trên tay, nhưng nhiều thanh niên của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc quyết tâm trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất nông nghiệp quê hương mình.
Nhận bằng cử nhân về… làm ruộng
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2009, Nguyễn Hữu Dũng, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) cũng như bao bạn trẻ khác định tìm cho mình một việc làm ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, sau 2 năm lăn lộn khắp các công ty, ở nhiều địa phương, anh nhận thấy cơ hội để phát triển khá mong manh. Suy nghĩ, đắn đo rất lâu nhưng quyết định về quê để làm giàu từ đất ruộng lại được Dũng đưa ra rất nhanh.
Cái khó nhất trong thời điểm bắt đầu của Dũng lại là… dư luận. Hàng xóm, láng giềng, bạn bè, người thân xì xào, bán tín, bán nghi về việc anh bất ngờ về quê. Bởi trong tiềm thức người dân quê anh, chỉ có bị “vấn đề” gì mới về quê làm ăn, đất quê chỉ dành cho cánh thanh niên ít học ở quê, chứ những người đã mất bao tiền của để có tấm bằng đại học thì về quê đương nhiên là một sự thất bại.
Điều động viên duy nhất là Dũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người thân trong gia đình bằng việc hứa sẽ cung cấp vốn cho Dũng làm ăn.
Ban đầu, Dũng quyết định sản xuất củi trấu bởi một suy nghĩ đơn giản, trấu là thứ rất gần gũi và là đồ bỏ đi của người dân địa phương nhưng lại có thể chế biến thành những sản phẩm hữu ích. Dũng kiên trì mày mò kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm bạn hàng, sau 1 năm hoạt động, cơ sở của anh đã hoàn vốn và mở rộng thị trường.
Hiện nay, mô hình sản xuất củi trấu của anh đã trở thành hướng đi tiêu biểu của thanh niên Lương Tài, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, Dũng không muốn dừng lại ở đó. Anh chuyển sang thu mua, bảo quản và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của quê hương. Dũng đầu tư khu nhà xưởng diện tích 8.800m2 với dây chuyền sơ chế, kho lạnh đạt quy chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, anh có thể thu gom, bảo quản các loại rau màu như cà rốt, hành, tỏi… trong thời gian lâu hơn.
Với kiến thức kinh tế và ngoại ngữ của mình, Dũng đã lên mạng tìm kiếm các đối tác nước ngoài, tự chào hàng bằng các công cụ phổ biến hiện nay như mạng xã hội Facebook, Youtube… Nhờ vậy, nhiều mặt hàng nông sản của công ty có thể giao trực tiếp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Với riêng cây cà rốt, hiện nay mỗi năm anh xuất khẩu hơn 10.000 tấn tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, công ty của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 80 lao động làm thời vụ với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Ngoài mô hình của anh Nguyễn Hữu Dũng, có thể kể đến mô hình làm kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Hịu, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành (tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân), mô hình nuôi vịt trời của anh Nguyễn Đăng Cường xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp) hay anh Hoàng Xuân Sơn, xã Bồng Lai, Quế Võ (tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp). Họ đều trở thành những điển hình cử nhân đại học về quê làm giàu, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, mang lại những hiệu quả mới cho kinh tế nông nghiệp địa phương.
Còn nhiều khó khăn
Trang trại của anh Nguyễn Đăng Cường có tổng diện tích 2,5 ha, giai đoạn 2016- 2020 mở rộng quy mô chuồng trại, diện tích nuôi trồng thủy sản, rau hữu cơ hơn 30 ha với tổng đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Diện tích lớn là thế nhưng có những khu vực thời hạn thuê đất chỉ 5 năm - 10 năm, anh Cường cho biết: “Thời gian để cải tạo đất canh tác cho phù hợp với mục đích phát triển kinh tế của chúng tôi đã mất đến vài năm mà thời hạn thuê đất chỉ 5-10 năm như vậy là quá ngắn, trong khi sản xuất nông nghiệp không thể cho ra thành quả ngay được”.
Anh Nguyễn Văn Hịu, chủ trang trại ở thôn Nhiễm Dường, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành chia sẻ: “Sau 3 năm làm ở một doanh nghiệp ô tô với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, tôi có số vốn nho nhỏ để bắt tay vào mở trang trại.
Tuy nhiên, để đáp ứng tham vọng là mở rộng quy mô nông sản hàng hóa, cung ứng vật tư, giống… cho người dân địa phương, thì quả thật số tiền dành dụm được chẳng thấm vào đâu”.
Đây cũng là băn khoăn của khá nhiều bạn trẻ khi bắt tay vào xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp nông thôn.
“Ưu điểm lớn nhất của người trẻ chính là sự nhiệt huyết, kiến thức và ngoại ngữ. Với khả năng tiếp cận thị trường, sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh, thanh niên tốt nghiệp các trường đại học lớn đã nỗ lực tìm tòi, vượt khó, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa vào sản xuất thành công các cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao”.
Anh Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bắc Ninh
Theo Nguyên Trường - Xuân Me
Tiền phong