Những dòng nhật ký vượt lên số phận
“Tôi “vào đời” bằng việc đến trường học chữ năm 15 tuổi, với đôi tay teo tóp và đôi chân chỉ cử động được... hai ngón. Niềm vui duy nhất của tôi là được đi học ngày càng lớn dần cho đến ngày tôi... thi rớt đại học.
Không! Chỉ có một con đường duy nhất là phải tự nuôi mình”. Đó là những dòng nhật ký của Huỳnh Thị Xậm, 28 tuổi, cô gái quê xã Xà Phiêng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngay từ lúc lọt lòng, Xậm đã như vậy. Năm Xậm 13 tuổi thì ba mất vì nhiều chứng bệnh không tiền chữa trị.
“Tôi khao khát được đi học, được biết đọc biết viết biết chừng nào. Lúc còn sống, ba không cho đi học vì sợ tôi bị bạn bè chọc ghẹo rồi tủi thân (ba biết tôi hay khóc mà). Ba mất, 15 tuổi, tôi vào lớp 1 phổ cập cách nhà 30 phút chèo ghe.
Thấy tôi cứ lặc lìa, thầy vừa ngại lại vừa thương đứa học trò tật nguyền nên cho vô lớp... ngồi chơi. Mấy ngón chân cứng đơ nó không nghe lời cái đầu, viết chữ nào chữ nấy vừa xấu vừa bự tổ bố, hai ba chữ hết một trang. Tối nào về nhà tôi cũng chong đèn cốc ngồi tập viết tới tận khuya”.
Còn nhớ nhiều bữa không có ai cho quá giang phải nghỉ học, Xậm ngồi khóc miết vì... tiếc chữ. Cô bé quyết định tập bơi xuồng để tự mình đến lớp chẳng phụ thuộc ai. Học hết lớp 4 phổ cập, Xậm lên lớp 5 phổ thông học với bạn bè bình thường.
Đường đi học cái chữ của cô gái tật nguyền ngày càng chông gai khi cô lên tiếp lớp 10 phải ra trọ học ở trường huyện. Ở nhà, má và chị em chạy ăn từng bữa lấy đâu ra tiền. Hết tiền lại nghỉ học về quê chờ có tiền lên học tiếp. Xậm đã mất năm năm để tốt nghiệp THPT năm 2002.
“Học ở đâu tôi cũng được bạn bè, thầy cô, các cô chú giúp đỡ, động viên, khuyến khích hết mình. Có bữa tan trường bạn bè đã về nhà hết; trời mưa tầm tã một mình bơi xuồng trên mênh mông sông nước tôi sợ đến phát khóc.
Rồi những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, không quần áo đàng hoàng, nhà không đủ cơm ăn... khiến nhiều lần tôi định nghỉ học (có lần đã nghỉ hẳn) nhưng chính những tình cảm đó lại vực tôi đứng dậy, đi tiếp đến khi... thi rớt ĐH.
Rớt ĐH buồn lắm nhưng có lúc tôi nghĩ nếu đậu cũng không biết lấy tiền đâu mà học. Rồi học xong có ai nhận vào làm việc? Tôi suy nghĩ lung lắm về đề nghị của một cô bên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi: lên thành phố học nghề. Làm gì cũng được, chỉ có một con đường duy nhất là tự nuôi mình. Phải đi thôi”.
Nghề đầu tiên Xậm chọn là... vẽ. Những bức tranh bé xíu vẽ phong cảnh, ngôi nhà, buồng cau... đơn giản thế nhưng là một nỗ lực đáng kinh ngạc của Xậm. Có người gợi ý giúp Xậm tham gia một lớp học vẽ chính qui ở Trường ĐH Mỹ thuật.
“Nhà nghèo quá, có sáu chị em thì chỉ mình tôi là không phải ra ruộng làm thuê làm mướn và được học hết lớp 12. Tôi còn nợ má một ước mơ là xây lại căn nhà cho khỏi dột và lo cho đứa em út được tiếp tục học hành. Đoạn đường sắp tới tôi phải cố gắng nhiều hơn nên tôi quyết định chuyển nghề...”.
Xậm xin vào lớp vi tính. Chỉ riêng việc làm sao để sử dụng bấy nhiêu phím bấm trên bàn phím chỉ với hai ngón chân cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là những lệnh dùng hai phím cùng lúc.
Nhưng sau hai tháng, Xậm đã gõ văn bản thuần thục, chân trái điều khiển chuột, ngón cái chân phải kẹp cây viết chì “trợ thủ” nhấn bàn phím thoăn thoắt.
Theo Thi Ngôn
Tuổi Trẻ