Những chuyện tình đẹp trên công trường thủy điện
Trên công trường thủy điện Lai Châu không chỉ có xi măng, sắt thép, gió bụi... mà còn có nhiều mối tình đơm hoa kết trái.
“Dãy nhà hạnh phúc”
Trong căn phòng gọi vui là “dãy nhà hạnh phúc” ở khu tập thể dành cho những người làm việc ở nhà máy thủy điện Lai Châu, chị Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1989), quê Hòa Bình, đang nhặt rau, nấu cơm cho chồng kịp ăn tối trước khi đi làm ca 3.
Chồng chị, anh Phan Văn Phú (SN 1986) quê Thanh Hóa. Anh chị đều là công nhân Công ty Sông Đà 6, từng bươn chải qua nhiều công trường thủy điện. Họ gặp nhau trên công trường thủy điện Lai Châu, khi anh Phú là thợ hàn, chị Ánh là thợ đổ bê tông.
Cả hai đem lòng thương yêu nhau và quyết định xây dựng tổ ấm ngay trên công trường 4 năm trước. Một năm sau ngày cưới, anh chị sinh cháu đầu lòng Mai Chi.
Nhớ lại ngày tổ chức đám cưới, anh Phú kể, “quê cách xa nhau nên vợ chồng tôi làm đám cưới ngay tại công trường, chỉ có đại diện hai họ nhà trai và nhà gái đến dự. Nhưng anh em công nhân đến chúc phúc cho vợ chồng tôi thì đông lắm. Đến làm việc ở công trường Lai Châu, tôi đã lấy vợ, lại được làm bố, nhiều khi vợ chồng đùa nhau tình yêu này là do công trường mai mối”, anh Phú cười nói.
Cạnh bên phòng của vợ chồng anh Phú là phòng của vợ chồng anh Trần Văn Công (SN 1987) và chị Nguyễn Thị Đào (SN 1990) quê Hà Tĩnh. Cháu Ngọc Mai, con gái của anh chị cũng được sinh ra và lớn lên cùng với công trình này.
Anh Công quen chị Đào tình cờ trong một lần đi chợ phiên của đồng bào dân tộc. Sau một thời gian họ yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Hôm nay anh Công đi làm ca 3, một mình chị Đào ở nhà trông con. Chị kể, người ta bảo trai công trình thô lỗ, không lãng mạn. Nhưng anh Công lại khác: đánh đàn ghi-ta giỏi, lại hát hay.
“Mỗi khi về quê ra, anh lại mua quà tặng mình. Ngày lễ Valentine ở công trường nhưng anh nhờ bạn mua gửi hộ sôcôla, hoa thì anh lấy hoa rừng để tặng. Công việc vợ chồng vất vả, nhưng may mắn là mình đã có một mái ấm hạnh phúc”, chị Đào nói.
Đặc biệt hơn, khi ở công trường thủy điện Lai Châu có rất nhiều trẻ em có độ tuổi bằng tuổi của công trình. Một trường mầm non mang tên Sông Đà được thành lập để chăm sóc con của công nhân xây dựng thủy điện Lai Châu.
Ngoài trường mầm non này còn có một trường tiểu học cũng mang tên Sông Đà - nơi những công nhân xây dựng gửi gắm con em để có thể tập trung toàn tâm cho công trình. Nhiều cán bộ, công nhân đã chuyển cả gia đình lên làm việc và học tập tại công trường này.
Chụp ảnh cưới ở công trường
Đó là bộ ảnh cưới độc đáo của vợ chồng kỹ sư trẻ Đinh Duy Nhất (SN 1989) quê ở Xuân Trường (Nam Định) và Lê Thị Hiền (SN 1990) quê Nông Cống (Thanh Hóa).
Anh Nhất tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi Hà Nội năm 2012, rồi lên công trường thủy điện Lai Châu làm việc ở ban thu hồi vốn của Công ty Sông Đà 5. Còn chị Hiền, làm việc ở ban kỹ thuật, Công ty Sông Đà 4. Anh kể, tình yêu công trường cũng có nhiều cái hay và thú vị riêng.
Sau hơn một năm yêu nhau, đôi bạn trẻ xin phép gia đình tổ chức lễ cưới. Nhưng điều đặc biệt là hai bạn trẻ vạch sẵn kế hoạch chụp ảnh cưới ngay tại công trường thủy điện Lai Châu. Anh kể, lúc đầu mình đưa ra ý tưởng chụp ảnh cưới ở công trường, trao đổi với Hiền em cũng rất thích và ủng hộ.
“Không gian chụp ảnh là trên máy ủi, máy xúc, sắt thép,... ở công trường. Ngoài áo cưới cô dâu, chú rể có cả đồ bảo hộ lao động, và cả những dòng suối bên công trình, trang phục của đồng bào dân tộc nơi đây. Bởi chúng như là nhân chứng cho tình yêu của chúng mình”, anh Nhất nói.
Sau hơn 1 tháng lên kế hoạch, cặp kỹ sư trẻ cho ra bộ ảnh cưới độc đáo của mình trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp. Đến nay, quả ngọt tình yêu của hai người đã đơm hoa kết trái khi Hiền đã mang bầu 8 tháng.
Hiền chia sẻ: “Cuộc sống sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mình cảm thấy thật hạnh phúc khi có anh ấy ở bên cạnh. Thầm cảm ơn công trình thủy điện đã cho tôi gặp một nửa của mình”, Hiền nói.
Theo Quang Lộc
Tiền phong