Những CEO cấp cao Microsoft nhắn nhủ điều gì tới các nữ sinh Việt?

(Dân trí) - Nữ CEO đang làm việc trong môi trường công nghệ thông tin cấp cao cho rằng chính những “định kiến” của phụ nữ tự cản trở họ bắt đầu sự nghiệp trong ngành công nghệ.

Tọa đàm “Nữ giới với công nghệ”.
Tọa đàm “Nữ giới với công nghệ”.

Ngày 21/3/2017, tại Hà Nội, Microsoft Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức chương trình tọa đàm “Nữ giới với công nghệ”.

Tại chương trình, bà Yvonne Thomas – Giám đốc toàn cầu phụ trách Chương trình YouthSpark, Tiến sĩ Daiana Beitler – Giám đốc Châu Á phụ trách khối Microsoft Philanthropies, bà Tracy Kennedy – Giám đốc khối Tiếp thị, bà Kelli Gabbert - Quản lý chương trình của tập đoàn Microsoft đối thoại cùng các bạn nữ sinh của khoa Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội.

4 nữ CEO của Microsoft đã chia sẻ về những cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Mặc dù, theo tổng hợp báo cáo nhân sự năm 2014 từ 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, số lao động nữ bình quân chỉ chiếm khoảng 30% và đặc biệt thiếu vắng ở các vai trò lãnh đạo, chủ chốt nhưng trong tương lai, cơ hội việc làm cho nữ giới trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ là rất lớn.

Các CEO đưa ra số liệu thống kê rằng, một trong những rào cản lớn nhất khiến tỉ lệ nữ giới trong lĩnh vực CNTT không cao là do chính những “định kiến” của phụ nữ tự cản trở họ bắt đầu sự nghiệp trong ngành công nghệ.

Chính vì vậy, buổi tọa đàm này nhằm tạo điều kiện và khích lệ các bạn nữ tiếp cận những cơ hội mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm giữa những người nữ giới đã thành công với những bạn gái mới “chập chững” bước đầu trên con đường sự nghiệp.

Tiến sĩ Daiana Beitler – Giám đốc Châu Á phụ trách khối Microsoft Philanthropies (thứ hai từ bên phải sang trái) khuyến khích các bạn nữ vượt qua các rào cản về tinh thần và vật chất để theo đuổi niềm đam mê khoa học công nghệ của mình.
Tiến sĩ Daiana Beitler – Giám đốc Châu Á phụ trách khối Microsoft Philanthropies (thứ hai từ bên phải sang trái) khuyến khích các bạn nữ vượt qua các rào cản về tinh thần và vật chất để theo đuổi niềm đam mê khoa học công nghệ của mình.

Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển nói rằng: “Một thực tế hiện nay là lực lượng đứng ở trong ngành CNTT còn rất thấp. Sự thiếu hụt nữ giới trong ngành này cũng dẫn đến nhiều điều thiếu hụt trong nghiên cứu và sản xuất. Ví dụ như trong việc thiết kế các sản phẩm có thể không thân thiện với người sử dụng là nữ và các ứng dụng trong ngành cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn…

Chính vì thế, chúng tôi mong muốn những nữ sinh đã học ngành này khi ra trường sẽ tiếp tục làm việc và theo đuổi lĩnh vực mà bạn được đào tạo, chứ không phải thấy khó quá, hay không xin được việc làm thì không theo đuổi nữa. Điều đó gây nên sự lãng phí thời gian của các bạn và nhân tài, vật lực trong giáo dục”.

Tiến sĩ Daiana Beitler lên tiếng: “Chúng tôi muốn khuyến khích các bạn nữ vượt qua các rào cản về tinh thần và vật chất để theo đuổi niềm đam mê khoa học công nghệ của mình. Thực tế đã chứng minh rằng nữ giới đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho lĩnh vực STEM.

Ví dụ như nữ tiến sĩ Trần Hà Liên Phương nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” vì đã có những phát hiện trong phương pháp điều trị ung thư; Giáo sư Thiên Văn học Lưu Lệ Hằng người Mỹ gốc Việt đã khám phá ra vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái dương hệ. Họ là những người phụ nữ đã góp phần thay đổi thế giới. Mong rằng các bạn nữ đừng ngại ngần, hãy vững chí theo đuổi ước mơ và đừng bỏ cuộc”.

Bà Beitler chia sẻ khi theo ngành này, bà gặp phải nhiều khó khăn về thời gian, dường như lúc nào cũng vội vàng, gấp gáp đến nỗi nhiều khi chỉ kịp vẫy tay chào chồng khi bước lên taxi hay ném chìa khóa qua cửa sổ. Giữa hai vợ chồng cũng phải phân công kĩ hôm nay ai nấu cơm, ai trông con hay đưa con đến bệnh viện…

Bà Yvonne Thomas cho biết trước khi làm ở vị trí này, còn là thực tập sinh bà đã tham gia rất nhiều hoạt động và làm nhiều công việc khác nhau. Bà lúc nào cũng cố gắng hết mình để ngày càng phát triển bản thân. Bà khuyên các bạn trẻ cần phải luôn luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn và những công việc mới, với niềm tin mình sẽ làm được.

Các CEO nói rằng con đường nghề nghiệp không phải lúc nào cũng là một đường thẳng, nó có thể là đường vòng, có thể thử nhiều nghề, nhiều việc và nếu các bạn không thích công việc của mình hay thấy không phù hợp thì lúc đó bạn sẽ tìm đến một công việc khác. Cuối cùng, các bạn cũng sẽ tìm ra công việc mà mình thực sự muốn làm.

Bạn Phan Thị Hồng Hạnh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết trong lớp em có khoảng 50 thành viên thì chỉ có một mình em là nữ.
Bạn Phan Thị Hồng Hạnh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết trong lớp em có khoảng 50 thành viên thì chỉ có một mình em là nữ.

Bạn Phan Thị Hồng Hạnh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết trong lớp em có khoảng 50 thành viên thì chỉ có một mình em là nữ. Em nói: “Là một sinh viên nữ học công nghệ thông tin lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn em đang đầu tư cho học tiếng Anh từ tiền học bổng.

Mặc dù từ khi em học cấp 3, bố mẹ muốn em theo học một ngành có tương lai và ổn định hơn như là ngành y nhưng em rất thích ngành công nghệ thông tin. Thêm vào đó, em nghĩ là hiện nay đất nước đang phát triển nên sẽ rất cần những người có khả năng cao về ngành này. Em cho rằng sẽ có cơ hội cho bản thân. Do vậy em đã quyết định theo đuổi ngành này”.

Hạnh nói thêm rằng: “Con gái cũng gặp rất nhiều khó khăn khi theo ngành CNTT bởi vì phải đầu tư nhiều thời gian ngồi trên máy tính và tìm hiểu những thông tin khô khan… Thế nhưng là con gái cũng có những thuận lợi như là gặp khó khăn thì em có thể nhờ các bạn nam trong lớp chia sẻ, được các bạn giúp đỡ rất nhiều. Hơn nữa, em cho rằng thời đại hiện nay đang là thời đại bình đẳng giữa nam và nữ nên là sẽ không có khó khăn gì quá lớn nếu như các bạn gái thật sự cố gắng".

Bạn Phạm Thị Thu Hường, sinh viên Khoa CNTT, Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ: “Quê em ở Nam Định, một ngôi làng nhỏ bình yên tại miền Bắc Việt Nam. Dù gia đình nghèo, kinh tế khó khăn nhưng bố mẹ vẫn luôn tạo điều kiện cho em học tập.

Sinh ra ở một miền quê, nên trong suy nghĩ của một cô gái như em, CNTT không phải là ưu tiên trong lựa chọn học tập. Nhưng bố đã thay đổi suy nghĩ của em. Vì vậy em đã bắt đầu tìm hiểu thêm và rất hạnh phúc khi khám phá ra rằng CNTT có thể làm được những điều kì diệu như kết nối con người, tạo ra các phần mềm, trò chơi... Tất cả những điều đó đã làm em hứng thú và tiếp thêm động lực để em tự tin theo đuổi ngành nghề này”.

Sau buổi tọa đàm, các bạn nữ cho biết đã nhận được những thông tin bổ ích và thiết thực, giúp các bạn định hướng được tương lai trong ngành học công nghệ thông tin.

Mai Châm