Những câu hỏi khiến bạn trẻ "kinh hãi" mỗi dịp Tết đến xuân về

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Tết đến, bên cạnh niềm vui đoàn viên, nhiều người cũng cảm thấy "sợ" phải đối diện với những câu hỏi quen thuộc đến ám ảnh: "Bao giờ lấy chồng?"; "Làm lương tháng bao nhiêu"...

"Bao giờ lấy chồng?", "Sao không thấy đưa anh nào về ra mắt?"

Đây có lẽ là câu hỏi quen thuộc đến ám ảnh với nhiều bạn trẻ mỗi dịp năm hết Tết đến. Phạm Thủy (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng không ngoại lệ. Ngày 24 tháng Chạp, cô gái trẻ hào hứng rời TPHCM để trở về Hà Tĩnh đón Tết cùng gia đình. Nhưng xen lẫn tâm trạng háo hức đó lại là tiếng thở dài vì nỗi sợ những câu hỏi bất hủ ngày Tết.

Những câu hỏi khiến bạn trẻ kinh hãi mỗi dịp Tết đến xuân về - 1

Phạm Thủy "đau đầu" với câu hỏi về chuyện lập gia đình (Ảnh: NVCC).

Thủy kể: "Mấy năm gần đây mình ngại đi chơi Tết vì mọi người hay hỏi han chuyện yêu đương rồi kết hôn. Mình sợ những câu thúc giục như: "Đến tuổi lấy chồng rồi sao kén chọn thế cháu?"; "Bao giờ cho các cô được ăn cỗ đây!"; "Cưới nhanh lên không quá lứa lỡ thì lại khổ bố mẹ"... 

Mỗi lần ai hỏi mình chỉ biết cười trừ và nói sang chuyện khác để mọi người thôi bàn luận. Hoặc có những khi mình cũng đáp lời: "Kết hôn là chuyện cả đời nên cứ để duyên đến, vội vàng mà chọn sai thì lại khổ hơn cô ạ". Thật sự, Tết đến ai cũng muốn có tâm trạng vui vẻ chứ không phải mệt mỏi vì những câu hỏi có phần vô duyên như thế". 

Thủy cho rằng, Tết là dịp để mọi người gặp gỡ, quan tâm nhau, nhưng cũng nên để ý đến cảm xúc của người khác. Bởi vốn dĩ không ai muốn bản thân bị đưa ra bàn tán, trở thành chủ đề trong câu chuyện "mua vui".  

"Cháu làm lương tháng được bao nhiêu?", "Năm nay thưởng Tết có cao không?"

Dù không vướng phải câu chuyện "bao giờ lấy chồng" nhưng Diễm My (29 tuổi, nhân viên truyền thông) lại đau đầu vì câu hỏi liên quan đến tiền lương, tiền thưởng.

Những câu hỏi khiến bạn trẻ kinh hãi mỗi dịp Tết đến xuân về - 2

Diễm My thấy không thoải mái với các câu hỏi về thu nhập, thưởng Tết (Ảnh: NVCC).

My kể: "Tiền bạc là chuyện nhạy cảm nên nhiều khi chẳng ai muốn đưa con số cụ thể với người khác. Thế nhưng, mỗi lần Tết đến mình lại "đau đầu" với những câu hỏi tiền lương, tiền thưởng. Có nhiều người cứ gặng hỏi bằng được thì mới chịu dừng lại.

Đa số mình đều trả lời rằng "Lương của cháu chỉ đủ tiêu thôi", hay "Tiền thưởng công ty cháu cũng bình thường, đủ để sắm Tết cô ạ". Mình thấy không thoải mái khi đi chúc Tết mà mọi người lại cứ nhắc đến chuyện tiền bạc như thế này. Năm nào cũng gặp câu hỏi đó nên thành ra mình ám ảnh luôn".

"Đi làm mấy năm mà vẫn chưa mua được nhà thành phố hả cháu?"

Cũng rơi vào trường hợp "bị căn vặn" đủ chuyện dịp Tết, Nguyễn Minh Đăng (26 tuổi, lập trình viên) cảm thấy "chỉ muốn ở yên trong nhà để đỡ bị hỏi". Đăng tâm sự: "Nếu không hỏi chuyện bao giờ lập gia đình thì cũng là chuyện liên quan đến tiền bạc, nhà cửa. Có lần mình qua nhà họ hàng chơi, chưa kịp ngồi chuyện trò gì đã bị hỏi "Đi làm mấy năm mà vẫn chưa mua được nhà thành phố hả cháu".

Những câu hỏi khiến bạn trẻ kinh hãi mỗi dịp Tết đến xuân về - 3

Nhiều bạn trẻ cảm thấy ngại khi đi chúc Tết chỉ vì những câu hỏi riêng tư (Ảnh: Shutterstock).

Lúc đó chỉ muốn im lặng cho qua nhưng vẫn phải đáp lời không thì sẽ bị mọi người đánh giá. Mình thường trả lời "Lương cháu làm đủ sống và phụng dưỡng bố mẹ cháu. Còn chuyện nhà cửa thì chăm chỉ tích góp rồi sẽ có thôi cô ạ".

Mình nghĩ Tết là dịp để mọi người cùng tổng kết những gì đã làm được trong một năm, thay vì hỏi khó nhau, chúng ta nên đặt câu hỏi một cách tế nhị hơn. Xét ở một góc độ khác, thế hệ trước chỉ là quen nói thẳng nên đôi khi chưa biết cách bày tỏ, thành ra con cháu cũng khó xử".

***

Khép lại hành trình của một năm cũ, đón đợi những điều tốt đẹp trong năm mới luôn là điều mà mỗi chúng ta hướng đến. Thay vì hỏi nhau những câu hỏi khó, hãy quan tâm chân thành và tế nhị để những ngày Tết trở nên đầm ấm, thân tình hơn, để lời hỏi han không hóa thành vô duyên, tọc mạch.