Những câu chuyện buồn trong cộng đồng mạng 2014
(Dân trí) - Mạng xã hội bùng nổ khá nhanh trong đời sống giới trẻ, đồng thời cũng kéo theo đó nhiều hệ lụy, hiện trạng đáng buồn: chế, ghép ảnh bôi nhọ, đánh nhau khoe clip, chửi người thân, chụp ảnh tự sướng phản cảm…
Đánh nhau, tung clip lên mạng
Chỉ vài tháng đầu năm 2014, đã có 4 – 5 vụ ầm ĩ, gây chú ý trên mạng xã hội: 3 nữ sinh hành hung 1 cô gái ngay giữa đường tại Thái Nguyên; 3 nữ sinh đánh hội đồng bạn khác ngay trong lớp học đầu tháng 3 tại trường THPT Lạng Giang 2 – Bắc Giang do người yêu mới của bạn trai cũ nói xấu; 5 học sinh trường THPT Trần Phú (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đánh bạn chỉ vì không ưa nhau…
Chế, ghép ảnh bôi nhọ tai hại
Tháng 8/2014, V.T (SN 1994, Thanh Hóa) rơi tình trạng căng thẳng, trầm cảm nặng nề trong thời gian dài khi có nhiều người hăm dọa. Nguyên nhân là do mất tài khoản Facebook, Việt Trinh đã bị vu oan đăng những thô tục chửi mắng, phân biệt vùng miền khiến dân mạng chấn động và “ném đá” không ngớt.
Chụp ảnh “tự sướng” phản cảm
Trong năm 2014, trào lưu chụp ảnh “tự sướng” phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc chụp ảnh “tự sướng” không đúng lúc, đúng chỗ đã khiến cho người xem phản cảm. Một số bức ảnh trên thế giới đã bị liệt vào danh sách này như: cậu bé tạo dáng bên quan tài của ông, chàng trai trẻ tươi rói bên ngôi nhà đang bị bốc cháy, “tự sướng” bên xác chết…
Mặc dù hiểu rõ phản ứng của dư luận khá gay gắt trước điều này nhưng nhiều cư dân mạng Việt vẫn cố tình “làm tới”. Trong lúc được huy động lên dập lửa cứu rừng, một nam thanh niên (tại Nghệ An) đã tranh thủ chụp ảnh tự sướng “chu môi tạo dáng” với dòng chữ đầy phấn khích rồi đăng tải lên facebook vào T6/2014.
Chửi ông bà, bố mẹ, thầy cô
Hai tháng sau đó, cộng đồng mạng lại một phen choáng váng, giận dữ trước dòng status của một cô gái có nickname T.T chửi mắng ông ngoại mình một cách thậm tệ.
Cô sử dụng những từ ngữ đầy tục tĩu và thể hiện rõ ràng sự khinh miệt của mình trong vài dòng chữ, kèm theo đó là bức ảnh “tự sướng” chu môi. Không dừng lại ở đó, không ít bạn trẻ còn lập hẳn các Hội nhóm (group) kín để chê xấu, mắng chửi thầy cô mình trên mạng xã hội.
Cười cợt thái quá
Vào tháng 9/2014, một cô gái trẻ làm nghề trang điểm, sau khi make – up cho cặp đôi chụp ảnh cưới đã quay lén clip và đăng lên Facebook nhằm cười cợt, chế nhạo khách hàng có vấn đề về trí tuệ. Clip nhanh chóng nhận sự chú ý, chia sẻ chóng mặt với vài nghìn lượt share và like.
Chủ nhân clip dùng các từ ngữ mỉa mai: “cô dâu khôn hơn chú rể một tí”, “chú rể bị down”, thậm chí kêu gọi bạn bè giúp mình đăng clip lên trang mạng xã hội về ảnh chế và clip hài.
Mới đây, nhiều người đã hết sức tức giận vì một thiếu nữ thờ ơ, đăng ảnh cười cợt, hân hoan với lời lẽ thiếu văn minh trên mạng xã hội khi chứng kiến vụ cháy lớn: “Bắn pháo bông sớm trước 1 ngày ăn mừng tết tây…”
Chửi nhau qua mạng, đánh nhau ngoài đời
Từ phương tiện giao lưu, kết nối mọi người, nhiều cô cậu đã biến internet thành mảnh đất diễn ra các cuộc “khẩu chiến” để rồi quay sang đánh nhau không thương tiếc.
Chỉ vì cãi nhau trên Facebook, nữ sinh Biên Hòa đã bị nhóm cô gái trẻ đón đánh đập một cách dã man và chửi bới nặng nề. Cầm đầu nhóm nữ sinh đánh người là Oanh (16 tuổi, học tại trường THPT hệ dân lập trên địa bàn TP Biên Hòa).
Chỉ vì sự nông nổi, bồng bột, các bạn trẻ đã không lường hết được kết quả nghiêm trọng của các hành động: Mạng là ảo, nhưng hậu quả là thật, thậm chí đi rất xa những gì chúng ta vẫn tưởng tượng về nó.
Hoài Thư (tổng hợp)