Nhờ đam mê giáo dục, cựu SV FPT Edu thành nhân vật 30 Under 30 của Forbes
(Dân trí) - Trong danh sách 30 Under 30 năm 2019 do Forbes bầu chọn, Hoàng Anh Đức (CEO EdLab Asia) là 1 trong 30 gương mặt được vinh danh. Anh cũng là người duy nhất trong danh sách theo đuổi nghiên cứu KHXH.
Ngã rẽ “lạ đời” của chàng sinh viên Kinh tế
“Những người hùng bản địa” là danh xưng mà TS. Daniel Gray Wilson, Giám đốc Đề án Số Không (Project Zero), Trường Giáo dục thuộc ĐH Harvard dành cho đội ngũ thực hiện Nội san Dạy và học – một ấn phẩm phát hành trực tuyến chuyên bàn luận về các phương pháp giáo dục tại Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng ấn phẩm có thể đem lại ảnh hưởng lớn không chỉ ở những lời khuyên thực tế dành cho giáo viên mà còn giúp nâng cao vị thế nghề nghiệp và cách mà giáo viên suy nghĩ về bản thân và công việc của mình” – TS. Daniel bày tỏ.
Trong số “những người hùng bản địa” mà vị chuyên gia của ĐH Harvard nhắc đến, có Hoàng Anh Đức – một chàng trai mà con đường đến với giáo dục đã đi qua những ngã rẽ “lạ đời”.
Giáo dục vốn không phải một lĩnh vực quá “hot” với các bạn trẻ, và Hoàng Anh Đức cũng từng thấy như vậy. Nhưng bốn năm học Quản trị kinh doanh tại ĐH FPT - FPT Edu đã giúp Đức dần khám phá ra bản thân mình thực sự phù hợp với điều gì.
“Ngày đó, với vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên, mình đã nhận thấy nhu cầu được trao đổi, kết nối nguồn lực giữa giảng viên và sinh viên các khóa nên đã triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho sinh viên năm nhất học tập tốt hơn. Kết hợp với công việc nghiên cứu viên part-time chương trình khoa học cho một trường quốc tế, mình nhận ra rằng giáo dục là một lựa chọn đầy lý thú” – Đức nhớ lại.
Vậy nên, ra trường, thay vì vào làm ở các doanh nghiệp, ngân hàng như bạn bè đồng trang lứa, anh chọn công việc của một cán bộ nghiên cứu chương trình tại chính nơi mình đã có 4 năm trưởng thành - FPT Edu, đặt những viên gạch đầu cho sự hình thành hệ thống Phổ thông FPT School.
Đến năm 2017, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ về Khoa học Quản lý tại Trường Quản lý Maastricht (Hà Lan), Đức bắt tay vào hiện thực hóa những ý tưởng mà bản thân mình đã nung nấu suốt nhiều năm với các nghiên cứu tập trung về quản trị tri thức, quản lý giáo dục. “Tiếp xúc với giáo viên ở nhiều nơi, mình mới cay đắng nhận ra là giáo viên mình có rất ít tài liệu để tự nâng cao năng lực. Những tài liệu tốt, hay hầu hết được viết bằng tiếng Anh, trong khi giáo viên phổ thông – nhất là ở các tỉnh xa – không đủ vốn ngoại ngữ để tiếp cận” – chàng trai trẻ chia sẻ.
Xuất phát từ trăn trở đó, Nội san Dạy&Học đã ra đời vào tháng 7/2018. Điều đặc biệt là nội san này không đi sâu vào việc giảng dạy các đơn vị kiến thức cụ thể mà chú trọng đến tính khoa học của các phương pháp đào tạo. Theo anh, đó chính là cách thức bền vững nhất để anh có thể tạo tác động tích cực sâu rộng đến nền giáo dục nói chung: “Đối tượng chúng tôi hướng đến không phải học sinh mà là giáo viên. Bởi xét cho cùng, nếu chỉ dạy các em một kiến thức nào đó, nó rất dễ lạc hậu với tương lai, đồng thời sự thay đổi chỉ diễn ra với một nhóm học sinh cụ thể. Còn khi tác động được đến giáo viên, họ sẽ truyền được tư tưởng, năng lực hành động cho rất nhiều thế hệ học sinh và cho cả đồng nghiệp của mình”.
Dù chỉ là một tài liệu chuyên khảo có tuổi đời non trẻ, lại được vận hành theo cơ chế phi lợi nhuận, nhưng Nội san Dạy&Học hiện đã ra được 19 số và dần có những lan tỏa nhất định trong cộng đồng giáo dục. Thậm chí, Dạy&Học còn được nhiều học giả gửi bài tới vì nghĩ rằng đây là ấn phẩm có tính điểm khi xét PGS, GS. Đức cho biết, hàng tháng bản online của nội san đều đặn nhận được khoảng 12.000 lượt tải về. Nhiều thầy cô còn nhắn tin trực tiếp qua Fanpage để đặt mua định kỳ vì tưởng có… báo giấy!
Cùng học là niềm vui
Nội san Dạy&Học cũng giúp Đức nhìn nhận rõ hơn vai trò của công tác nghiên cứu giáo dục. Bước vào năm 2019, Đức dấn thêm một bước tiến mới: thành lập EdLab Asia. Cái tên này được lấy cảm hứng từ chính EdLab Maastricht – phòng nghiên cứu mà anh đã từng có cơ hội tham gia trong thời gian học tập tại Hà Lan. EdLab Asia chuyên nghiên cứu và đưa ra các tư vấn dành cho các cơ sở giáo dục, nhằm giúp họ dần cải thiện chất lượng của chính mình. Đó có thể là giúp các trường xây dựng chương trình học, hỗ trợ đào tạo lại đội ngũ giáo viên, hay các báo cáo kỹ thuật nhằm đánh giá chất lượng dạy và học tại một địa phương trong một thời gian nhất định…
Tư nhân đi làm nghiên cứu, lại ở mảng khoa học xã hội - là một câu chuyện chưa bao giờ hết thách thức. Đức thừa nhận “nhiều lúc khó muốn bỏ”, nhưng rồi giáo dục vẫn níu chân được chàng trai trẻ vì một niềm tin “cái mình làm sẽ tốt cho mọi người”.
Một ngày của chàng trai lọt top 30 Under 30 năm 2019 lĩnh vực Khoa học – Giáo dục của Forbes bắt đầu với việc chăm con. Sau đó đến văn phòng, họp giao ban nhanh với đồng nghiệp rồi bắt tay vào nghiên cứu. Đức tính trung bình, mỗi ngày một nghiên cứu viên tại EdLab đều đọc khoảng 10 – 15 bài báo khoa học. “Mình không thấy công việc tẻ nhạt vì được học mỗi ngày, và có mọi người cùng học với mình. Ngồi làm việc, ai có chỗ nào không hiểu là có thể ngay lập tức đem hỏi người khác. Tất cả làm việc với tinh thần là tôi không biết gì hết, thế nên tôi luôn phải tiếp thu cái mới” – Đức cho biết.
“Tự học”, “cùng học” cũng trở thành tâm niệm để chàng trai trẻ thúc đẩy những hoạt động của EdLab. Năm 2019, anh đồng tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Educamp 2019 “Những viễn cảnh giáo dục mới”. Sự kiện này đã thu hút hơn 450 nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quán lý giáo dục; và tạo nhiều lan toả tích cực. Tới đây, Trang học tập trực tuyến dành cho giáo viên mang cái tên giản dị là Cùng học sẽ ra đời, hứa hẹn sẽ là địa chỉ quen thuộc để các nhà giáo trên khắp cả nước vào cùng học tập và trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, năm 2020 cũng đánh dấu sự ra đời của Trường hè Giáo dục – một mô hình gặp gỡ giữa những chuyên gia và người làm giáo dục để thảo luận và cải thiện phương pháp dạy học… Điểm chung giữa các hoạt động này đó là sự kết nối giữa rất nhiều người, rất nhiều bên để tạo ra những cơ hội phát triển mới cho nhà giáo.
Âm thầm học, âm thầm làm, những tác động từ công việc của Đức và cộng sự không thể ngày một ngày hai là thấy ngay. Thế nên khi biết mình lọt top 30 Under 30, cảm xúc của chàng trai trẻ gói gọn trong hai từ “bất ngờ”. Đứng bên cạnh những “KOLs” của giới trẻ, Đức đương nhiên không phải một gương mặt “hút” truyền thông. Thế nhưng, anh lại là địa chỉ quen thuộc để nhiều tổ chức chuyên môn, truyền thông tìm đến tham khảo ý kiến trong những sự kiện giáo dục quan trọng.
Chọn gắn bó với giáo dục từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Đức ví von công việc của mình như một người chăm cây. Điều nên làm là tạo những điều kiện tốt nhất cho cái cây đó tự phát triển, thay vì chỉ chăm chăm cắt tỉa nó theo ý của mình. Và con người hạnh phúc nhất là con người được làm những gì mình thích – như chính Đức đã từng được thoải mái rẽ ngang trên chặng đường học tập của chính mình.
Hoàng Anh Đức
- Cử nhân Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học FPT thuộc Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu)
- Thạc sĩ Khoa học Quản lý, Trường Quản lý Maastricht, Hà Lan
- Chứng chỉ Quản trị và Lãnh đạo trường học, Trường Sau đại học về Giáo dục Harvard
- Thành viên, Huấn luyện viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA
- Lọt top 30 Under 30 2019 lĩnh vực Giáo dục – Khoa học của Forbes Việt nam
- Nhà sáng lập và điều hành Edlab Asia
Ngọc Hải