Nhân sự "nhảy việc" sát Tết, không cần đến tiền thưởng

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Thay vì chờ đến thời điểm đầu năm rồi chuyển việc, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ qua khoản thưởng Tết để giải tỏa áp lực, làm mới bản thân.

Không muốn "chịu đựng" áp lực chỉ vì đợi thưởng Tết

Chia sẻ câu chuyện nghỉ việc cuối năm, Đắc Chung (sinh năm 1995, TPHCM) thừa nhận bản thân không muốn chỉ vì tiền thưởng Tết mà gò ép bản thân làm công việc quá áp lực.

Chung kể: "Mình cũng chỉ làm nhân viên bình thường, đi làm công ăn lương như mọi người thôi. Công việc là làm kiểm toán cho công ty tổng có trụ sở ở nước ngoài. Team mình có 13 người, leader team là nhân viên tốt nhưng không có tố chất lãnh đạo nên rồi nội bộ cũng xảy ra những chuyện không hay.

Quản lý của mình không hỗ trợ mọi người trong công việc, dần dần một số nhân viên đã nộp đơn xin nghỉ. Tinh thần làm việc cũng ảnh hưởng rất nhiều, áp lực và cực kỳ mệt mỏi.

Nhân sự nhảy việc sát Tết, không cần đến tiền thưởng - 1
Người trẻ bỏ qua khoản thưởng Tết để "nhảy việc" (Ảnh: Shutterstock).

Mình quyết định nghỉ việc vào ngày 24/12, khi mà còn một thời gian ngắn nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm Tết thường sẽ có một khoản tiền thưởng, nhưng mình không nghĩ đến nó nữa. Bởi vì mình thấy số tiền đó không đáng để bản thân phải chịu đựng cảm giác tồi tệ mỗi ngày đi làm.

Mình nghỉ việc và không quá gấp gáp tìm việc mới. Mình muốn cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi, làm công việc tự do và sẽ tìm một công ty phù hợp để gắn bó sau Tết".

Nắm bắt cơ hội làm mới bản thân

Hồng Mến (sinh năm 1999, Hưng Yên) cũng có quan điểm rằng, một khi đã quyết định "nhảy việc" thì sẽ không đắn đo chỉ vì khoản thưởng Tết. Công việc cũ của Mến có phần nhàm chán, chế độ đãi ngộ không tốt và không phát triển được nhiều trong tương lai, thế nên cô gái này không ngần ngại "rẽ hướng" vào thời điểm cuối năm.

Chia sẻ về điều này, Hồng Mến bày tỏ: "Mình nghĩ rằng đằng nào cũng nghỉ, thà rằng dũng cảm thay đổi còn hơn cứ "dậm chân một chỗ", bản thân không vui vẻ gì khi mỗi ngày đến công ty với tâm trạng chán nản. Nhiều bạn hỏi mình, sao không để qua Tết rồi chuyển việc, nhưng trong quan điểm của mình, không ở lại môi trường không phù hợp chỉ vì thưởng Tết.

Nhân sự nhảy việc sát Tết, không cần đến tiền thưởng - 2
Công việc nhàm chán không còn đủ sức hấp dẫn để "níu chân" nhân viên trẻ (Ảnh: Shutterstock).

Tất nhiên, khi quyết định nghỉ việc cũ thì mình cũng đã có những định hướng riêng cho bản thân. Mình nhìn thấy cơ hội phát triển ở công việc mới, hơn nữa cũng đã đến lúc mình cần phải bước ra khỏi vùng an toàn, cho bản thân trải nghiệm để trưởng thành".

Hồng Mến cũng kể thêm, mỗi khi gặp phải áp lực thì cô sẽ ngồi thiền hoặc đi chùa để tìm lại những phút giây nhẹ nhàng, bình tâm lại để hướng đến những điều tích cực. Và khi đã ổn định được cảm xúc, Hồng Mến dễ dàng tìm thấy nút thắt để giải quyết vấn đề. Cô hy vọng năm 2023 sẽ gặt hái được nhiều thành quả trong công việc, để khi thời gian qua đi, nhìn lại không phải hối tiếc vì bất cứ điều gì cả.

Rời thành phố xô bồ để trở về quê

Uyên Phương (sinh năm 1998, Quảng Trị) chọn rời bỏ thành phố xô bồ để chuyển về quê sinh sống và làm việc ngay thời điểm cuối năm. Phương kể rằng, bản thân từng có một quãng thời gian rơi vào trầm cảm vì áp lực công việc, áp lực cơm - áo - gạo - tiền khi sống ở Sài Gòn đắt đỏ.

Cô nhớ lại: "Có những ngày mình đi bệnh viện một mình, trong túi chỉ có đủ tiền khám, còn tiền lấy thuốc phải mượn bạn bè. Cuộc sống ở Sài Gòn xô bồ đã khiến mình kiệt sức mất rồi. Công việc áp lực nhưng đồng lương cũng không đủ để trang trải sinh hoạt phí, nhất là những tháng nhận được nhiều thiệp mời đám cưới.

Bạn bè mình khuyên rằng hãy đợi để lấy khoản thưởng Tết rồi hẵng nộp quyết định nghỉ việc. Tuy nhiên, mình đã không làm thế, hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của mình ở đây.

Mình cũng đã đặt vé xe về quê, mình muốn nghỉ ngơi một thời gian bên cạnh gia đình rồi sẽ lên kế hoạch làm việc lại. Mình cảm thấy may mắn vì mọi quyết định đều luôn được bố mẹ ủng hộ, về với vòng tay gia đình là nơi ấm áp nhất".