Người trẻ trong cơn cuồng "Mày không uống là khinh anh"

(Dân trí) - Văn hóa ""mày không uống là khinh anh" qua cốc bia, ly rượu không chỉ ào ạt ở người trưởng thành, trung niên... mà người trẻ góp phần không nhỏ.

Ở đâu có sinh viên, ở đó có quán nhậu!

Chuyện "khinh trọng" qua bia rượu thường được nam giới miệng lưỡi, bao biện là vì hợp đồng, vì đối tác... không uống không được, không uống là mất tiền tài, mất quan hệ.

Đây vốn là lý do không thể chấp nhận nhưng phải nói chuyện ép nhau uống bia rượu còn "nhập" vào cả lớp trẻ, việc uống phần lớn chẳng liên quan gì đến tiền bạc tạo dựng quan hệ. 

Người trẻ trong cơn cuồng Mày không uống là khinh anh - 1

Người trẻ góp sức lớn trong thứ văn hóa "không uống là khinh anh"

Nói không quá, sinh viên đi tới đâu là... quán nhậu mọc tới đó. Chỗ tìm quán nhậu dễ nhất chính là quanh các khu nhà trọ của sinh viên, quanh các ký túc xá, quanh các trường ĐH, CĐ. 

Nhiều chủ nhà trọ ở TPHCM, vừa xây xong dãy phòng thì nhanh tay giữ phòng mặt ngoài để mở quán nhậu để... phục vụ sinh viên ngay tại chỗ.

Làng ĐH Thủ Đức và nhiều trường ĐH khác khắp mọi nơi cũng được "phủ kín" bởi quán nhậu. Chiều tối hay những ngày cuối tuần, các quán nhậu sinh viên luôn trong tình trạng quá tải, người nhậu trai có, gái có. 

Họp lớp, sinh nhật, kỷ niệm, gặp mặt hay chỉ là gặp nhau để có cớ mà uống... rất nhiều hoạt động, giao lưu của người trẻ chỉ quanh quẩn trong bối cảnh quán nhậu hay quán karaoke. Mà ở đó cũng là những tiếng "hò zô", là cũng ép nhau "chú không uống là khinh anh". Văn hóa bia rượu ở đó không thể hiện bằng ly, cốc mà "cậy sức trẻ" còn ép nhau uống bằng xô, bằng chậu, bằng nồi... 

Rệu rã vì bia rượu

Báo cáo của Bộ Y tế trong tờ trình Luật phòng, chống tác hại của rượu cuối năm 2018, Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và xếp vào hàng đầu thế giới, trong đó là xu hướng trẻ hóa sử dụng bia rượu là điều rất đáng ngại. 

Người trẻ trong cơn cuồng Mày không uống là khinh anh - 2

Nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít.

Nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi vào năm 2010 thì trung bình một nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên/năm, xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới.

Về mức độ phổ biến của việc uống rượu bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Năm 2015 có 80,3% nam và 11,6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia.

Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Năm 2013 có tới 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần.

Người trẻ trong cơn cuồng Mày không uống là khinh anh - 3

Người trẻ ép nhau uống thậm chí bằng... xô đá (Ảnh: Hoài Nam)

Một chuyên gia tuyển dụng ở TPHCM chia sẻ, chúng ta thường bàn nhiều về việc nhân sự trẻ thiếu kỹ năng, chuyên môn. Nhưng nhiều năm tuyển dụng, làm việc với lao động trẻ nhận thấy đáng ngại nhất là sự mệt mỏi, rệu rã, sức khỏe thể chất và tinh thần yếu kém của nhân sự. Mà nguyên nhân là các bạn có lối sống thiếu khoa học, nhậu nhẹt, lười vận động...

"Một khi lớp trẻ chúng ta không có thể chất, tinh thần tốt thì làm sao tiếp cận, phát huy được kỹ năng, trí thức, làm sao nâng cao chất lượng lao động. Đã ngập trong bia rượu thì khó để nói chuyện đạo đức, nhân cách", người này cho biết. 

Nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ tìm đến bia rượu phần lớn do áp lực, mất phương hướng, mục tiêu trong cuộc sống và còn là sự chán nản khi đổ vỡ những giá trị sống, niềm tin.

Nhưng hơn hết là họ không làm chủ được bản thân, thiếu rèn luyện, thiếu bản lĩnh, kỹ năng để "nói không" trước các thói hư tật xấu. 

Lê Đăng Đạt