Người trẻ loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất

CTV

(Dân trí) - Lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, thế giới nhiều biến động, yêu cầu về nhân lực ngày càng cao... khiến bạn trẻ chịu nhiều áp lực.

Mỗi thế hệ lại gánh trên mình những áp lực riêng. Trải qua từng thời kỳ, bối cảnh xã hội có những đổi thay nhất định, chính vì thế tư duy và thế giới quan đã tạo những áp lực không giống nhau. Thế hệ nào cũng cần được thấu hiểu và chia sẻ, đặc biệt là đối với thế hệ chịu những định kiến vô hình và áp lực từ nhiều phía như Gen Z hiện nay.

Thế hệ có nhiều người cuồng công việc

Cụm từ "workaholic" hay "nghiện việc" có lẽ không còn xa lạ đối với các bạn trẻ hiện nay. Để có thể đạt được mục tiêu bản thân đặt ra, nhiều bạn trẻ Gen Z bị cuốn vào vòng xoáy công việc. Họ điên cuồng làm việc đến quên ăn, quên ngủ và thậm chí không có khái niệm nghỉ ngơi.

Bạn Nhữ Mai Hải Yến (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Bản thân mình cũng là một người "nghiện việc". Mình bị cuốn vào vòng xoáy công việc, học tập đến mức chính mình không biết mệt là gì. Có một thời gian dài mình hầu như chỉ ở trong vòng lặp: thức dậy - đi học - làm việc - ngủ và lại thức dậy.

Mình chỉ có làm và học, không liên lạc, tiếp xúc với mọi người, thậm chí kể cả thời gian ngồi xuống ăn cơm với gia đình cũng không có, hàng xóm thậm chí còn không thấy mặt mình trong cả một tháng.

Mình cũng không còn dành được chút thời gian nào cho việc đọc sách, nghe nhạc, xem phim hay là đi chơi với bạn bè. Mình cảm thấy mình như con thiêu thân, lao vào học tập và làm việc".

Người trẻ loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất - 1

Hải Yến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về áp lực mà bản thân cô đang trải qua. (Ảnh: NVCC)

Theo Yến, cuộc sống ngày càng hiện đại đòi hỏi Gen Z phải nỗ lực từng ngày để có thể theo kịp, nếu không cố gắng sẽ bị bỏ rơi và thụt lùi so với xã hội. Bởi lẽ đó, giới trẻ ngày nay luôn cố gắng làm việc, học tập, trau dồi để khẳng định vị thế của bản thân.

Tuy nhiên, cũng chính vì thế, Gen Z đã vô tình bỏ qua sức khỏe tinh thần, phớt lờ thời gian nghỉ ngơi, gây tổn hại đến sức khỏe. "Sức khỏe mình bị yếu đi sau chuỗi ngày làm việc thâu đêm suốt sáng, có lần mình phải nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể", Yến cho biết.

Bên cạnh đó, khối lượng deadline quá lớn với nhịp độ làm việc gấp rút cũng là nguyên nhân khiến không ít các Gen Z cảm thấy kiệt quệ.

Bạn Phan Hằng (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) bày tỏ: "Lúc đối diện với tần suất công việc quá dày đặc mình sẽ cảm thấy bị bế tắc. Vì deadline sắp đến nhưng công việc thì chưa hoàn thành, cách duy nhất là làm ngày làm đêm để hoàn thành công việc đó cho xong.

Đôi lúc muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ cố thêm chút nữa là xong rồi, đằng nào cũng làm rồi nên vẫn sẽ cố cho xong, chuyện khác tính sau".

Áp lực từ những mục tiêu

Để đạt được thành tích trong học tập, có thể thích ứng và đương đầu với sự bùng nổ của công nghệ số, đặc biệt là phương tiện truyền thông và kỳ vọng của xã hội, họ phải đối diện với nhiều áp lực mà các thế hệ đi trước khó có thể thấy được.

Bên cạnh đó, quãng thời gian học hành, thi cử là lúc Gen Z cảm thấy mệt mỏi, áp lực nhất. Bởi sau bao sự cố gắng, kết quả liệu có xứng đáng với những gì đã đánh đổi?

Bạn Nguyễn Quyên (sinh viên Học viện Ngoại giao) là một thí sinh tự do vừa trải qua kỳ thi vào đại học năm nay. Theo như Quyên chia sẻ, năm 2021 bạn đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Mặc dù, trúng tuyển vào nhiều trường với những phương thức xét tuyển khác nhau nhưng Quyên kiên định với lựa chọn thi lại vào năm nay.

Đối diện với áp lực đến từ việc ôn lại, thi lại, Quyên tâm sự: "Với suy nghĩ rằng bản thân phải trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao, mình đã rất tâm huyết đánh đổi phần lớn thời gian.

Những ngày học bài không dám bỏ bê, nói buồn không thì tất nhiên là buồn chứ. Mình là thí sinh tự do, có những tâm sự trong những ngày ôn thi khó có thể chia sẻ được với ai, liệu rằng nói ra có ai hiểu được. Liệu rằng quãng thời gian một năm này mình bỏ ra để đánh đổi liệu rằng có nhận lại được gì không".

Người trẻ loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất - 2
Nguyễn Quyên (sinh viên Học viện Ngoại giao). (Ảnh: NVCC)

Còn với bạn Nguyễn Trang (sinh viên Đại học Luật Hà Nội), áp lực lớn nhất đến từ cơ hội việc làm, bởi theo Trang, đặc điểm của ngành luật là số lượng tuyển sinh đông dẫn đến sự cạnh tranh công việc cao. Để tìm được một công việc phù hợp với bản thân, đúng với mong muốn đặt ra thì cần phải chuẩn bị và cố gắng rất nhiều.

"Cơ hội việc làm cho sinh viên luật cũng là vấn đề được bàn đến nhiều trong nhiều năm nay, cũng từng được đề cập đến ở nhiều diễn đàn. Nhưng trên thực tế theo mình tìm hiểu thì nhà tuyển dụng yêu cầu rất cao về kinh nghiệm, có nơi thậm chí yêu cầu đến 2-3 năm kinh nghiệm làm việc. Nên rất khó để sinh viên mới ra trường đáp ứng được", Trang nói.

Loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực

Trên thực tế căng thẳng là một phần của cuộc sống bởi nó có thể là động lực thúc đẩy mỗi người làm việc chăm chỉ hơn để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, quá nhiều sự căng thẳng có thể làm phát sinh lo lắng, điều này có thể cản trở đến quá trình học tập và hiệu suất làm việc của Gen Z.

Bạn Nguyễn Trang chia sẻ: "Mình luôn để tâm trạng thoải mái nhất có thể, hạn chế đọc những status kìm nén cảm xúc bản thân, hạn chế lướt mạng xã hội và thường xuyên đi tìm niềm vui như là đọc sách rèn luyện tư duy..., đồng thời dành nhiều thời gian cho việc học hơn, những lúc buồn chán thì mình không học nữa, mình sẽ đi ngủ để quên nó đi hoặc là trò chuyện với những người bạn của mình".

Người trẻ loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất - 3
Nguyễn Trang (sinh viên Đại học Luật Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Mặc dù có nhiều cách để Gen Z giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Thế nhưng, cũng có không ít người bị chìm đắm trong cảm xúc trầm uất. Thậm chí, vượt qua stress bằng những cách rất tiêu cực.

Gặp phải tình trạng tương tự, bạn Hải Yến tâm sự: "Lúc mới đầu, khi còn chưa quá căng thẳng, mình thường nghe nhạc, đi bộ, đọc sách hay nấu ăn để giải tỏa tâm trạng, điều chỉnh lại cảm xúc. Tuy nhiên, càng về sau, khi mà quá lún sâu vào công việc, bị stress nặng và cơ thể thì mệt mỏi, những cơn đau cứ ập đến bất chợt. Khi ấy mình đã làm tổn thương bản thân bằng nhiều cách khác nhau như một cách giảm stress.

Làm những điều đó khiến mình cảm thấy thỏa mãn, nhẹ nhàng biết bao, nó dường như làm thỏa nỗi bực tức, ấm ức, những khó chịu và mệt mỏi đã tích tụ lâu ngày trong mình mà những cách giảm stress nhẹ nhàng khác không thể nào làm mình hài lòng, thỏa mãn".

Thế nhưng khi tìm cách giải tỏa áp lực, các bạn Gen Z đã bao giờ dừng lại và tự đặt câu hỏi: Thành công có thực sự đến từ việc tạo ra những nỗi căng thẳng: Liệu cứ làm quá nhiều việc là sẽ đạt được kết quả như mong đợi?

Trên thực tế, việc tạo ra áp lực lớn chỉ dẫn đến những tổn thương cho chính bản thân các bạn trẻ. Thậm chí, có những người tìm cách giải thoát khỏi những áp lực bằng cách làm đau chính mình.

Người trẻ loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất - 4
Gen Z loay hoay tìm cách giải tỏa áp lực ngày càng chồng chất. (Ảnh: Parents)

Satya Doyle Byock, nhà trị liệu tâm lý ở Portland, Oregon, giám đốc sáng lập của Viện Nghiên cứu Jungian Salome đã phác thảo những trở ngại mà thanh niên ngày nay phải đối mặt và cách đối phó với chúng trong cuốn sách mới của mình có tên "Cuộc sống quý giá: Tìm kiếm bản thân khi trưởng thành sớm".

Người trẻ có thể cảm thấy áp lực khi phải chạy đua qua các giai đoạn của cuộc đời, họ khao khát cảm giác đạt được thành tích cùng với việc hoàn thành "KPI". Nhưng học cách lắng nghe chính bản thân mới là cách giải tỏa áp lực về lâu dài.

Cô cho biết, thay vì tìm kiếm các biện pháp khắc phục nhanh chóng, những người trẻ tuổi nên nghĩ tới các mục tiêu dài hạn như: bắt đầu với những liệu pháp điều trị tâm lý kéo dài, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hình thành thói quen tập thể dục và học cách sống tự lập.

"Tôi biết những phương pháp này rất rộng và thậm chí quá đỗi phi lý. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng cho phép chúng ta khám phá được chính bản thân, được học cách vận động trong cuộc sống, thay vì chỉ "đánh dấu vào ô và làm đúng" như vậy", Byock nói.