Người trẻ không thích Tết không phải do hết tiền mà vì nhiều lý do
(Dân trí) - Nhiều người trẻ tâm sự rằng không thích đón Tết không phải do hết tiền mà vì lý do ngại giao tiếp với họ hàng, bận kiếm tiền, phải rửa bát...
Cách đây không lâu, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã đưa ra quan điểm cho rằng nhiều người có thái độ không mong Tết là do điều kiện kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều người trẻ tuy có thu nhập ổn định, không phải gặp nhiều áp lực về kinh tế nhưng vẫn không hào hứng đón Tết vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc gặp gỡ họ hàng.
Không thích Tết từ khi bắt đầu đi làm
Phạm Thu Hằng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cô "mất cảm giác" với Tết kể từ năm nhất Đại học do thường xuyên đăng ký làm thêm vào những ngày này. Trong những ngày Tết, tiền lương và tiền thưởng thường cao hơn so với những ngày khác nên Hằng cũng thường đăng ký làm thêm để có thêm thu nhập.
"Đi làm về mệt nên nếu có thời gian rảnh, mình chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, ăn, ngủ và giải trí hoặc ra ngoài giao lưu với bạn bè trong một buổi tối", Hằng chia sẻ.
Theo Hằng, ngày bé cô là một người rất thích Tết, thích đến nỗi Tết chưa đến mà đã thấy… tiếc vì rồi Tết cũng sẽ hết: "Những điều mình thích nhất, trân trọng nhất thì mình sẽ luôn có một sự bất an nhất định ngay cả khi nó chưa tới", Hằng nói.
Hằng kể lại, ngày bé cô rất háo hức sắp xếp bánh kẹo, chỉ mong đi được nhiều nhà để nhận được nhiều lì xì và được ăn bánh kẹo ngon.
"Trong 3 ngày Tết, bố mẹ đi đâu thì mình đều muốn đi theo vì sợ bỏ lỡ những bao lì xì "chất lượng" và ham hố đến nhà mọi người để ăn bánh kẹo.
Bình thường ngày mùng Một, người ta thường kiêng, chưa đến nhà nhau vội vì sợ chẳng may không hợp tuổi lại đi xông đất cho nhà người ta nhưng mình lại nôn nóng muốn được đến nhà mọi người chơi ngay từ buổi sáng mùng Một", Hằng kể lại.
Nhưng kể từ sau khi Hằng đã bắt đầu đi làm và tự có cho mình những khoản thu nhập ổn định, Hằng không còn "trông mong" vào tiền lì xì nữa và cũng tự hiểu rằng bản thân đã quá lớn để được người khác mừng tuổi. Ngoài ra, Hằng cũng biết rằng ăn quá nhiều bánh kẹo vào dịp Tết có thể gây hại cho sức khỏe của mình.
Hai điều thích nhất ở Tết là lì xì và bánh kẹo Hằng đều không còn thích nữa nên mỗi lần Tết đến, Hằng chỉ muốn ở nhà.
"Ngại" gặp họ hàng
Ngoài những lý do trên, một trong những lý do khác để Thu Hằng không còn háo hức đón Tết như khi còn bé là việc hình thành tâm lý "ngại" gặp họ hàng.
"Không phải đến gặp họ hàng nào mình cũng thích. Mình lớn rồi nên nhiều chuyện trong gia đình mình cũng hiểu được đôi chút. Đến thăm hỏi làm gì trong khi bản thân mình cũng chỉ ngồi một chỗ, còn lại là để bố mẹ mình tiếp chuyện?" Hằng nói.
Hằng cũng chia sẻ thêm, bây giờ ngoài gia đình, cô còn nhiều mối quan hệ khác như bạn bè, đồng nghiệp nên sự phân chia thời gian mỗi dịp Tết đến cũng sẽ khác với khi còn bé.
"Ngày bé, mình chỉ có gia đình và họ hàng nên Tết cũng chỉ biết đi chúc Tết với bố mẹ. Bây giờ, mình còn có bạn bè, đồng nghiệp nên mình cũng phải phân chia thời gian khác đi để dành thời gian cho những mối quan hệ này nữa", Hằng nói.
Cũng giống Thu Hằng, Nguyễn Việt Thành (Bắc Giang) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi nhiều lúc anh không biết phải "tiếp lời" với họ hàng thế nào: "Mình khá ngại khi ngồi nói chuyện với các cô, các bác còn với anh chị họ hay bạn bè thì mình nói chuyện có phần thoải mái hơn".
Việt Thành cũng chia sẻ thêm, anh đang cố gắng cải thiện khả năng giao tiếp của mình vì nó cũng là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Trong khoảng thời gian gần đây, Thành cũng tự nhận thấy bản thân đã biết nói chuyện khéo hơn trước.
"Ngày trước, khi nói chuyện với người lớn, mình chỉ biết vâng dạ, hỏi gì đáp nấy. Nhưng giờ mình cũng đã biết lựa lời để cuộc nói chuyện với mọi người trở nên thoải mái, vui vẻ hơn và dần cũng cảm thấy ổn với việc giao tiếp với họ hàng", Thành nói.
Phải rửa 6, 7 mâm bát mỗi lần về quê ăn Tết
Vũ Hà Vy (Hải Phòng) không hào hứng mỗi lần đón Tết Nguyên Đán vì mọi sinh hoạt của cô đều bị đảo lộn, đặc biệt là phải rửa 6, 7 mâm bát mỗi lần về quê ăn Tết. Cứ đều đặn vào sáng mùng Một, gia đình cô lại tổ chức ăn Tết với đông đảo họ hàng ở nhà.
Vy kể lại, ở nhà nội, Vy thuộc lớp trẻ nên không thể "trốn" được nhiệm vụ rửa bát. Điều làm Vy thấy bất tiện là việc rửa một số lượng bát đĩa lớn như thế nhưng không diễn ra trong cùng một lúc mà lại đứt quãng và chia làm nhiều lần. Điều này tiêu tốn của Vy khá nhiều thời gian.
"Mình luôn rơi vào tình trạng vừa rửa xong một mâm bát rồi vào ăn một ít hoa quả rồi lại ra rửa tiếp một mâm bát khác. Điều này gây khá nhiều sự bất tiện và khó chịu cho mình", Vy tâm sự.
Bên cạnh đó, khu vực rửa bát lại nằm ở ngoài trời. Thời điểm Tết Nguyên Đán diễn ra thường rất lạnh nên việc rửa bát càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy cũng có chị họ tham gia hỗ trợ nhưng việc rửa một số lượng lớn bát đũa trong điều kiện như vậy vẫn khiến Vy thấy mệt mỏi mỗi lần về quê ăn Tết.
"Mùng Ba tết là ngày hóa vàng nên mọi người trong gia đình cũng lại tổ chức ăn cỗ. Nhưng ngày mùng Ba tết ở gia đình mình lại đông người hơn ngày mùng Một do nhiều chị gái đã lấy chồng đến ngày hôm ấy mới về quê. Điều này khiến số lượng bát đũa, mâm cỗ cũng tăng theo và mình phải rửa nhiều hơn cả ngày mùng Một", Vy kể lại.
Việc rửa quá nhiều bát khiến Vy cảm thấy bản thân bị "lao lực" và say xe trên đường trở về Hà Nội: "Ngày mùng Ba hàng năm cũng là ngày mình quay về Hà Nội. Thông thường, mình sẽ bị say xe vào ngày hôm ấy do buổi trưa phải "lao động" quá nhiều", Vy tâm sự.
Tuy nhiên, về quê ăn Tết vẫn đem lại cho Hà Vy những niềm vui nho nhỏ từ những phong bao lì xì: "Ở nhà nội mình vẫn có quy định là con gái cứ chưa lấy chồng thì vẫn được mừng tuổi nên thi thoảng mình vẫn được mọi người lì xì. Tuy cũng ngại nhưng chắc ai được mừng tuổi thì cũng thích như mình thôi".