Người dân TPHCM hiến gần 1.900 đơn vị máu trong một ngày
(Dân trí) - Chỉ trong buổi sáng ngày 22/6 đã có 1.461 người dân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đến tham dự ngày hội “Giọt hồng mang tên Bác” để hiến 1.861 đơn vị máu (mỗi đơn vị máu là 250ml).
Theo danh sách đăng ký trước thì ngày hội hiến máu “Giọt hồng Thành phố mang tên Bác” diễn ra vào ngày 22/6 dự kiến sẽ tiếp nhận 1.500 đơn vị máu.
Tuy nhiên, nhiều người dân biết đến qua truyền thông đã đến tham dự và hiến máu nên số lượng máu mà trung tâm hiến máu nhân đạo TP nhận được tăng lên thành 1.861 đơn vị.
Trong đó, ngoài lực lượng thanh niên - sinh viên còn có nhiều người lớn tuổi, doanh nghiệp và cả người nước ngoài đang làm việc tại TPHCM.
Đây là chương trình hiến máu nhân đạo nằm trong khuôn khổ chương trình Hành trình đỏ 2018 do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chủ trì. Sau 5 năm thực hiện chương trình xuyên Việt kêu gọi hiến máu nhân đạo, lần thứ 6 này Hành trình đỏ thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức lần lượt chương trình hiến máu nhân đạo ở 26 tỉnh thành.
Hành trình đỏ 2018 đã được khởi động vào ngày 13/6 vừa qua tại tỉnh Cà Mau với ngày hội “Giọt hồng đất Mũi”, sau đó là các tỉnh tại Kiên Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Đến trước khi diễn ra chương trình “Giọt hồng Thành phố mang tên Bác”, Hành trình Đỏ đã tiếp nhận được hơn 6.000 đơn vị máu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ (Phó trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2018), năm nay Ban tổ chức còn đưa chương trình “mật mã globin” vào Hành trình đỏ tại một số địa phương để khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần ngăn chặn nguồn gen di truyền sang thế hệ sau với thông điệp vì chất lượng giống nòi và dân số Việt Nam.
Bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là căn bệnh đang gây nhiều hệ lụy cho các gia đình có con nhỏ mắc phải vì chi phí điều trị rất cao. Hiện Việt Nam có đến 12 triệu người mang gen bệnh, mỗi năm có trên 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng cần được điều trị cả đời.
Theo ban tổ chức, đây là một căn bệnh khó chữa, nhưng lại dễ phòng ngừa thông qua xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gen bệnh ở giai đoạn tiền hôn nhân hoặc chẩn đoán trước sinh để có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Do đó, công tác tuyên truyền cho giới trẻ hiểu mối nguy hại của căn bệnh này, chủ động ứng phó trước khi quyết định hôn nhân là rất quan trọng.
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Truyền máu Huyết học Trung ương (Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2018), cho biết: “Hiện nay, Bộ Y tế đang xin ý kiến về việc bổ sung gói xét nghiệm máu là một trong những phần quà dành cho người hiến máu.
Khi quy định này được thông qua, Viện sẽ đề xuất gói kiểm tra sức khỏe là xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho giới trẻ. Làm được việc này sẽ có ý nghĩa bởi nó sẽ giúp ngăn chặn nguồn gen di truyền sang thế hệ sau, vì chất lượng giống nòi và dân số Việt Nam”.
Tùng Nguyên