Ngộ nghĩnh bộ tranh “Đói bụng, Sài Gòn ơi” khiến ai đi xa cũng nhớ về
(Dân trí) - “Album vẽ tay mình thực hiện trong một ngày mưa đói cồn cào, tự nhiên nhớ những góc nhỏ Sài Gòn, nơi mà ở đó ta có thể no bụng với vỏn vẹn 20k... Đói bụng, Sài Gòn ơi!”, tác giả Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.
Đây là bộ tranh của bạn Nguyễn Sơn Tùng (sinh năm 1992), hiện đang theo học nghệ thuật chuyên ngành Illustration tại Niigata (Nhật Bản). Bộ tranh với nội dung đơn giản nhưng lại chạm đến trái tim của không ít các bạn du học sinh.
“Album vẽ tay mình thực hiện trong một ngày mưa đói cồn cào, tự nhiên nhớ những góc nhỏ Sài Gòn, nơi mà ở đó ta có thể no bụng với vỏn vẹn 20k... Đói bụng, Sài Gòn ơi!”, với lý do rất đơn giản này Tùng đã cho ra đời bộ ảnh “Đói bụng, Sài Gòn ơi!”.
Vốn là một người con Sài Gòn, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất tấp nập, nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm nên những kỷ niệm quê hương luôn in sâu trong tâm trí cậu sinh viên ngành thiết kế trẻ tuổi.
Một bộ tranh với những chủ thể đơn giản như quán xôi, thùng mì tôm đã hết, gánh hàng hủ tiếu ngay đầu ngõ,... nhưng lại lột tả được gần như đầy đủ tâm trạng của một người con xa quê. Ở nơi đất khách quê người, cái người ta nhớ không phải những tòa cao ốc lộng lẫy, khu vui chơi mà đôi khi chỉ là những góc nhỏ thân quen giúp no nê lúc làm khuya về muộn.
“Mỗi khi đói mình đều nghĩ về những món ăn hồi ở Sài Gòn. Ở Nhật mức phí khá cao nên nhiều khi đói không biết ăn gì vì tiếc tiền nhưng ở Việt Nam thì khác, rẻ, ngon mà đa dạng. Đi nước ngoài rất thèm hương vị Việt Nam.
Mình còn nhớ những đêm đi làm, đi học khuya về nhất là ngành như mình việc ngủ trễ dậy muộn thậm chí thức cả đêm là bình thường. Lọ dọ ra ăn tô hủ tiếu gõ trên đường cùng em trai. Sài Gòn đồ ăn lúc nào cũng có sẵn, lúc giữa đêm hay lúc sáng sớm. Nhiều khi trong túi tiền còn vài chục thậm chí không đủ mà còn được mấy cô mấy chú bán cho thiếu lần sau ăn trả sau. Đi xa thèm cái tình đó lắm”, Tùng chia sẻ.
Vốn sống cùng bà từ khi còn nhỏ nên những kỷ niệm về người bà thân thương luôn theo đằng đẵng trong tâm trí của Tùng. Với Tùng, bà là người nóng tính, hay mắng nhưng lại là người chăm lo nhiều nhất, thương con cháu nhất.
Tùng nhớ đến bà với kỷ niệm nhiều đêm thức khuya làm việc 2, 3 giờ sáng thấy bà lọ mọ lên gác chỗ ngủ với tô cơm chiên bắt ăn cho bằng hết. Cũng chính vì những tình cảm đặc biệt này mà kết lại bộ tranh, Tùng nhớ nhất vẫn là bà, những món bà hay nấu, góc bếp bà ngồi.
Cùng ngắm nhìn bộ tranh ngộ nghĩnh của Nguyễn Sơn Tùng:
Kim Bảo Ngân
Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng