Nghị lực và ước mơ của cô gái khuyết tật

(Dân trí) - Không đầu hàng số phận, Nguyễn Thị Lệ Hằng đã nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống, Hằng tự tìm tòi, học hỏi để có thể tạo ra những bức tranh đính đá như ý, thế nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại đang là vấn đề khó khăn đối với cô gái khuyết tật này.

Số phận thiệt thòi

Không may mắn như bao người khác, Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1987), ở tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi sinh ra đã mang trong mình nhiều khuyết tật.

Từ khi chào đời, Hằng đã bị chứng bại não, tứ chi co rút, teo tóp. Từ nhỏ đến lớn Hằng không thể đứng mà chỉ có thể bò lết để di chuyển một quãng ngắn và cũng không thể cầm nắm bằng tay, mọi hoạt động hằng ngày đều phải có ba mẹ giúp đỡ.

Nguyễn Thị Lệ Hằng dùng chân, tỉ mỉ đính những viên đá nhỏ lên bức tranh
Nguyễn Thị Lệ Hằng dùng chân, tỉ mỉ đính những viên đá nhỏ lên bức tranh

Tâm sự với chúng tôi bà Bùi Thị Thu Hà (SN 1959) mẹ của Lệ Hằng cho biết: “Hằng sinh ra với bao kỳ vọng, mong ước của ba mẹ, ai ngờ nó không may lại bị khuyết tật bẩm sinh.

Vợ chồng tui cũng đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng cháu cũng chỉ ngồi dậy chứ không thể đi lại. Nhiều khi nhìn con như rứa cũng thương và xót xa lắm”.

Mặc dù bị khuyết tật nhưng nghị lực của cô gái Nguyễn Thị Lệ Hằng lại vô cùng lớn. Không đầu hàng số phận, ngay từ nhỏ, trong tâm thức Hằng đã luôn khao khát vươn lên, luôn nỗ lực để một ngày có thể đứng bằng đôi chân của mình, thoát ly khỏi chiếc giường bó hẹp.

Căn nhà xập xệ của gia đình Hằng ở thị trấn nông trường Việt Trung
Căn nhà xập xệ của gia đình Hằng ở thị trấn nông trường Việt Trung

Dù tay, chân teo tóp nhưng Hằng luôn cố gắng để vận động, tay không thể cầm nắm, chị chuyển sang tập bằng chân. Không được đến trường, Hằng lại tự học ở nhà nhờ hai người em và người mẹ của mình. Nhờ những nỗ lực đó nên dù chưa một lần biết đến cánh của lớp học nhưng chị vẫn đọc và viết chữ thành thạo. Có thể dùng chân để viết chữ hay các sinh hoạt cá nhân khác.

Thương mẹ vất vả, suy nghĩ sống sao để không trở thành gánh nặng cho gia đình đã thôi thúc Hằng phải tìm một việc phù hợp để kiếm ra tiền đỡ đần ba mẹ, tạo niềm vui cho chính bản thân.

Hằng đã nhiều lần xin đi học các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật như làm mây tre đan, làm tăm..., thế nhưng vì không thể tự mình làm hết được các sinh hoạt cá nhân nên đành gác bỏ lại những ý định đó.

Ước mơ và khao khát vươn lên của cô gái khuyết tật

Vào đầu cuối năm 2016, nhờ chiếc điện thoại mà ba mẹ mua tặng, Hằng đã lên mạng xã hội, internet mày mò, tìm kiếm việc làm cho bản thân và phát hiện việc làm tranh đính đá khá phù hợp.

Nhờ số tiền dành dụm được từ nguồn hỗ trợ khuyết tật, Hằng đã đặt mua phôi tranh, đá đính và các dụng cụ làm tranh đính đá về nhà để tập làm.

Tay không thể cử động nên việc đính đá vào bức tranh Hằng đều làm bằng chân. Cũng vì thế mà thời gian hoàn thiện một bức tranh đối với chị phải gấp đôi thời gian so với người bình thường.

Nhiều lúc chân sưng lên vì phải căng sức làm việc trong thời gian dài, thế nhưng với sự quyết tâm của mình, Hằng đã vượt qua tất cả để có được những bức tranh mình mong muốn.

Hằng luôn mong muốn có thể dùng chút sức lực nhỏ bé của mình để kiếm tiền, giúp đỡ cho mẹ của mình
Hằng luôn mong muốn có thể dùng chút sức lực nhỏ bé của mình để kiếm tiền, giúp đỡ cho mẹ của mình

“Thấy nó đặt mua tranh về làm tui cũng động viện, suy nghĩ của tui lúc đó chỉ là cho con làm để thỏa niềm vui, quên đi buồn chán trong cuộc sống chứ đâu nghĩ nó làm được và đẹp đến như thế.

Tranh đính đá đến người bình thường làm còn mất thời gian và khó bởi cần sự tỷ mỉ, trong khi nó lại làm bằng chân. Cũng vui là Hằng tự tạo ra sản phẩm và còn bán kiếm tiền được nữa”, bà Hà chia sẻ.

Ngày đầu mới tập làm tranh đính đá, Hằng còn mắc nhiều lỗi, thành phẩm chưa được đẹp, nhưng sự quyết tâm và nỗ lực đã khiến tay nghề ngày càng được cải thiện, những tác phẩm tranh đính đá được thực hiện bằng chính đôi chân của Hằng ngày càng đẹp hơn.

Chia sẻ với PV Dân trí, Hằng vui mừng cho biết, từ khi tập làm tranh đến nay, chị đã hoàn thiện được tất cả 8 bức. Những bức tranh này được Hằng nhờ mẹ chụp lại rồi rao bán trên mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập.

“Em tự làm rồi tự bán, một bức tranh em phải làm mất một tháng, có bức phải hai tháng mới xong. Làm được tranh, có người mua em mừng lắm”, Hằng tâm sự.

Một bức tranh đính đá được tạo nên từ chính đôi chân của cô gái khuyết tật Lệ Hằng
Một bức tranh đính đá được tạo nên từ chính đôi chân của cô gái khuyết tật Lệ Hằng

Mặc dù tự vượt lên số phận để tạo được những bức tranh như ý, có thể tự kiếm tiền bằng sự lao động của bản thân. Thế nhưng những bức tranh của Hằng vẫn chưa thể có được thị trường tiêu thụ ổn định để cô gái khuyết tật này chuyên tâm vào công việc.

Thỉnh thoảng mới có người hỏi mua tranh nên Hằng dù làm được cũng chưa dám thực hiện sản phẩm vì không biết bán cho ai.

Nói về ước mơ của mình, Hằng chỉ mong bán được nhiều tranh hơn, có tổ chức, đơn vị nào đó có thể hỗ trợ để nhiều người hơn nữa biết đến những sản phầm đầy tâm huyết của cô gái khuyết tật.

Điều đó sẽ giúp việc tiêu thụ sản phẩm của Hằng được dễ hơn, đồng thời giúp Hằng có công việc thường xuyên, có nguồn thu nhập để bớt gánh nặng cho gia đình.

Tiến Thành – Trần Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm