Nghề trợ lý đặc biệt

Hiện nay, nhiều bạn sinh viên lựa chọn “hỗ trợ cá nhân” (personal assistant - P.A.) như là một công việc làm thêm. P.A khá kén người làm, cho thu nhập tốt và có ý nghĩa xã hội.

Nghề kén người

Công việc này gồm hai đối tượng liên quan: Người hỗ trợ và người được hỗ trợ (gọi là “user”). Nhiệm vụ của một P.A là giúp cho những người khuyết tật có thể tự làm những công việc thường ngày mà do khiếm khuyết về cơ thể khiến họ gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được, như: Dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, đi làm, đi học…

Minh Anh (P.A. thuộc Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ) cho biết: “Nghe công việc có vẻ khó nhưng thực ra lại giống việc mình kết bạn với các “user”. So với các công việc khác, thu nhập từ nghề P.A. ổn định và phù hợp với giờ giấc học tập của các bạn sinh viên. Nhiều sinh viên học ngành Tâm lý, Sư phạm Giáo dục đặc biệt có thể làm P.A. để thực hành kỹ năng nghề”.

Ngoài công việc, điều quan trọng của nghề này là P.A. sẽ trở thành bạn đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong công việc và tâm tư trong cuộc sống cùng các “user”.

Sự khác biệt của P.A so với các tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật là P.A chỉ hỗ trợ để người khuyết tật thực hiện công việc một cách độc lập chứ không phải làm thay.

P.A. phải hạn chế, thậm chí không được chen vào quyết định của “user” bằng cách áp đặt quan điểm. Ví dụ, khi nấu một món ăn, P.A. hoàn toàn làm theo ý muốn của “user”. Từ cách chế biến đến nêm nếm thức ăn… P.A. đều phải hạn chế dùng kinh nghiệm cá nhân khi thực hiện công việc.


Minh Thơ là người bạn đồng hành cùng “user”.

Minh Thơ là người bạn đồng hành cùng “user”.

Như một người bạn đồng hành, P.A. phải thấu hiểu, lắng nghe những tâm tư của “user”, giúp họ giải tỏa cảm xúc, phát triển bản thân về mặt tinh thần.

Bên cạnh đó, P.A. cũng cần đáp ứng một số yêu cầu chung mà nghề này phải có: Kiên trì và chu đáo. Làm sao để khi vào việc, “user” thoải mái chia sẻ tâm sự với mình như với một người bạn thân thiết. Đây là một công việc khá kén người, không phải ai cũng có thể làm được.

Không đơn thuần chỉ là việc chăm sóc cá nhân, nó mang một ý nghĩa rộng hơn là giúp người khuyết tật sống độc lập, nâng cao khả năng giao tiếp với cộng đồng.

Như một chuyên gia tâm lý

Hoàng Tuấn (năm thứ nhất, trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Mình bắt đầu làm P.A. từ năm 2016. Với nghề này, khó khăn thường gặp nhất là vấn đề giao tiếp với người khuyết tật trong những ngày đầu tiếp xúc.

Người khuyết tật có những yếu tố tâm lý đặc thù mà khi làm việc và tiếp xúc với họ, mình phải rất chú ý. Nếu bạn không thực sự nhiệt tình, họ sẽ ngại và mặc cảm không dám nhờ giúp hoặc ngại chia sẻ những nhu cầu cá nhân với bạn khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống”.

Ngoài thu nhập, làm một P.A., bạn còn học được cách quan tâm đến những người xung quanh, có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, học được cách đồng cảm và trải lòng với người khác.

“Mình gắn bó với công việc này vì nó mang lại nhiều cảm xúc và nhiều kỷ niệm với “user”. Mình nhớ nhất là những lần đi xa cùng với chị Võ Trúc Duyên, “user” của mình. Chị thường hay tổ chức các chương trình từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Do vậy, mình phải đi theo hỗ trợ và thực hiện chương trình cùng chị.

Phải đến những nơi mà người bình thường đôi khi còn ngại đi, vậy mà mình và chị đã cùng nhau vượt qua những chặng đường đó để đến với các em. Mình thấy khâm phục những “user” như chị ở lòng quyết tâm và niềm tin cuộc sống”, Minh Thơ (năm thứ hai, trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ.

Theo Thuận Tùng

Sinh viên Việt Nam