Nghề hot mùa hè: Kỹ năng mềm lan tỏa (P3)
(Dân trí) - Kỹ năng mềm đang ngày càng chứng tỏ được vai trò trong cuộc sống nên khoảng thời gian hè, các bạn sinh viên tất bật dạy những bộ môn nhằm cải thiện, góp phần thay đổi tư duy cá nhân và cộng đồng.
Mong muốn về sự thay đổi
Từ cộng tác, sau hơn một năm, Lê Bá Tài (ngành Sư phạm Tiếng Anh, ĐH Hồng Đức) đã trở thành giảng viên dạy kỹ năng mềm tại một trung tâm thuộc TP. Thanh Hóa.
Hè này, Tài phụ trách dạy một lớp kỹ năng thuyết trình dành cho trẻ em. Cậu cho biết hai khóa này có số lượng học viên rất đông, được tổ chức 2 lần ở 2 cơ sở. “Hiện nay bên cạnh tiếng Anh, kỹ năng mềm được phụ huynh chú ý đầu tư cho con cái với mong muốn giúp các em có tâm lý tốt và vững vàng hơn trước đám đông, tự tin thể hiện bản thân cũng như dễ dàng chia sẻ với bố mẹ”, Tài nói.
Tô Mạnh Cường (khoa Quản trị Kinh doanh Quốc tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội) đang làm chủ của một lớp học định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp 3. Cường chia sẻ: “Bước vào cổng trường đại học, mình thấy rất nhiều sinh viên không có định hướng nghề nghiệp, định hướng học tập.
Bên cạnh đó, khi tiếp xúc học sinh cấp 3, các em cũng không hề có ý niệm rõ ràng về ngành nghề theo đuổi, thường chọn qua loa theo xu hướng bạn bè, bố mẹ có quan hệ hoặc trường “Vip” mà không biết có hợp với mình không...”
“Mình muốn tham gia vào quá trình thay đổi, đổi mới. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, tạo cảm hứng, mà còn là người gieo mầm sự thay đổi cho các thế hệ”. Đây là động lực lớn nhất Cường theo đuổi. Cường cho rằng, điều tốt nhất có thể làm là cố gắng hành động dù nhỏ - như chương trình của cậu - có khoảng 800 học sinh nhưng cũng có sự thay đổi.
Vốn kiến thức của Cường đến từ sự quan sát cuộc sống, kinh nghiệm tiếp xúc với học sinh, tham khảo tài liệu, xin tư vấn của chuyên gia, áp dụng pháp của bản thân và niềm tin của học sinh với mình.
Giàu vốn sống, giàu tình yêu thương
Làm công việc thuộc về kỹ năng sống, các bạn sinh viên gặp phải rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu mới đứng lớp, Tài rất khó bao quát vì số lượng học viên đông, trong khi liên tục phải chú ý để chắc chắn ai cũng hiểu những ý mình nói.
“Việc dạy kỹ năng cho phải thông qua quá trình giao tiếp, như một người bạn trò chuyện, đặt câu hỏi, bàn luận và giúp các em đưa ra câu trả lời, rút ra kết luận. Nếu chỉ học kiểu thầy nói, trò nhớ thì không thể dạy được”. Sau 1 - 2 lớp, Tài đã có kinh nghiệm hơn về vấn đề này.
Tài chia sẻ: “Điều mình thấy thú vị và hay ho nhất là có cơ hội gặp gỡ nhiều người, nghe họ chia sẻ về các vấn đề trong giao tiếp, thuyết trình, hay thậm chí là cuộc sống gia đình, sự nghiệp...
Công việc còn mang lại cho mình tâm hồn tươi trẻ, lạc quan và yêu đời hơn. Nhưng quan trọng nhất, mình tích lũy được vốn kinh nghiệm sống đáng kể, trong đối nhân xử thế. Ngoài ra, kỹ năng sư phạm và giao tiếp với học sinh của mình tiến bộ rất nhiều".
“Mình cứ làm, lan tỏa được đến nhiều người càng tốt...", Cường cho biết.
Qua kỷ niệm với một học sinh khá “lập dị” trong lớp, Tài đã nhận ra rằng: “Nếu trường học coi các em là một học sinh hư hay khó đào tạo thì một giảng viên kỹ năng phải coi các em là một vùng đất mới để khám phá, như một viên ngọc để gọt giũa, rèn luyện. Sau mỗi khóa học, chia tay các em, mình cảm thấy nuối tiếc và xúc động vì trải qua một thời gian gắn bó, vừa học, chơi, ăn ngủ cùng các em”.
Còn với Cường, sau mỗi giờ học, Cường đều phát cho các học viên tờ giấy xinh xắn ghi phản hồi. Và chính những lời nhận xét, tình cảm dễ thương, chân thành, thẳng thắn của các học viên mang lại niềm vui cho thầy giáo trẻ.
“Mình cứ làm, lan tỏa được đến nhiều người càng tốt. Trong thời gian tới, mình muốn cộng tác với một số trường THPT tại Hà Nội”. Dự kiến của Cường là khi chương trình đã có tạo được niềm tin và được áp dụng ở nhà trường sẽ đưa nội dung lên internet thông qua việc học trực tuyến.
Hoàng Dung