Nghề hot mùa Hè: SV nghệ thuật trổ tài “gõ đầu trẻ” (P2)

(Dân trí) - Với những sinh viên nghệ thuật, không chỉ biểu diễn mà công việc truyền dạy cho học trò của mình kiến thức cũng là một cách để thể hiện niềm đam mê.

Lối rẽ dành cho sinh viên nghệ thuật

 

Nguyễn Hương Giang (HV Âm nhạc quốc gia) hiện tại đang làm giáo viên dạy thanh nhạc ở các trung tâm năng khiếu và gia sư đàn piano cho một số em nhỏ ở lứa tuổi 5 - 10.

 

Giang đến với công việc này khá tình cờ. Trước đây đang làm MC cho chương trình thiếu nhi tại một kênh truyền hình, cô bạn đã được các đồng nghiệp tin tưởng và tổ chức lớp dạy cho con cái của họ.
 
Nguyễn Hương Giang trở thành giáo viên part-time khá tình cờ.
Nguyễn Hương Giang trở thành giáo viên "part-time" khá tình cờ.

 

Việc được thực hành những kiến thức thầy cô dạy trên lớp và trải nghiệm tình yêu với các “thiên thần” nhỏ đã khiến cô bạn gắn bó với công việc này, đến nay được 3 năm.

 

Thời gian nghỉ hè, các trung tâm bán trú năng khiếu mở ra nhiều nên hiện tại Giang nhận thêm gần gấp rưỡi lượng công việc so với trong năm học. “Nhu cầu học tập ngày càng cao của các gia đình về bộ môn năng khiếu do điều kiện sống cải thiện, phát triển nên mình sẽ ngày càng có nhiều cơ hội trong lĩnh vực này hơn. Phụ huynh muốn nuôi dưỡng tâm hồn con mình và phát triển một cách toàn diện”.

 

Giang rất ít khi đi hát phòng trà trừ khi có người quen vì khá bất lợi với con gái, mặc dù biết công việc này tạo nhiều kinh nghiệm khi diễn sân khấu. “Khách có 5 – 7 kiểu nên ca sĩ nhiều khi còn không biết xử trí thế nào, huống gì là một sinh viên non nớt như mình.

 

Bản thân mình là người ngại va chạm  nên chọn giải pháp an toàn là dạy học. Giang xác định tương lai làm giáo viên do nghề này luôn được tôn trọng và ổn định đồng thời vẫn giúp mình thể hiện đam mê nghệ thuật” .
 
Nguyễn Hương Giang trở thành giáo viên part-time khá tình cờ.
Ngọc Lâm cũng chuyển hướng sang dạy âm nhạc cho các em nhỏ thay vì chỉ tập trung đứng trên sân khấu.

 

Ngọc Lâm (SV năm thứ hai, HV Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cũng đang dạy hợp xướng thiếu nhi, dạy âm nhạc cho trường cấp 1 và CLB nghệ thuật trong trường với các nội dung: hát, diễn tay chân, cách biểu diễn gương mặt, cách cầm micro, di chuyển trên sân khấu…
 

Lâm mới dạy được vài tháng. So với trong năm học, hiện tại Lâm phụ trách ít lớp hơn nhưng vì ghép lớp, lượng học sinh lại tăng lên đáng kể, gấp đôi, gấp ba so với trước nên quản lý có mệt hơn.

 

Từng tốt nghiệp sư phạm âm nhạc tại ĐH Sư phạm Trung ương nên dạy học cũng là chuyên môn của Lâm. Mới dạy người lớn, chưa từng có kinh nghiệm với trẻ em nên khi được cô giáo giới thiệu, Lâm có chút ngập ngừng, tuy nhiên, với tình yêu con trẻ, bạn đã nhận lời thử sức.

 

Công việc của tình yêu thương con trẻ

 

Với Giang, Lâm, dạy trẻ con là công việc khó khăn nhưng lại không kém phần thú vị. Giang cho biết, giáo viên phải thật tinh ý để phát triển sáng tạo của trẻ, chứ không phải luôn là lý thuyết khô khan và cứng nhắc. Cô bạn vừa dạy, vừa dỗ và đặc biệt là luôn tôn trọng ý kiến của các con, phát triển theo ý kiến đó chứ không được bắt theo lối suy nghĩ của mình.

 

Nhiều khi đang dạy, Giang bắt gặp những câu hỏi hóc búa, không biết trả lời thế nào. Hay là cảm giác khó xử và thương cảm lúc nghe câu chuyện từ gia đình không hạnh phúc của cậu học sinh nghịch nhất lớp sau khi được dạy bài Ba ngọn nến lung linh.
 
Nguyễn Hương Giang trở thành giáo viên part-time khá tình cờ.
Việc truyền dạy kiến thức vừa là cách thể hiện đam mê nghệ thuật vừa rèn luyện tính kiên nhẫn cho các bạn SV nghệ thuật.

 

Mặc dù trước đây không thích tiếp xúc với trẻ con vì sợ các bé khóc nhưng sau khi dạy rồi, có cơ hội chạm vào tâm hồn, tình cảm của các em, Giang lại thích, đến mức không bỏ được.

 

“Mình vẫn nhớ lần bị ốm, phải nghỉ ở nhà một tuần không đi dạy, rất nhớ học sinh. Sáng sớm, trò gọi điện thoại làm nũng, cảm thấy yêu các em vô cùng. Nhiều lúc các em hồn nhiên lắm, mình sống trong xã hội thấy người lớn phức tạp bao nhiêu thì thêm yêu các con ngây thơ bấy nhiêu”, Giang bày tỏ.

 

Để có thể làm tốt được công việc này, cô bạn thường xuyên phải tìm hiểu sách và tài liệu trên youtube xem những người đi trước đã dạy như thế nào, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân mình. Giang cũng chăm chỉ trao đổi với bạn bè đi dạy trước đó về giáo trình, sách tham khảo để dạy vừa tầm với học trò mà vẫn vững kiến thức.

 
Còn Lâm, cậu phải mất nhiều thời gian hơn với những học sinh vào lớp 1 vì tiếp thu còn chậm, chưa tự ý thức, chưa tự giác. Bên cạnh đó, trong lớp cũng có những học sinh gần như tự kỷ hoặc gặp chút vấn đề về trí não nên phản xạ thất thường, Lâm luôn nhẹ nhàng nói chuyện với các em. “Dạy cấp 1 luôn phải luôn tạo không khí để các em thoải mái nhất trong giờ học của mình, để muốn đến học chứ không phải sợ”.
 
Nguyễn Hương Giang trở thành giáo viên part-time khá tình cờ.

 

Dạy năng khiếu cho trẻ em mang lại cho các bạn sinh viên mức thu nhập đủ để trang trải chi phí trong học tập. Công việc part – time hỗ trợ kinh tế đáng kể cho Giang trong cuộc sống hằng ngày. Còn Lâm, nhờ chăm chỉ dạy, mỗi tháng bạn kiếm được 4 – 6 triệu đồng, trang trải được chi phí nhà trọ, ăn uống, đi lại…

 

Công việc này không chỉ mang lại kinh tế, còn giúp Giang trưởng thành hơn vì có cơ hội làm việc với phong cách hành chính chuyên nghiệp chứ không phải môi trường nghệ thuật phức tạp…Không chỉ vậy, cô còn học được cách giáo dục và trò chuyện với trẻ.

 

Còn với Lâm, mỗi giờ lên lớp là mỗi món ăn tinh thần quý giá. Đó là khi được các em vỗ tay nhiệt tình và đứng lên vẫy chào lúc lên sân khấu, là lời chào thầy tíu tít từ cổng trường vào đến lớp, hay những giây phút hài hước, dở khóc, dở cười khi học trò biểu hiện, nói lời hồn nhiên…

 

“Dạy các em nhỏ khá vất vả nhưng đáng yêu lắm, thỉnh thoảng các em nói những câu hồn nhiên vô cùng nên bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến hết”, Lâm chia sẻ.

 

Hoàng Dung