Ngàn lẻ một chuyện xóm trọ - Kỳ 7: Nỗi khổ khi ở ghép

Để giảm chi phí ở trọ, nhiều sinh viên tìm kiếm bạn ghép phòng, bạn cùng lớp, bạn đồng hương, thậm chí lên cả mạng xã hội, dán thông báo tìm người ở ghép khắp nơi. Không may, việc bị trộm đồ, bị làm phiền, thậm chí bị lừa đảo… là những rắc rối mà nhiều sinh viên gặp phải khi ở ghép.

Vất vả tìm bạn ghép phòng

Hiện nay, đa số phòng thuê trọ có diện tích từ 12- 15m2 trở lên đều được tận dụng thành phòng ở 2 - 3 người. Tìm được người ở ghép thì tiền ở trọ sẽ được chia ra. Tuy nhiên, để tìm được người ở ghép không dễ dàng, các bạn thường ưu tiên người quen biết, nếu là bạn của nhau từ trước thì càng tốt.


Nhiều khi, khó khăn về kinh tế dẫn đến việc ở ghép, nhưng các bạn cũng nên cảnh giác tìm người quen thân chứ đừng vội ở chung với người mới quen... Ảnh minh họa

Nhiều khi, khó khăn về kinh tế dẫn đến việc ở ghép, nhưng các bạn cũng nên cảnh giác tìm người quen thân chứ đừng vội ở chung với người mới quen... Ảnh minh họa

Nếu buộc phải tìm người lạ trên mạng thì càng khó khăn hơn. Em Linh Chi, sinh viên ĐH Giao thông Vận tải cho biết: “Năm đầu lên đây nhập học, em không quen biết ai. Tìm được phòng trọ khá rộng, các chị khóa trên “mách nước” cho em nên tìm người ở cùng để chia đôi tiền thuê trọ.

Các chị ấy dặn dò, nếu không có bạn bè quen thì nên tìm người được giới thiệu, nhưng phải biết rõ tên tuổi, quê quán, trường học, tính cách. Không nên đăng tin tìm người ở cùng lên mạng xã hội hay tờ rơi, bởi sẽ không an toàn, kẻ xấu lợi dụng”.

Khi tìm được người ở cùng, nên trao đổi thẳng thắn trước về một số quy định như: Giờ giấc sinh hoạt, đồ đạc phân định, đồ nào dùng chung, đồ nào không. Thà “mất lòng trước, được lòng sau” còn hơn.

Nếu là người hoàn toàn xa lạ thì cần yêu cầu cho xem chứng minh thư, thẻ sinh viên. Đặc biệt có thể gõ số điện thoại lên mạng xã hội hoặc google, biết đâu sẽ tìm được nhiều thông tin về người ấy qua facebook hoặc là một vài trang web người đó để lại số điện thoại. Đó là cách để có thể nhận định sơ bộ về con người đó. Nhờ những “bí kíp” đó, Linh Chi đã tìm được một bạn cùng trường và có thể thoả thuận trước với nhau nhiều vấn đề khi sinh hoạt chung.

Bạn ở cùng sống vô tổ chức

Không ít bạn lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở” khi ở cùng phòng với những người bạn có lối sống vô tổ chức, lười dọn phòng, nhếch nhác. Thậm chí nhiều người phải ngậm ngùi bước ra khỏi phòng trọ của mình lúc nửa đêm chỉ vì bạn cùng phòng dẫn người yêu về ... ngủ chung. Những chuyện rắc rối về tiền nong, bị bạn ở cùng trộm đồ, trộm tiền, lừa đảo cũng nảy sinh từ đây.

Bạn Hoàng Giang, sinh viên trường ĐH Kinh doanh Công nghệ than thở: “Giá phòng trọ cứ tăng dần nên em phải tìm một bạn để ở ghép. Bạn ấy học ở một trường ĐH gần trường mình. Chưa kịp tìm hiểu kỹ về bạn ý vì tình cờ quen nhau trên mạng, nhưng tháng đầu chúng em sinh hoạt rất ok. Con trai sống cùng nhau không nảy sinh những chuyện cãi cọ vụn vặt.

Tuy nhiên, tháng sau về quê lên, em thấy một vài bộ quần áo khá đắt tiền biến mất. Rồi em bất ngờ thấy tiền trong ví cũng mất dần dần. Vài lần đầu mất 50.000 nghìn đồng thôi nên em chưa để ý lắm, nhưng sau tăng dần lên 100.000 nghìn đồng, rồi 200.000 nghìn đồng. Chẳng có bằng chứng gì để bắt bạn kia trả lại tiền và đồ bị mất, em đành chuyển chỗ ở”.

Lợi dụng tâm lý sinh viên đang cần tìm người ở ghép, nhiều trò mánh khóe lừa đảo đã được bày ra. Một số tờ rơi tìm người ở ghép đều bắt phải nộp tiền đặt cọc trước cho một bạn đang trọ ở phòng đó.

Em Đào Dung, sinh viên ĐH Công Đoàn kể lại: “Khi đến xem thấy phòng trọ ưng ý, rộng rãi, số tiền chia ra mỗi tháng lại quá rẻ, em đã đặt cọc cho bạn đang ở phòng trọ đó, số tiền cũng không nhiều, chỉ 300.000 nghìn đồng. Thế nhưng khi mang đồ tới ở, em mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa vì người đó đã chuyển đi ngay khi lĩnh “đủ” tiền đặt cọc của vài bạn nữa”.

(còn nữa)

Theo Phương Thu

Tuổi trẻ thủ đô