Ngàn lẻ một chuyện xóm trọ - Kì 5: Hội chứng “ghen ăn tức ở"

Nếu như xóm trọ nam phải đối mặt với nạn lô đề, cờ bạc thì xóm trọ nhiều nữ cũng nảy sinh nhiều rắc rối vì thói “ghen ăn tức ở”, đua đòi nhau. Nhiều chuyện xích mích, cãi vã nhau cũng nảy sinh từ đây. Xóm trọ đông người, một rắc rối nhỏ cũng thành sự lớn, được bàn ra tán vào, “tam sao thất bản” rồi cãi cọ, hành hung nhau.

Hội chứng GATO

GATO hay còn gọi là "hội chứng ghen ăn tức ở" dường như đang trở thành hiện trạng phổ biến đối với những bạn trẻ chung xóm trọ. Họ luôn có cảm giác đố kị và ghen ghét “soi” nhau. Sự đố kị này có thể ảnh hưởng đến tình cảm và cuộc sống sinh hoạt của cả xóm trọ.


Các bạn gái cùng chung cảnh ngộ, sống chung xóm trọ nên thân thiết với nhau hơn là quay lưng nói xấu nhau... Ảnh minh họa

Các bạn gái cùng chung cảnh ngộ, sống chung xóm trọ nên thân thiết với nhau hơn là quay lưng nói xấu nhau... Ảnh minh họa

Cũng vì sinh hoạt chung, phòng trọ này liền kề với phòng trọ kia nên mọi cử chỉ, thói quen của một người đều bị cả xóm “soi”. Vì ghét nhau, “gato” với nhau, họ sẵn sàng giở trò chọc phá, nói xấu, bôi nhọ đối tượng bị “soi”. Những trò “ném đá giấu tay” này cũng là nguyên nhân nảy sinh những vụ việc đánh nhau, gây gổ ngay tại khu xóm trọ.

Em Nguyễn Lan Hương, sinh viên ĐH Văn hóa chia sẻ: “Ở xóm trọ, chỉ cần có bất cứ hành động, cử chỉ nào “khác người”, hoặc “hơn người” lập tức đối tượng đó bị đưa vào tầm ngắm rồi nói xấu sau lưng. Ngày trước xóm trọ của em có một bạn nữ khá xinh xắn chuyển về, nhà khá giả nên bạn ý ăn mặc rất thời trang, quần áo lại toàn hàng hiệu.

Tuy nhiên, do hơi ít nói, cả xóm trọ đều nghĩ bạn ý “chảnh”. Chuyện ăn mặc là quyền cá nhân của mỗi người nhưng chỉ cần bạn nữ này ăn mặc hơi ngắn, hơi hở một chút là đã bị “móc máy”. Mọi chuyện càng đi xa hơn khi có một chị cùng xóm trọ đã cố tình đổ thuốc nhuộm hỏng hết chậu quần áo đang ngâm giặt ngoài sân của bạn ấy”.

Hương rất thương bạn nhưng vì thói GATO, “ma cũ” bắt nạt “ma mới” đã trở thành chuyện thường ngày ở xóm trọ nên không ai dám can thiệp. Không chỉ dừng lại ở những hành động phá hoại, thấy cô bạn trong xóm trọ có cuộc sống sung sướng, được bố mẹ gửi nhiều tiền để sinh hoạt dư dả khiến nhiều người tích cực nói xấu “dìm hàng”.

Từ ấy, những lời đồn thổi về việc “con nhà giàu” nợ tiền mua sắm và chi trả tham gia các cuộc vui ở quán xá được bung ra. Chả biết kêu ai, cũng không có ai đứng ra bảo vệ, cô nàng “sang chảnh” này buộc phải chuyển nhà và tìm nhà trọ khác để ở.

Đánh nhau chỉ vì... một câu nói

Mới đây, trên diễn đàn mạng xã hội đăng tải đoạn clip dài 9 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị đám đông đánh đập, lột quần áo trong phòng trọ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Theo đó vì đăng status bị mất quần áo lên facebook mà nữ sinh bị những cô gái ở cùng khu trọ xông tới đạp cửa phòng để “dằn mặt”.

Nhóm người này rủ nhau cùng đến phòng của cô gái để hỏi rõ mọi chuyện, họ đạp cửa phòng, chửi rủa nạn nhân, trong khi số khác chăm chăm dùng điện thoại quay lại cảnh đánh hội đồng cơ thể trần trụi của nạn nhân.

Sau khi phá cửa xông vào phòng, nhóm người này lao tới túm tóc kéo áo rồi lột sạch đồ trên người của cô gái rồi bắt quỳ xuống xin lỗi. Trước sự hung hãn của đám đông, nạn nhân chỉ ngồi im tại chỗ, không có chút phản ứng.

Việc chứng kiến thành công của người khác, sự vượt trội của người khác so với mình là điều khốn khổ, hoặc ít ra là "sự lấn cấn khó chịu không dễ gọi tên" đối với không ít bạn trẻ ngày nay. Dù họ vẫn cố che giấu, hoặc không tự thừa nhận nhưng đôi khi vẫn vô tình lộ ra trong những cuộc nói chuyện hay cảm xúc thường ngày, thậm chí từ việc “soi” nhau...

“Dìm hàng” người khác có vẻ là cách thỏa mãn bản thân dễ dàng nhất khi người ta mắc phải bệnh GATO, vì thế rất nhiều người áp dụng. Bất kể một bí mật, một câu chuyện thêu dệt, bí mật không hay của người khác, thậm chí là những bí mật đen tối, những chuyện trong quá khứ mà người đó không bao giờ muốn nhắc lại mà các bạn xóm trọ “hóng” được cũng sẽ bị “thêm nếm”, người nọ kể lại với người kia.

(còn nữa)

Theo Phương Thu

Tuổi trẻ thủ đô