Ngắm vườn lan rừng tiền tỷ của cử nhân bỏ phố về quê làm nông dân
(Dân trí) - Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Đà Nẵng, nhưng quá say mê với loài hoa phong lan rừng, chàng cử nhân Nguyễn Văn Long (xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bỏ phố về quê, một tay gây dựng nên vườn phong lan rừng trị giá cả tỷ đồng.
Sau gần 2 năm theo đuổi đam mê của mình, hiện nay vườn phong lan của anh Long đã có gần 2.000 giò lan với 30 loại, trong đó có nhiều loài đem lại giá trị kinh tế như: Phi điệp, nghinh xuân…
Cơ duyên đưa anh Long đến với những giò phong lan cũng rất tình cờ. Trước đây từ khi còn sinh viên, Long luôn sưu tầm cho mình vài giò phong lan rừng.
Điều lạ lùng nhiều người trồng không quen nhưng những giò phong lan của Long nhanh chóng bén rễ, ra nhánh và nở hoa rất đẹp. Nhiều bạn bè cũng nhiều lần ướm lời hỏi mua.
Sau khi tốt nghiệp năm 2011, trải qua nhiều công việc nhưng Long vẫn dành niềm đam mê với các cây trồng đặc biệt là loài phong lan. Nhận thấy đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nên Long đã bỏ dở công việc về đầu tư nuôi trồng phong lan rừng.
Anh bắt đầu san lấp đất vườn, xây hàng rào, đầu tư hệ thống giàn, ống tưới nước… và ngược xuôi tìm kiếm giống lan rừng phù hợp khí hậu về trồng. Nhờ mát tay nên các giò lan của anh Long phát triển rất khỏe mạnh.
Thời gian đầu, không có nhiều vốn nên anh trồng theo kiểu "cuốn chiếu", cho thu hoạch liên tục trong năm để có vốn đầu tư giò mới. Đã có lúc Long thất bại bởi không đủ vốn quay vòng, anh quyết định gác lại đam mê hành nghề đi buôn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh bán dần một số loại và kiên trì tạo thế cho một số gốc lan khác để bán lâu dài. Đi buôn một thời gian, có thêm ít vốn liếng anh lại quay về đầu tư trồng lan rừng.
Muốn cho vườn lan phong phú, anh tận dụng vốn kiến thức công nghệ thông tin và ngoại ngữ của mình để tìm kiếm các nguồn hàng và bạn hàng trên mạng. Không chỉ lan trong nước mà anh còn tìm kiếm các giống lan quý tại nước bạn như Lào, Myanma, Campuchia…
Từ vài ba giống lan rừng dễ tính như lan sóc, hoàng thảo vối, hoàng thảo kèn… đến nay, vườn lan hơn 2.000 gốc với gần 30 chủng loại: lan kiều, tam sắc bảo, quế, nghinh xuân, phi điệp, giả hạc, di linh xuân…
Nhiều loại trong đó thuộc hàng quý và có giá trị như phi điiệp, nghinh xuân. Hiện nay, không chỉ trồng mà anh Long còn ươm giống thành công hai loại này.
Theo anh Long, giá trị của mỗi giò lan phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa, nhất là những giò lan hoa đột biến có giá trị rất “khủng” và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị của nó.
Dáng của mỗi cây cũng là yếu tố quyết định giá trị. Để gốc lan tăng thêm giá trị thì phải biết cách tạo nhiều chồi, gốc dáng đẹp; đồng thời chọn thời điểm bán hợp lý.
Có loại chỉ nở trong 2 tiếng nhưng cũng có loại 2-3 tháng. Để có những giỏ lan thay nhau nở quanh năm cũng là một hành trình miệt mài tìm hiểu của người trồng.
Một giò hoàng thảo tím được anh Long rất ưng ý
Hiện nay, mỗi giò Lan, anh Long bán từ 100.000 đến 10 triệu đồng. Những giống cây đột biến có giá từ 20 triệu đồng trở lên.
Về đầu ra sản phẩm, anh Long cho biết: “Nhiều năm lại đây, đời sống người dân Hà Tĩnh cao hơn, việc chơi lan, trồng lan ngày càng nhiều. Hiện nay tôi đã có nhiều khách hàng quen. Nhiều lúc không có hàng để bán”.
Thời gian tới, anh Long dự định tiếp tục mở rộng quy mô vườn lan, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm các giống lan quý hiếm phục vụ nhu cầu thị trường.
Phượng Vũ