Nếu người yêu cũ đến chúc Tết, Hoa khôi Sinh viên sẽ làm gì?
(Dân trí) - Bằng sự khéo léo và mềm mại của một cô gái giàu yêu thương, xúc cảm, Hoa khôi Sinh viên Hà Nội Nguyễn Hằng đã có cách đón tiếp người yêu cũ trong dịp Tết rất thoải mái và nhẹ nhàng.
Mọi người sẽ ứng xử ra sao nếu người yêu cũ đến chơi nhà trong dịp Tết? Mình nhận được thông tin qua điện thoại, mà cảm thấy ngổn ngang nhiều cảm xúc lẫn lộn, đan xen. Nhưng trên hết là mình không biết phải cư xử thế nào cho tốt cả. Các bạn tư vấn giúp mình với! (Linh, 22 tuổi, Phú Thọ).
Hoa khôi Sinh viên Hà Nội 2015, Á khôi 2 Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2015 Nguyễn Hằng chia sẻ: “Hằng cho rằng để có thể quên đi người yêu cũ trong thời gian ngắn là một điều rất khó.
Việc anh ấy đến chúc Tết gia đình mình, thường xuất phát từ 2 lý do: Một là anh ấy vẫn còn tình cảm, vẫn còn nhớ đến mối quan hệ giữa chúng mình; hai là người ấy đã hết yêu thương, cảm xúc, chỉ muốn đến chúc Tết như bạn bè.
Ở tình huống nào, Hằng đều nghĩ rằng chúng ta nên tiếp đón đối phương một cách chu đáo, nhưng không quá vồn vã, nhiệt tình thái quá. Nếu như anh ấy vẫn còn tình cảm, thì mình quyết định và lựa chọn theo cảm xúc trái tim mách bảo. Nghĩa là nếu vẫn còn tình cảm, vẫn muốn ở bên nhau, thì Hằng sẽ trao cho đối phương một cơ hội.
Theo Hằng, trao cho người khác cơ hội nghĩa là mang đến cho mình một cơ hội. Có thể trong quá khứ hai người có chuyện hiểu lầm khiến phải xa nhau, thì đây là dịp tốt để trao đổi, tháo gỡ những khúc mắc hoặc đôi điều vương vấn. Vì Hằng tin rằng, nếu hai người còn yêu thương nhau, chắc chắn sẽ quay về bên nhau.
Còn trong trường hợp đối phương đã hết tình cảm, mà mình cũng không có ý định quay lại, thì Hằng cho rằng chuyện này càng dễ giải quyết hơn nữa. Vì khi còn tình cảm là còn bối rối, cảm thấy khó xử lúc gặp nhau, chứ đã hết rồi, thì trong lòng sẽ thanh thản, bình lặng lắm.
Người ấy đến, Hằng vẫn cười nói nhẹ nhàng, hỏi han về cuộc sống những thông tin cơ bản, đơn giản. Nếu người ấy có bạn gái mới, Hằng sẽ mỉm cười chúc phúc hai người một cách chân tình, thật lòng.
Mình nghĩ điều quan trọng, trước hết vẫn là chú ý lắng nghe, quan sát đối phương. Hằng lắng nghe những câu hỏi, chia sẻ của anh ấy để hiểu người ta muốn gì, tình trạng cảm xúc ra sao. Hằng quan sát thái độ, cử chỉ để biết tình cảm người ta đối với mình như thế nào.
Hằng cho rằng để nhận biết một người có tình cảm hay không đối với mình là việc không quá khó khăn, đặc biệt lại là bạn trai cũ, mình đã hiểu tính cách và biểu hiện của họ một cách cơ bản trong thời gian bên nhau.
Nếu người ấy nói một cách ẩn ý về tình cảm hai người trước đây và mong muốn hàn gắn, hoặc ánh mắt biểu hiện tình cảm, trìu mến… thì chắc hẳn đối phương vẫn còn yêu thương Hằng và hy vọng quay lại bên nhau.
Còn nếu đối phương vui vẻ, thoải mái trong cuộc nói chuyện với các thái độ, cử chỉ bình thường, thoải mái cùng những câu trả lời chung chung, không cụ thể; hoặc có mối quan hệ khác, thì người ấy giờ đây thực sự coi Hằng là người bạn bình thường.
Hằng luôn quan niệm không yêu nhau nữa thì vẫn là bạn. Hai người đã từng yêu thương nhau, đã từng gắn bó, coi nhau là tất cả, thì cớ sao lại dửng dưng, lạnh lùng và chối bỏ nhau khi đã kết thúc mối quan hệ? Trừ khi là quá giận nhau, nhưng thời gian sẽ nguôi ngoai tất cả.
Ban đầu, vì còn tình cảm, vì tức giận mà khó đối mặt với nhau, nhưng sau một thời gian, Hằng sẽ chấp nhận đối phương là một người bạn. Dù bắt đầu mối quan hệ với một người khác, Hằng cũng sẽ giữ lại tình bạn này. Hằng tin người yêu mới sẽ không ghen tuông, nếu mình chia sẻ rõ ràng, thẳng thắn và toàn tâm, toàn ý yêu thương người ta.
Hằng mong rằng giải pháp của mình sẽ giúp bạn có được buổi gặp bạn thoải mái, nhẹ nhàng trong dịp Tết này!
H.T (ghi)