“Nếu cuốn sách làm cho người khác cười, đó là sách hay”

Nhà văn Mỹ Homer Hickam - tác giả cuốn tự truyện Rocket Boys (Những chú bé hỏa tiễn, được hãng phim Universal chuyển thể thành bộ phim kinh điển Octorber sky) đã có những chia sẻ thú vị về chuyện đời, chuyện nghề và thói quen đọc sách với độc giả.

  
“Nếu cuốn sách làm cho người khác cười, đó là sách hay” - 1

Nhà văn Mỹ Homer Hickam
 

Thưa nhà văn, từ một cậu bé vùng than Coalwood ở Tây Virginia nước Mỹ trở thành kỹ sư NASA rồi nhà văn nổi tiếng như ngày hôm nay có phải là kỳ tích?

 

Đó không phải là kỳ tích mà do tôi dám ước mơ và kiên trì biến giấc mơ đó thành sự thật. Hành trình đó như thế nào thì các bạn đọc Rocket  Boys sẽ rõ. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn, nhất là những bạn trẻ đang ấp ủ trong mình những giấc mơ táo bạo hãy lên một kế hoạch cụ thể để biến ước mơ thành hiện thực.

 

Bạn hãy mạnh dạn nói ước mơ của bạn với những người xung quanh. Nếu tất cả những người xung quanh đều không tin bạn thì bạn hãy từ bỏ những người đó và thiết lập mối quan hệ với những người tin bạn. Đồng thời với quá trình lên kế hoạch, bạn phải ra sức học tập, tích lũy kiến thức.

 

Để ước mơ thành sự thật, bạn cũng cần có sự kiên trì. Gặp thất bại, bạn phải tìm hiểu tại sao thất bại để lần sau được thành công. Đối với tôi, ngoài việc dám theo đuổi ước mơ, có một nhóm bạn cùng chí hướng thì bên cạnh tôi lúc nào cũng có một người mẹ tuyệt vời.

 

Là kỹ sư NASA lại chuyển sang viết văn, ông có gặp khó khăn?

 

Ồ! Tôi không gặp bất cứ khó khăn nào. Khi tôi làm việc cho NASA, tôi vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để viết lách. Năm lớp ba, tôi viết truyện ngắn và đưa cho thầy giáo xem. Thầy tôi bảo, đó là truyện ngắn hay nhất từ trước đến nay mà ông từng được đọc. Thầy tôi còn tiên đoán sau này tôi sẽ trở thành nhà văn và kiếm được bộn tiền nhờ tài viết. Sau đó, tôi tự lập cho mình một tờ báo. Tôi ghi lại tất cả những chuyện xảy ra hằng ngày lên tờ báo đó.

 

Câu chuyện hay nhất là chuyện về người đàn bà bất chợt nhìn thấy con rắn và đuổi theo để đánh nó, không ngờ bà rơi xuống sông, bị cá đớp vào chân. Người đàn bà trong trong câu chuyện đó chính là mẹ tôi.

 

Khi báo đăng, độc giả gọi điện liên tục vì họ rất thích tính hài hước của câu chuyện. Riêng mẹ tôi thì cấm không cho tôi lấy bà ra làm đề tài nữa! Sau đó, tôi mê tên lửa rồi đi học đại học và về làm kỹ sư cho NASA. Khi nghỉ hưu, tôi lại tiếp tục viết văn, làm đúng cái nghề mà thầy giáo tôi từng nói.

 

Xin hỏi ông, cuốn Rocket Boys có bao nhiêu phần trăm là sự thật của đời ông?

 

Khi tôi đang làm việc ở NASA, có một tạp chí chuyên ngành đặt tôi một bài viết hai ngàn chữ nhưng phải nộp gấp trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

 

Tôi nói với biên tập viên, tôi sẽ viết hồi ký lúc nhỏ. Biên tập viên thốt lên: đó là ý tưởng tồi tệ nhất mà tôi từng được nghe! Thế nhưng khi bài báo đăng, các nhà làm phim ở hãng Universal đã đặt hàng tôi viết lại toàn bộ cuộc đời mình để họ dựng phim. Khi bộ phim phát sóng, sách xuất bản, mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều email, điện thoại cảm ơn của độc giả.

 

Tôi có thể khẳng định với anh Rocket Boys là 100% sự thật của cuộc đời tôi!

 

Trong 10 năm, ông đã xuất bản 10 cuốn truyện và đang dự định xuất bản tiếp. Làm sao ông viết được nhanh và nhiều như thế?

 

Tôi chẳng có bí quyết nào đâu. Khi viết, trong đầu tôi cứ xuất hiện các nhân vật. Họ trò chuyện và chỉ tôi viết ra những điều ấy. Rồi tôi lại nghĩ ra các sự kiện, nhân vật khác cứ xoay quanh nhân vật chính. Tôi viết nhanh, nhiều có lẽ là do dồn nén trong nhiều năm. Song, điều quan trọng để nhà văn viết được cuốn sách hay là cần có nhiều trải nghiệm và vốn sống.

 

Vậy làm sao để những người cầm bút, nhất là những người viết trẻ, có nhiều trải nghiệm và vốn sống?

 

Phải đọc sách, đọc thật nhiều. Từ nhỏ tôi rất lười học mà suốt ngày chỉ thích đọc sách. Nhờ đó, tôi hiểu thêm được rất nhiều điều. Nhiều sinh viên hỏi tôi: làm sao ông viết truyện hay đến vậy? Tôi thường hỏi ngược lại rằng: cuốn sách mà các bạn đọc gần đây nhất là khi nào? Nếu không nhớ được tên cuốn sách thì các bạn không thể nào làm nghề viết lách.

 

Trong mỗi cuốn truyện, ông đều gửi gắm thông điệp nào đó đến với độc giả?

 

Tôi không thổi các bài học vào từng câu, từng chữ hay từng trang sách trong mỗi cuốn truyện. Khi độc giả đọc, họ yêu mến nhân vật. Nhân vật sẽ truyền cho họ động lực, giúp họ tự nhận ra thông điệp. Nếu một cuốn sách làm cho người khác cười, đó là cuốn sách hay.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam