Nam sinh vùng cao chế tạo thành công máy bừa mini cho ruộng bậc thang

(Dân trí) - Xuất phát từ chính cái nghèo, cái khó của địa phương vùng cao Hà Giang, Phu Văn Chức đã chế tạo thành công chiếc máy cày mini thích hợp với địa hình dốc, hẹp của những thửa ruộng bậc thang.

Phu Văn Chức (SN 1996), sinh sống tại xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Chức là người dân tộc Nùng, hiện đang học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Su Phì.

Ở tuổi 19, Chức đã có nhiều phát kiến, sáng tạo trong phát triển khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Sản phẩm ưu tú nhất của cậu là chiếc máy bừa trên ruộng bậc thang, phục vụ gia đình, bà con trong bản canh tác.

Chiếc máy bừa do Chức sáng chế đang giúp ích cho công việc đồng áng của người dân huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Chiếc máy bừa do Chức sáng chế đang giúp ích cho công việc đồng áng của người dân huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Văn Chức sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cậu đi học muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Từ bé, Chức đã theo bố mẹ lên rẫy, ra đồng làm ruộng. Ở bản của Chức, địa hình có độ dốc rất lớn, bị chia cắt mạnh bởi nhiều khe suối. Người dân trong vùng canh tác lạc hậu, sức kéo chủ yếu là trâu bò chưa biết sử dụng máy móc vào sản xuất.

Chứng kiến cảnh làm nông nghiệp nhiều khó khăn và rủi ro của bà con, Chức không ngừng cố gắng sáng tạo ra những nông cụ hữu dụng, trước hết là cho chính gia đình mình.

“Nhà mình nghèo lắm, không có tiền mua trâu, bò để cày ruộng, nên phải nhờ trâu bò của bà con trong bản cày, bừa hộ. Mùa nước lên, ruộng bậc thang có nước gia đình nào cũng dùng trâu, bò cày bừa, còn nhà mình không mượn trâu bò ai được. Nên từ lâu mình đã ao ước chế tạo được cài máy bừa trên ruộng”, Chức nói.

Lên lớp 8, Chức mày mò học cách sửa chữa xe máy cho bà con trong bản. Thời gian đó, một số gia đình trong bản có tiền mua máy cày bừa về làm ruộng, nhưng trọng lượng máy nặng, khó di chuyển qua những thửa ruộng bậc thang. Thấy vậy, Chức lên ý tưởng chế tạo máy bừa mi ni sử dụng động cơ xe máy cũ để dễ dàng bừa trên thửa ruộng bậc thang.

Đến tháng 8/2013, cậu bắt tay vào chế tạo máy bừa. Động cơ máy được Chức lấy từ động cơ của chiếc xe máy cũ gia đình. Mất hơn một tháng mày mò nghiên cứu, và không ít lần lắp ráp thất bại, Chức đã chế tạo thành công chiếc máy bừa mini trong sự ngỡ ngàng, thán phục của bà con trong bản.

Chiếc máy gọn nhẹ, thích hợp với việc sử dụng ở các thửa ruộng bậc thang, tăng năng suất lao động do trọng lượng giảm (khoảng 65kg) nên có thể di chuyển dễ dàng từ thửa ruộng này sang thửa khác rất phù hợp với đặc điểm của huyện chủ yếu là ruộng bậc thang. Với chi phí sản xuất mỗi máy là hơn 11 triệu đồng, nhiều hộ dân trong bản đã đến đặt hàng Chức sản xuất máy.

Chức cho biết: “Chiếc mày đang trong giao đoạn hoàn thiện về mặt kỹ thuật với mục đích chính là giảm trọng lượng của máy giúp người vận hành có thể di chuyển máy dễ dàng từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình vận hành, hạ giá thành sản phẩm. Đây là cách làm hiệu quả cho người dân thấy rõ hiệu quả khi sử dụng máy so với dùng sức người và gia súc theo cách truyền thống”.

Nam sinh 19 tuổi người dân tộc Nùng - Phu Văn Chức
Nam sinh 19 tuổi người dân tộc Nùng - Phu Văn Chức

Mục tiêu trong tương lai của “nhà sáng chế” là thành lập tổ Hợp tác xã Thanh niên và nhân rộng mô hình “Ứng dụng khoa học công nghệ trong đoàn viên thanh niên” ra toàn huyện phục vụ nhu cầu của người dân.

Với sáng tạo này, Phu Văn Chức được địa phương giới thiệu làm đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2. Chức mong rằng tại Đại hội em sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, tăng cường trao đổi về các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sáng chế để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ kinh tế địa phương. Đồng thời, cậu học sinh dân tộc Nùng cũng sẽ gửi đề xuất tới Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện chiếc máy bừa.

Mai Châm