Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - "Thao túng tâm lý là một dạng của lạm dụng tâm lý. Hành vi này nhằm mục đích thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác thông qua các chiến thuật gián tiếp, lừa đảo hoặc âm thầm".

Thao túng tâm lý được biết đến như một hành vi lạm dụng tâm lý và thường xuất hiện trong các mối quan hệ tình cảm. Những người từng trải qua việc bị thao túng tâm lý chia sẻ rằng bản thân phải chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần và gặp khó khăn trong việc thoát khỏi cảm xúc tiêu cực.

Thao túng tâm lý là gì?

Thạc sĩ Tâm lý học, chuyên gia Tâm lý học Dương Thị Thu Huyên đã đưa ra những giải mã về hành vi thao túng tâm lý.

Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý - 1
Thạc sĩ Tâm lý Dương Thị Thu Huyên hiện đang làm chuyên viên can thiệp, trị liệu tâm lý trẻ em, chuyên viên đào tạo kỹ năng (Ảnh: NVCC)

"Thao túng tâm lý là một dạng của lạm dụng tâm lý. Hành vi này nhằm mục đích thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác thông qua các chiến thuật gián tiếp, lừa đảo hoặc âm thầm. Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kỳ môi trường nào, từ bất cứ đối tượng độc hại nào. Đó có thể là người yêu, bố mẹ, anh chị em ruột, vợ/chồng, bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên… của bạn.

Hành vi tháo túng tâm lý trong mối quan hệ tình cảm thường có thể tìm thấy từ những người độc hại ẩn trong các gia đình, các cặp đôi,.. Với tính chất xảo quyệt, âm thầm gây hại, lạm dụng tâm lý để làm tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng, phá hủy cuộc sống của mỗi cá nhân. Trong nhiều trường hợp nạn nhân bị thao túng đến mức tự hỏi có phải họ là người có lỗi, thậm chí họ có phải là người độc hại trong mối quan hệ đó hay không".

Nạn nhân lạc trong sự thao túng tâm lý

Nguyễn Vân Nga (21 tuổi) chia sẻ việc từng trải qua việc bị đối phương thao túng tâm lý từ những việc tưởng chừng như rất nhỏ:

"Sự thao túng tâm lý mà mình nhận được xuất phát từ những vấn đề nhỏ như lựa chọn địa điểm hẹn hò, món ăn sẽ gọi… Thay vì người đó nói "anh không thích nơi này" hay "anh không thích món này", anh ấy lại cố gắng thuyết phục mình rằng mình cũng không thích nó, việc lựa chọn thứ này là không tốt cho mình. Và dần dần mình lại đắn đo, suy nghĩ để nương theo những lời phân tích ấy".

Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý - 2
Thao túng tâm lý đem đến cảm giác đang bị điều khiển suy nghĩ bởi đối phương (Ảnh: DT)

Nga kể rằng trạng thái tâm lý của cô đang từ cảm xúc nghi ngờ người kia không chung thủy liền trở thành việc tự trách bản thân mình thông qua sự dẫn dắt suy nghĩ từ đối phương:

"Tâm lý của mình đột nhiên trở nên rất nhạy cảm và bất ổn. Tuy nhiên thay vì đưa ra những lời động viên, anh ấy lại cố thuyết phục mình rằng mình đang làm quá mọi chuyện lên và khiến anh ấy "phát điên". Dần dần, mình tự nghi ngờ và tự trách bản thân. Nhưng rồi mình vẫn đi tìm hiểu và đã phát hiện ra anh ấy đã đi chơi, hẹn hò, tán tỉnh qua lại với một bạn nữ khác.

Lúc này, dù mình đã gặng hỏi nhưng anh ấy vẫn cố thuyết phục rằng đây là một chuyện bình thường và thậm chí còn ám chỉ rằng do mình nhạy cảm và do mình thay đổi nên anh mới có những sự lựa chọn khác ở bên ngoài".

Đối mặt với sự dẫn dắt tâm lý từ đối phương, Nga dần thay đổi suy nghĩ và tự trách bản thân mình rất nhiều. Điều này khiến cô rơi vào trạng thái suy sụp, căng thẳng và không thể tìm thấy niềm vui như trước.

"Theo thói quen, mình thường sử dụng TikTok vào mỗi khi có thời gian rảnh. Như mọi người biết, TikTok thường đề xuất những nội dung phù hợp với thói quen gần nhất của người dùng. Trong giai đoạn mình gặp sự cố tình cảm với người kia, các nội dung trên TikTok mà mình xem được đa phần đều rất tiêu cực và khiến mình khóc rất nhiều vì đúng với hoàn cảnh, cảm xúc của mình quá", Nga bộc bạch.

Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý - 3
Thao túng tâm lý dẫn đến sự dằn vặt, tự trách (Ảnh: DT)

Cô gái trẻ hoang mang tự hỏi: "Liệu có phải mình đã nói gì sai không? Mình đã làm gì khiến anh ấy phật lòng để giờ bị đối xử như thế? Có phải mình đã làm mất không gian riêng tư của anh ấy không? Từ những hành động rất bình thường trong một mối quan hệ cũng được mình đưa ra để soi xét và cảm thấy bản thân đã làm gì đó sai".

Trong suốt một thời gian dài, Nga rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý: "Tối nào mình cũng khóc và suy nghĩ. Thậm chí, khi đi chơi cùng bạn bè, mình cũng "tra tấn" những người xung quanh bởi cảm xúc tiêu cực của mình. Có những lúc mình cũng tự làm đau bản thân để tìm lại cảm giác cân bằng và dừng lại những suy nghĩ cứ chạy trong đầu".

Thao túng tâm lý là con dao hai lưỡi

Theo Thạc sĩ Tâm lý Dương Thị Thu Huyên, thao túng tâm lý không chỉ gây hại cho người bị thao túng mà nó còn đem đến những tác động tiêu cực tới người đi thao túng. Cả hai đối tượng nêu trên đều không thể ở trong mối quan hệ lành mạnh và những trải nghiệm hạnh phúc, vui vẻ cùng nhau.

Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý - 4
Người bị thao túng tâm lý bị tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng (Ảnh: Madelyn Goodnight)

"Người bị thao túng tâm lý bị tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Còn người đi thao túng người khác thì các vấn đề về tâm lý của họ nặng hơn. Chúng ta có thể kể đến như người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách. Những đối tượng này sống trong thế giới méo mó chính họ tạo ra với bóng ma của những đòi hỏi và kỳ vọng độc hại".

Nhiều người chấp nhận bản thân bị thao túng tâm lý

Thạc sĩ Dương Thị Thu Huyên trích dẫn một câu nói của Shannon Thomas, một nhà giám sát công tác xã hội, y tế người Mỹ: "Đừng bao giờ thỏa hiệp với sự độc hại, dù nó đến từ ai".

"Tôi cho rằng người bị thao túng tâm lý không hẳn là người nhẹ dạ cả tin. Thay vào đó, những người dễ dãi, dễ thỏa hiệp và sống phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của người khác sẽ dễ trở thành con mồi cho những người đi thao túng tâm lý", chị Huyên nói.

Đứng trước hiện tượng có những người biết bản thân đang bị thao túng tâm lý những vẫn nghe theo và chấp nhận tình trạng này, chị Huyên nhận định: "Một người bị thao túng tâm lý cũng là lúc cuộc sống của họ đang dần mất quyền kiểm soát. Lúc này, họ đã bị phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của kẻ lạm dụng nên rất khó để tự mình thoát ra khỏi cái bẫy của kẻ đi thao túng".

Chia sẻ thêm, chị Huyên cũng đưa ra giải pháp phù hợp để mỗi người có thể thoát khỏi tình trạng bị thao túng tâm lý chính là việc không chấp nhận sự độc hại từ bất cứ ai: "Để tránh bị thao túng tâm lý trong tình cảm, tôi nghĩ đầu tiên chúng ta phải luôn tỉnh táo, thiết lập ranh giới rõ ràng cho từng mối quan hệ và không thỏa hiệp với sự độc hại dù nó đến từ ai".

Nên tránh xa những nội dung dạy cách thao túng tâm lý trên mạng xã hội

Thao túng tâm lý được xem như một hành vi lạm dụng tâm lý và gây ảnh hưởng tiêu cực tới những người xung quanh cũng như chính bản thân người đi thao túng. Thế nhưng, trên nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay lại xuất hiện nhiều nội dung hướng dẫn mọi người cách thao túng tâm lý những người xung quanh.

Tâm sự chưa từng nói ra của bạn trẻ bị thao túng tâm lý - 5
Nhiều tài khoản TikTok hướng dẫn cách thao túng tâm lý người khác (Ảnh: Chụp màn hình)

Chia sẻ về hiện tượng này, Thạc sĩ Tâm lý cho rằng đây là một hiện tượng đáng lo ngại: "Theo tôi, một mối quan hệ lành mạnh được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, tình yêu thương chân thành và sự tôn trọng. Trong chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc và những mối quan hệ lành mạnh.

Nhưng cũng có không ít người từ những trải nghiệm tiêu cực khiến họ hình thành những suy nghĩ méo mó, lệch lạc rồi đi cổ súy cho những bài viết, nội dung hướng dẫn thao túng người khác. Tôi hy vọng mọi người luôn tỉnh táo tiếp nhận những thông tin tích cực trên các nền tảng mạng xã hội hơn là sa lầy vào những thông tin tiêu cực, độc hại".