Mùng 3 Tết thầy!
(Dân trí) - Cuộc sống trôi đi, những giá trị xưa cũ cũng ngày một phai nhòa, nhiều người trong số chúng ta không còn mong đợi quá nhiều ngày Tết nữa, và cũng không ít ý kiến cho rằng Tết thời hiện đại đang “nhạt” dần.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về chúng ta thường trở về nhà đoàn viên cùng gia đình, cùng quây quần bên mâm cơm ấm áp sau quãng thời gian xa cách. Bên cạnh đó Tết cũng là dịp để người ta chúc Tết, nhớ ơn các thầy cô – những người lái đò mang kiến thức đến cho bao thế hệ học trò.
Trong quan niềm của người Việt ta thì mùng 3 Tết chính là ngày chúc Tết các thầy cô giáo. Bởi dẫu sao “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ngày này còn gợi nhắc mỗi người nhớ đến truyền thống tôn sư trọng đạo. Hai tiếng “thầy cô” thiêng liêng, trân quý và có ý nghĩa sâu sắc lắm. Có lẽ vì thế nên vào mùng 3 Tết hằng năm những người học trò đều đến nhà thầy cô mình để gửi trao những lời chúc với tất cả sự kính trọng, yêu thương nhất.
Chẳng cần những món quà sang trọng, hoa mỹ, chỉ cần tấm lòng của học trò cũng khiến các thầy cô vui lòng và hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng dường như ngày Tết thầy cũng không còn mang phong vị truyền thống mà có những biến đổi theo sự phát triển của xã hội.
Tôi còn nhớ những ngày còn là cô cậu học trò cấp ba, Tết nào cả lũ cũng kéo nhau đến nhà thầy cô, mọi thứ tuy giản dị nhưng lại ấm áp vô ngần. Cuộc sống trôi đi, những giá trị xưa cũ cũng ngày một phai nhòa, nhiều người trong số chúng ta không còn mong đợi quá nhiều ngày Tết nữa, và cũng không ít ý kiến cho rằng Tết thời hiện đại đang “nhạt” dần.
Người ta không còn mang từ “nghĩa” trọn vẹn khi đến chúc Tết thầy cô như ngày xưa, nhiều học trò đến nhà thầy cô với mục đích tư lợi, lòng thành kính cũng bị lợi ích che mờ. Tất nhiên là chỉ có một bộ phận nhỏ, “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng quả thực đây là điều hết sức đáng buồn.
Dù đi hết cuộc đời này cũng chẳng ai có thể đong đếm được công ơn dạy dỗ của thầy cô. Người đầu tiên đưa tay chỉ ta từng nét chữ, dạy ta cách đánh vần và rồi cũng chính thầy cô là người giúp ta vỡ lẽ nhiều điều, ta hiểu mình nên làm gì và không nên làm gì. Cho đến khi rời xa, trong lòng mỗi người học trò vẫn dành rất nhiều sự kính trọng, biết ơn đối với những người thầy, người cô của mình.
Học, không chỉ theo nghĩa cầm bút, cầm vở, ngồi ở lớp học nghe giảng, mà chữ dạy của thầy cô còn mang ý nghĩa lớn lao hơn như thế gấp nhiều lần. Bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng thầy đã thức bao đêm khi bạn “lỡ lời” không tôn kính, cô đã khóc khi thấy bạn vấp ngã và cô đã dìu bạn đứng dậy, dịu dàng như mẹ hiền.
Ngày Tết dù có bận trăm đường nghìn lối thì hãy cứ trở về vui vầy bên gia đình, bạn cũng chớ quên gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy cô của mình. Tất nhiên nhiều người sẽ phản biện rằng tại sao suốt 365 ngày không gửi lời yêu thương đến thầy cô mà phải đợi đến mùng 3 Tết?
Mùng 3 Tết là ngày của Thầy, là truyền thống lâu đời của dân tộc nên mọi người sẽ dành trọn một ngày để chúc Tết thầy cô. Nhưng không có nghĩa rằng chúng ta không biết ơn “người lái đò” trong suốt năm dài tháng rộng đâu nhé!
Thi Thi