Bài tham dự cuộc thi viết "Mùa hè của tôi"

Mùa hè của những đứa trẻ đang lớn

(Dân trí) - Hết tháng, nhận những đồng tiền đầu tiên tự kiếm bằng sức lao động chân chính, bốn đứa đều muốn khóc. Lương lậu bèo bọt, lại bị trừ tùm lum... đứa nào cũng hiểu ra rằng, tiền không phải lá mít, cần đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được.

Nhóm của Nhi bốn đứa. Chơi rất thân. Nghỉ hè, Khánh đề xuất cả bọn đi làm thêm kiếm tiền. “Mỗi lần xin tiền, ba má càm ràm hoài”, Khánh giải thích, “tốt nhất là tự lực cánh sinh”.

Ba đứa kia ngơ ngác “Làm gì?”. Đối với tụi nó, chuyện này nghe lạ tai hết sức. Nghi bụm miệng cười “Nè, tui không đứng đường hay múa cột đâu đấy”. Hai đứa con gái trợn mắt nhìn Khánh cảnh giác. Thằng này vội xua tay trấn an: “Trời, không lẽ tụi mình con nhà lành như zầy lại đi bán thân? Đừng có nghĩ bậy bạ”.

Năn nỉ muốn gãy lưỡi mới được sự đồng ý của phụ huynh, kèm theo một lô một lốc những thuyết giáo. Nhi nói: “Mẹ tao chửi mày mới nứt mắt ra đã hám tiền”. Nghi cười hì hì, kể thêm: “Ba tao kêu để ổng mục sở thị coi tụi mình làm gì, nếu không đàng hoàng đứng đắn thì knock out”. Bốn đứa cùng phá lên cười.

Bước thứ hai tưởng đơn giản nhưng cũng gặp không ít khó khăn, đó là tìm việc. Dạy kèm, trông trẻ, bán hàng, tiếp thị… đều yêu cầu phải tốt nghiệp phổ thông. Bốn đứa đang là học sinh cấp 3, nhìn non choẹt, có xìa tấm bằng chứng nhận cũng chưa chắc người ta đã tin. Lao động tay chân không đòi hỏi trình độ như bốc vác, phụ hồ thì tụi nó không đủ sức khỏe. Khánh động viên “Vạn sự khởi đầu nan”.

Công việc đầu tiên là ở một tiệm cà phê. Vào xin, ông chủ đồng ý ngay lập tức, vì quán đang treo bảng tuyển nhân viên, tức là trong thời gian khan hiếm nhân lực. Khánh được chân giữ xe. Nghi với Hạ bưng bê. Nhi rửa ly tách. Lương tháng như nhau.

Bữa đầu tiên, Hạ than: “Chắc tao chịu không nổi quá”. Chưa bao giờ nó phải đứng và di chuyển nhiều như vậy. Cứ bên này kêu, bên kia réo, chạy như con thoi mà quản lý vẫn cằn nhằn. Bữa thứ hai, nghiêm trọng hơn. Có một thằng choai choai mặt mày nham nhở, giở trò đụng chạm. Hạ xưa nay nổi tiếng dữ dằn. Chuyện đáng ra có thể nhịn được nhưng nó đã chứng tỏ bản lĩnh của phụ nữ thế kỉ 21, bằng cách hất nguyên ly trà đá trên khay vào người thằng kia. Khách hàng là thượng đế, Hạ bị đuổi thẳng. Nghi cũng nghỉ theo. Phải thường xuyên chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt, nó khó chịu. Nghi đúc kết “Cà phê đèn mờ, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện. 36 kế, chuồn là thượng sách”.

Nhi, Khánh trụ lại quán. Nhi kể , giọng tiếu lâm: “Mỗi ngày tao đập vài cái ly. Nhưng dạo này có kinh nghiệm rồi. Ở nhà có khi nào tao phải rửa chén đâu”. Tự dưng Nhi thấy xót những khoảng tiền tiêu vặt bố mẹ cho mà hàng tuần, nó thả sức phung phí vào băng đĩa, giày dép, áo quần mới.

Nghi nhờ bạn bè giới thiệu để đi giao báo. Nó rủ Hạ theo. Sáng bốn giờ đến điểm tập kết, nhận một chồng báo đủ chủng loại, giao xong trước sáu giờ. Nếu để người ta than phiền sẽ trừ vào tiền lương. Hạ cười hì hì: “Buổi sáng đạp xe vòng vòng thành phố, coi như tập thể dục”.

Nhưng thiên lôi cứ nhằm Hạ mà đánh, nó xui xẻo bị một gã lái xe ẩu tung vào. Kết quả: xe hư, nó sái khớp chân. “Tui với ông Nghi không có duyên làm cùng nhau”. Không có bạn, Nghi phải kè kè bản đồ bên nách, nhưng “hẻm hóc đâu có ghi trên bản đồ, tao tìm toét mắt luôn”. Nó chỉ rành những đường lớn, các số nhà tròn trịa. Địa chỉ khách hàng toàn xẹt, sâu tuốt luốt trong các ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện. Nghi bị lạc, phải gọi điện kêu Khánh tới đón. Gần tám giờ mới thanh toán hết số báo đã nhận.

Hạ ở nhà dưỡng thương, ba nó đem về một đống giấy tờ, bảo: “Con gái yêu, dịch hộ ba. Trả công đàng hoàng”. Tiếng Pháp là sở trường của nó. Ngày nào nó cũng cặm cụi gõ máy tính, có hôm thức đến khuya để dịch cho xong, sáng dậy hai hốc mắt sâu hoắm, đen thui.

Đứa nào dạo này cũng bận rộn, ít thời gian tụ tập nên cứ gặp mặt là thi nhau kể chuyện. Nhi bảo: “Tối nào tao cũng bắt nhỏ em mát-xa mới ngủ được”. Hai bàn tay nó tiếp xúc với nước và xà bông, tróc ra từng mảng da nho nhỏ, trông mà tội nghiệp. Ba tên kia gật trêu: “Lưng mày cong như bà già chín mươi vậy”. Nghi sau một thời gian ca bài “em bé đi lạc” đã thuộc lòng đường xá, nhắm mắt cũng có thể mò về nhà. Khánh khoe gặp thầy chủ nhiệm đi uống cà phê với bạn gái. Thầy cứ tấm tắc thằng này trông thế mà giỏi, sang năm cộng thêm điểm hạnh kiểm. Cả đám cười lăn cười bò.

Hết tháng, nhận những đồng tiền đầu tiên tự kiếm bằng sức lao động chân chính, bốn đứa đều muốn khóc. Lương lậu bèo bọt, lại bị trừ tùm lum khoản phát sinh, chỉ đủ cho cả nhóm làm một chầu kem và nạp mỗi đứa một card điện thoại 20 nghìn. Cái chính là đứa nào cũng hiểu ra rằng tiền không phải lá mít, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được.

Nửa mùa hè đã trôi qua đầy ý nghĩa. Cả nhóm được lệnh thôi việc. Mẹ Nhi tuyên bố vừa thuê một gia sư giỏi để dạy kèm tụi nó toán lý hóa. Ngoài ra, muốn học thêm chỗ nào thì tùy. Các bậc phụ huynh yêu cầu bây giờ phải chú tâm vào học hành. Ở tuổi này, bố mẹ có trách nhiệm bảo bọc trợ cấp cho con cái. Còn tụi nó, nghĩa vụ lớn nhất đặt lên hàng đầu là học, học thật giỏi. Đó là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để đền đáp công ơn cho các đấng sinh thành.

Trên lịch, bốn đứa đều dùng bút dạ khoanh tròn tháng 6, như một cột mốc trên con đường tự trưởng thành của chúng. Khánh cẩn thận ghi thêm 4 chữ : Mùa hè đỏ lửa.

Võ Thị Quỳnh Như
(10 Hồ Xuân Hương - Nha Trang - Khánh Hòa)