Mùa cưới, cô dâu chú rể "đau đầu" vì phải tính toán mời ai, bỏ ai

CTV

(Dân trí) - Cưới xin là chuyện quan trọng của đời người, ai cũng mong đám cưới của mình chỉn chu nhất có thể. Vì thế các cặp đôi cũng gặp không ít khó khăn khi quyết định tổ chức hôn lễ.

Mời không được, không mời cũng chẳng xong

Trong mỗi đám cưới, có lẽ khâu lên danh sách khách mời là công đoạn khiến nhiều cặp đôi đau đầu nhất. Không ít trường hợp khách mời nhận được thiệp thì đồng ý đi, nhưng tới ngày cưới chẳng thấy mặt.

Chị Vũ Thị Trang, 31 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ với PV Dân trí rằng: "Đám cưới mình mời khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Vì tổ chức đám cưới ở quê nhà, mình khá ngại đồng nghiệp xã giao phải đi xa nên quyết định không mời. Tới giờ, thỉnh thoảng mình vẫn bị đồng nghiệp trách móc chuyện cũ".

Trang cho biết, việc lên danh sách khách mời là một trong những việc khiến chị suy nghĩ nhiều nhất khi chuẩn bị lễ cưới.

Mùa cưới, cô dâu chú rể đau đầu vì phải tính toán mời ai, bỏ ai - 1
Lên danh sách khách mời là công việc khiến nhiều cặp đôi "đau đầu" (Ảnh: Forever Friends).

Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (28 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết việc dự trù danh sách khách mời cũng là một khâu quan trọng, bởi mời thừa hoặc thiếu thì việc tiếp đón sẽ không hoàn thiện như ý.

Chị chia sẻ: "Ở cơ quan mình, mọi người đều gắn bó với nhau nên không cần suy nghĩ nhiều. Chứ như chồng mình làm lĩnh vực IT, thường chia việc theo team nhưng vẫn có trao đổi công việc với các team khác. Thành ra mời họ không được, không mời cũng chẳng xong".

Bên cạnh cân nhắc việc mời đồng nghiệp, vợ chồng chị Phúc cũng phải suy nghĩ tới việc mời bạn bè ở xa. "Mình cũng phải nghĩ cách mời sao cho lịch sự, không khiến họ hiểu lầm mình mời kiểu "chạy chỉ tiêu", chị Phúc tâm sự.

Phải hoãn đám cưới liên tục vì dịch bệnh

Ba năm trở lại đây, dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ. Các đám cưới cũng không ngoại lệ. Không ít cặp đôi liên tục phải lùi lịch cưới vì dịch bệnh.

Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Thu Hà, 28 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.

"Thời điểm mình quyết định tổ chức lễ cưới là lúc dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Mình đành tạm hoãn đám cưới, đợi dịch bệnh tạm ổn định rồi tính tiếp. Nhưng cứ chuẩn bị rồi lại hoãn, hoãn rồi lại chuẩn bị tiếp rất nhiều lần vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, liên tiếp bùng phát nhiều đợt.

Có lần gia đình đã gửi thiệp mời cho khách xong thì dịch bùng ở Đà Nẵng. Mình và gia đình phải gọi điện thông báo tới từng người việc đám cưới bị hoãn", chị nói.

Mùa cưới, cô dâu chú rể đau đầu vì phải tính toán mời ai, bỏ ai - 2
Thu Hà liên tục phải hoãn đám cưới vì dịch bệnh hoành hành (Ảnh: NVCC).

Chị Hà cho biết mình tổ chức đám cưới ở ba nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM để tiện cho gia đình hai bên và bạn bè, đồng nghiệp của hai vợ chồng. "Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, vì vậy chúng mình phải đợi khá lâu mới có thể hoàn thành được cả ba đám cưới", chị chia sẻ.

Chi phí tổ chức tốn kém

Chị Phúc cũng chia sẻ thêm về những chi phí tổ chức: "Để chu toàn cho đám cưới, mình và gia đình phải bàn bạc dự trù kinh phí tổ chức đám cưới nhiều lần.

Đám cưới cơ bản cũng bao gồm tiền nhẫn cưới, nộp tài, phương tiện đi lại, rạp cưới… Mỗi khoản một ít, cộng tất cả vào cũng là một con số khá lớn rồi. Còn chưa kể tới các chi phí phát sinh trong lễ cưới nữa".

Theo chị, để tiết kiệm được chi phí cần phải xem xét giá cả thị trường cũng như tham khảo nhiều nhà cung cấp để tìm được mức giá hợp lý nhất. "Công đoạn này mất nhiều thời gian, hai vợ chồng đều phải sắp xếp, bàn bạc cùng người lớn để mọi người giúp đỡ phần nào", chị tâm sự.

Mùa cưới, cô dâu chú rể đau đầu vì phải tính toán mời ai, bỏ ai - 3
Vợ chồng chị Phúc cân nhắc kĩ lưỡng trong từng công đoạn chuẩn bị (Ảnh: NVCC).

Chị cho biết: "Muốn tổ chức đám cưới, ít nhất phải có một khoản tiết kiệm dự trù từ trước để có thể chi trả những khoản phải trả ngay hoặc tạm ứng...

Khoản chi phí này ít nhất chiếm đến 30% cho toàn bộ chi phí đám cưới. Mình là con gái nên ít nhất việc tiết kiệm từ trước khi cưới là chu đáo hơn các anh nhiều".

Hồng Phúc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tới các bạn trẻ đang có dự định tổ chức đám cưới: "Nếu các bạn còn eo hẹp về kinh tế, chưa có khoản dự phòng tiết kiệm này từ trước thì có thể nhờ bố mẹ tìm những nơi tổ chức thân quen, có thể sẽ cho "nợ" và đợi sau khi lễ cưới tổ chức xong có khoản tiền mừng để chi trả".