Mối nguy hại khôn lường của "dao cà rốt" - món đồ chơi trẻ em đang gây sốt
(Dân trí) - "Dao cà rốt" đa dạng kích thước, có thể gây tác động tâm lý đến trẻ em cũng như khuyến khích các hành động bạo lực.
Mới đây, món đồ chơi phổ biến có tên "dao cà rốt" được cho là dấy lên mối quan ngại sâu sắc về việc ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em. Các chuyên gia về hành vi trẻ em cảnh báo rằng, loại đồ chơi này có thể khuyến khích các hành động bạo lực ở những em nhỏ.
Với màu sắc rực rỡ, những chiếc dao nhựa được bán chạy ở trên các sàn thương mại điện tử và các cửa hàng đồ chơi tại Trung Quốc. Nhờ giá thành rẻ, từ 5 nhân dân tệ (khoảng 17.000 đồng) đến 20 nhân dân tệ (khoảng 67.000 đồng), số sản phẩm được bán ra có thể lên tới 100.000 chiếc.
Những chiếc "dao cà rốt" được bán với nhiều độ dài và hình dạng, từ loại bé nằm vừa lòng bàn tay của trẻ em đến những chiếc có thể kéo ra đến 1m. Một số loại dao nhựa được gắn thêm đèn và có khả năng biến thành nhiều hình dạng khác nhau, dễ dàng thu hút sự chú ý của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
"Dao cà rốt" có nhiều cách chơi khác nhau, phổ biến nhất là cầm và lắc để lưỡi dao rơi ra khỏi vỏ. Sau đó, trẻ nhỏ sẽ bắt chước hành động đâm dao. Một số em thậm chí còn chơi cùng bạn bè như các trò nhập vai.
Khi được hỏi về trải nghiệm khi chơi "dao cà rốt", nhiều trẻ nhỏ chia sẻ với SCMP rằng, những chiếc dao nhựa thú vị này giúp các em cảm thấy vui vẻ hơn.
Một người bán hàng tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) khuyên món đồ chơi này chỉ nên sử dụng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
"Những chiếc dao này hoàn toàn không nguy hiểm, không sắc hay nhọn. Bởi chúng được làm bằng nhựa chứ không phải kim loại", cô cho biết.
Tuy nhiên, Yang Sifan - giáo sư tại Đại học Sư phạm Trùng Khánh, Trung Quốc - không đồng ý với ý kiến này.
Ông nhận định, món đồ chơi này có thể gây nguy hiểm với trẻ em, đặc biệt sẽ để lại thương tích không nhẹ nếu tiếp xúc với khu vực mắt. Hơn nữa, giáo sư cho rằng, "dao cà rốt" có khả năng tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em.
"Việc cầm dao đồ chơi và thực hiện các hành động đâm có thể kích thích xu hướng bạo lực ở trẻ. Chúng có thể gia tăng khả năng trẻ em sử dụng dao thật và thực hiện hành động tương tự", ông Yang cho hay.
Zha Xianqiong - nhà tư vấn tâm lý tại An Huy, Trung Quốc - đề xuất các bậc phụ huynh nên cho con em mình biết về những rủi ro liên quan đến món đồ chơi này, đồng thời yêu cầu con không bắt chước các hành động nguy hiểm liên quan đến dao.
Việc có nên để trẻ em chơi "dao cà rốt" hay không nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội, thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
"Tôi nghĩ mọi người quá nhạy cảm", một người dùng bình luận trên Douyin (tên ứng dụng như TikTok tại thị trường Trung Quốc).
"Mọi bé trai đều thích chơi đồ chơi dao, kiếm và súng. Nếu chúng bị cấm thì các con sẽ chơi búp bê ư?", người khác nói.
"Dao cà rốt" không phải là trường hợp duy nhất dấy lên quan ngại về các loại đồ chơi nguy hiểm ở đất nước tỷ dân.
"Nước giả", hay còn được gọi là "bùn pha lê", là một loại chất nhờn tổng hợp, có khả năng co giãn được bán rộng rãi cho trẻ em ở Trung Quốc.
Loại đồ chơi này được xét nghiệm tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Kết quả đưa ra có chứa hàm lượng boron cao - một loại hóa chất độc hại gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.