Lợi và hại của việc "nở rộ" nghề review ẩm thực trên mạng xã hội
(Dân trí) - Một số reviewer đánh giá không công tâm, khiến người xem gặp phải tình trạng "xem trên mạng một đằng, thực tế một nẻo", hay là "đi ăn theo review hết mình, đến nơi hết hồn".
Nở rộ nghề review quán xá, đồ ăn, thức uống
Food reviewer (người đánh giá món ăn - PV) còn được biết đến là những người chia sẻ những trải nghiệm ẩm thực, đánh giá về món ăn, thức uống, quán xá trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Mạng xã hội càng phát triển, nghề food reviewer càng trở nên phổ biến và được nhiều người theo đuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Điều này dẫn đến hiện tượng "lạm phát" nghề reviewer ẩm thực trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện tượng tràn lan những người tự xưng là reviewer ẩm thực khiến những nội dung mà họ sản xuất trên mạng xã hội có chất lượng "thượng vàng hạ cám". Nhiều reviewer được cho là "không có tâm", chê bai bất chấp để thu hút lượt xem, mặt khác cũng có những reviewer chỉ "chuyên khen" do đã nhận tiền của quán.
Việc đan xen lẫn lộn nhiều reviewer trong giới ẩm thực như hiện nay không khỏi khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Vai trò của reviewer là gì? Liệu hiện tượng "lạm phát" reviewer như hiện nay sẽ đem đến cơ hội hay thách thức cho những người kinh doanh, buôn bán đồ ăn, thức uống?
Đi ăn theo review hết mình, đến nơi hết hồn
Với hơn 4 năm kinh nghiệm làm reviewer đồ uống, Lê Việt Nga, quản trị viên của kênh Be My Coffee chuyên review các quán cà phê, chia sẻ quan điểm về hiện tượng nở rộ nhiều reviewer hiện nay: "Nhu cầu giải trí, tìm kiếm những địa điểm ăn uống mới lạ của các bạn trẻ ngày càng tăng, việc số lượng reviewer "nở rộ" cũng hoàn toàn đúng theo quy luật cung - cầu".
Nga chia sẻ quan điểm dưới cả hai góc nhìn giữa chủ quán và khách hàng: "Dưới góc nhìn của những người kinh doanh, reviewer đã giúp nhiều quán tiếp cận được với nhiều khách hàng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Song, cũng có những trường như một số những đánh giá tiêu cực về quán ăn có thể khiến người xem trở nên nghi ngờ về chất lượng của quán và gây thiệt hại không ít cho những người kinh doanh.
Ngoài ra, một số reviewer xem nhẹ tác động của mình đến khán giả, không tôn trọng người xem, đưa ra những đánh giá không có tâm, khiến nhiều khán giả của họ gặp phải tình trạng "xem trên review một đằng, ra ngoài một nẻo", "đi ăn theo review hết mình, đến nơi hết hồn", để lại ấn tượng xấu về nghề reviewer cho nhiều người.
Từ phía người tiêu dùng, việc xuất hiện nhiều kênh review giúp họ biết đến nhiều địa điểm ăn uống hơn, có được nhiều góc nhìn về một quán ăn hay quán cà phê, từ đó có thể lựa chọn được địa điểm phù hợp với sở thích cá nhân của mình. Tuy nhiên, đôi khi người dùng mạng xã hội cũng quên mất rằng những nhận định của reviewer chỉ là ý kiến chủ quan, quán ngon với người này chưa chắc đã hợp với người khác, dẫn đến những lần đi ăn đi chơi dở khóc dở cười".
Nga cũng đưa ra những nguyên tắc, yếu tố mà bản thân luôn tuân thủ trong công việc: "Khi trải nghiệm ở quán, nếu có vấn đề gì, chúng ta nên đưa ra những góp ý trực tiếp cho nhân viên, cho chủ quán để họ nhanh chóng cải thiện. Mình cũng nên giữ thái độ trung lập, đưa ra những ý kiến có tính xây dựng thay vì sử dụng những câu từ phản cảm, công kích, khiến khán giả ngay lập tức có cái nhìn quá tiêu cực về quán. Mình nên đưa ra cả mặt tốt và mặt chưa tốt của quán, để khán giả có những cái nhìn khách quan hơn".
Reviewer có đang tạo áp lực cho những nhà kinh doanh dịch vụ ẩm thực?
Dương Trung Nguyên sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh ẩm thực và cũng từng làm quản lý cho một số cửa hàng ẩm thực. Anh chia reviewer thành 2 kiểu: "Kiểu thứ nhất, reviewer sẽ giúp quảng bá sản phẩm của cửa hàng, giúp khách tìm được những hàng quán hợp với sở thích của mình. Kiểu thứ hai review theo hướng tiêu cực, mang ý nghĩa cạnh tranh không lành mạnh, khiến khách hiểu lầm và làm giảm uy tín về quán".
Trong bối cảnh nhiều reviewer xuất hiện như ngày nay, Nguyên thừa nhận có áp lực nhất định với người kinh doanh nhưng không đáng kể: "Áp lực thì cũng có một phần vì không thể đảm bảo lúc nào cũng hoàn hảo trong mọi thời gian và hoàn cảnh. Tuy nhiên, ai phục vụ thì vẫn phải phục vụ còn những người soi xét thì vẫn soi xét, cũng chỉ là người ăn nhận xét món ăn mà thôi. Cái chính là dù họ có chê hay trách móc nhà hàng thì suy cho cùng, cái nhìn của số đông mới thắng".
Chị Thu Hương, chủ của một quán chè hơn 4 năm tuổi tại quận Đống Đa, cho rằng việc nở rộ nhiều reviewer ẩm thực như hiện nay đem lại cho chị nhiều cơ hội hơn là thách thức: "Với cửa hàng mình, mình thấy cơ hội là nhiều, chưa thấy có thách thức gì vì mình cứ làm đúng, làm chuẩn thì sẽ ổn hết".
Bên cạnh nhìn ra những cơ hội, chị cũng nhận thấy được một số bất tiện và áp lực nhất định khi xuất hiện nhiều reviewer ghé thăm quán của chị, tuy nhiên chị cho rằng áp lực này có thể kiểm soát. Chị nói: "Thỉnh thoảng quán đông mà các bạn đến quay chụp thì sẽ gây ra một số bất tiện và gây xao nhãng tới nhân viên làm đồ cho khách. Việc ngày càng có nhiều người vào nghề review cũng sẽ tạo lên một loại áp lực lên nhà kinh doanh ẩm thực nhưng không hoàn toàn là tiêu cực.
Khi đối mặt được với loại áp lực này, chủ quán ăn, nhà hàng sẽ có thêm được kinh nghiệm và năng lực quản lý cửa hàng của mình như nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, có kinh nghiệm xử lý thông tin trái chiều… Đồng thời, người đứng đầu có thể dựa vào đó để cửa hàng của mình được nhiều người biết đến hơn. Ai yếu hơn thì bị loại khỏi cuộc chơi trong ngành F&B (ngành dịch vụ thực phẩm), ai mạnh và vượt qua được khó khăn đến từ reviewer thì sẽ tồn tại được lâu dài".