Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu "câu view" mặc kệ tù tội hay cái chết

Dĩ An

(Dân trí) - Bất chấp thực tế từng có người mất mạng khi tham gia trào lưu này, nhiều bạn trẻ vẫn trốn bảo vệ, leo lên các tòa nhà chọc trời với mong muốn trở nên nổi tiếng.

Vitaliy Raskalov (30 tuổi, Ukraine) nổi tiếng với nghề thám hiểm đô thị. Anh đã leo lên các công trình kiến trúc nổi tiếng như cầu Manhattan, tượng Chúa Cứu Thế, tháp Lotte World ở Hàn Quốc, thậm chí Đại kim tự tháp Giza.

Năm 2014, Raskalov cùng người bạn đồng hành Vadim Makhorov đã leo lên tháp Thượng Hải (Trung Quốc) và phải đợi trong 18 giờ ở độ cao hơn 600m trước khi xuống mặt đất.

Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu câu view mặc kệ tù tội hay cái chết - 1
Những người leo lên các tòa nhà chọc trời thường sợ vào tù hơn là bị tai nạn. (Ảnh: CNN).

Raskalov chỉ là một trong số ít những người dấn thân vào con đường đối mặt với tử thần này. Việc leo trèo bất hợp pháp vào các công trình có thể mang lại cho họ danh tiếng, tiền bạc.

Tuy nhiên, hành động này cũng phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống người khác, chưa kể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, họ luôn được đưa vào tầm ngắm của cảnh sát.

Alejandro De La Torre (16 tuổi) cùng 4 người bạn bị bắt gần đây khi đang leo lên đỉnh cầu Williamsburg (New York, Mỹ) chỉ là số ít trong danh sách những người thích chinh phục chốn nguy hiểm trong một thập kỷ qua, New York Post nhận định.

Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu câu view mặc kệ tù tội hay cái chết - 2

Alejandro De La Torre bị bắt khi đang leo lên đỉnh cầu Williamsburg cùng những người bạn của mình hôm 8/4. (Ảnh: New York Post).

Vào năm 2014, Justin Casquejo nhân lúc bảo vệ đang ngủ, trèo lên mái nhà của One World Trade (Mỹ) vào lúc nửa đêm. Tòa án Manhattan phán quyết Casquejo không phải ngồi tù nhưng phải chịu nhiều tội khác.

Hai kẻ liều lĩnh khác đã bị buộc tội gây nguy hiểm khi leo lên các tòa nhà ở Manhattan vào năm 2016. Cả hai đều đăng tải hành trình leo trèo bất hợp pháp của mình trên mạng xã hội.

James McNally ở Brooklyn (New York, Mỹ) đã bị bắt vào ngày 20/3/2016 vì leo lên tòa nhà cao 66 tầng ở số 70 Pine Street. Trước đó, anh cũng từng bị bắt sau khi leo lên đỉnh tòa nhà 75 tầng.

Trên đây chỉ là số ít trường hợp được công khai.

Lao thẳng đến cái chết còn hơn vào tù

Chụp những bức ảnh trong tư thế treo lơ lửng ở vị trí bấp bênh, Raskalov cơ bản đã có "chiến tích" để đăng lên trang cá nhân.

Tương tự, Adam Lockwood (22 tuổi) cũng từng gây chú ý với bức ảnh selfie ở độ cao hơn 300m và vẫy tay chào đôi vợ chồng sống trong căn hộ.

Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu câu view mặc kệ tù tội hay cái chết - 3
Nhà thám hiểm đô thị Vitaliy Raskalov. (Ảnh: Telegraph).

Lockwood từng bị cấm trong 3 năm đối với việc trèo lên các tòa nhà hoặc đi vào các công trường xây dựng ở Anh và xứ Wales. Sau đó, anh nhận án treo 2 năm vì vi phạm lệnh. Luật sư của anh cho rằng, mọi thứ được thúc đẩy bởi sự nổi tiếng trên Internet, theo Telegraph.

"Tất cả những gì anh ấy làm là để tập trung vào lượt truy cập YouTube", vị luật sư này nói.

Daniel Cheong - một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về cảnh quan thành phố sống ở Dubai, UAE (nơi có nhiều tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới) - từng nói với New York Times: "Những người leo lên nóc nhà có nhiều sở thích khác nhau. Một số người làm việc đó với mục đích thuần túy là chụp ảnh cảnh quan thành phố. Trong khi đó, một số lại muốn có thứ mang đến cảm giác hồi hộp để đăng lên Instagram và YouTube".

Raskalov bắt đầu khám phá các tòa nhà khi còn là thiếu niên. Ban đầu, mọi thứ anh làm thiên về nhiếp ảnh. Bây giờ, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để tránh an ninh, vào những nơi rất khó khăn.

Raskalov nói: "Nó giống như một trò chơi. Bạn cần phải thông minh. Tôi có cảm giác như một kẻ ngoài vòng pháp luật. Việc không phá khóa, không bị lực lượng an ninh hay cảnh sát nhìn thấy luôn là một thách thức".

Một quy tắc chung trong cộng đồng mạo hiểm này là không được phá ổ khóa. Bởi nếu bị bắt, người thực hiện dễ bị buộc tội. Khi Raskalov nói "chúng tôi luôn cố gắng chơi mọi thứ an toàn", anh có ý tránh rắc rối pháp lý hơn là tai nạn.

Thông thường, các "nhà thám hiểm" công bố ảnh và đoạn phim của họ hàng tháng, thậm chí hàng năm, sau khi thực hiện thử thách. Bởi nếu đăng ảnh ngay lập tức, họ có thể bị buộc tội.

Raskalov lo lắng về việc vào tù hơn là "lao thẳng vào cái chết". Bởi anh đã vào tù vài lần trong thời gian ngắn và thực sự không thích điều đó.

Sự ham muốn nổi tiếng làm "biến tướng" ý nghĩa ban đầu

Tiến sĩ Bradley Garrett - nhà địa lý xã hội và văn hóa tại Đại học Dublin, Ireland - nói với Telegraph rằng, xu hướng khám phá đô thị đã có nhiều thay đổi.

10 năm trước, khám phá đô thị chủ yếu là về các tòa nhà bỏ hoang. Hiện tại, rooftopping (leo nóc nhà) "chiếm lĩnh" bởi nó mang đến sự căng thẳng ngoạn mục.

Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu câu view mặc kệ tù tội hay cái chết - 4
Bức ảnh của Bradley Garrett về quang cảnh nhìn từ Legacy Tower, Illinois, Mỹ. (Ảnh: Bradley Garrett).

Khi trèo lên chiếc cần trục, họ thu về những bức ảnh lơ lửng trong không gian hay thành phố trông giống một bảng mạch. Những hình ảnh đó thường gây tò mò cho người xem. Theo vị tiến sĩ này, khía cạnh truyền thông xã hội của hoạt động khám phá đô thị cũng khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn.

"Mọi thứ đã phát triển song song với Instagram, hướng tới những hình ảnh ngoạn mục. Nó chủ yếu tập trung vào cá nhân và những gì họ đang làm trong không gian đó. Đã có nhiều cái chết hơn trong những năm gần đây", Garrett nêu quan điểm.

Sức hấp dẫn không chỉ dừng lại ở việc trở thành ngôi sao nổi tiếng trên mạng xã hội. Nó còn là phần thưởng tài chính - doanh thu YouTube, tài trợ hoặc NFT (một loại tài sản ảo) như Vitaliy Raskalov nói. Đó là sự thay đổi đáng kể so với cách mọi thứ diễn ra khi Bradley Garrett lần đầu tiên tham gia khám phá đô thị.

Một trong những người khởi xướng xu hướng leo tòa nhà chọc trời là Alain Robert (61 tuổi). Ông được biết đến với biệt danh "Người nhện Pháp" nhờ những màn leo trèo nổi tiếng.

Ông là vận động viên leo núi đá tự do vào những năm 1980. Lần đầu ông leo lên các tòa nhà là để phục vụ cho loạt phim tài liệu.

Leo nóc tòa nhà chọc trời - trào lưu câu view mặc kệ tù tội hay cái chết - 5
Alain Robert leo lên một tòa nhà chọc trời ở Paris. (Ảnh: AFP).

Ông kể lần leo khó khăn nhất là tháp Willis ở Chicago vào năm 1999. Thời điểm đó, đây là tòa nhà cao nhất thế giới. Tòa tháp thẳng đứng buộc ông phải leo liền mạch, không thể nghỉ ngơi. Ông mất 90 phút để trèo lên.

Robert mô tả chiến tích của mình giống như bộ phim hành động ngoài đời thực. Điểm đặc biệt là ông không mấy ấn tượng với những hành động mạo hiểm giống giới trẻ ngày nay thường làm để "câu view".

Ông tỏ ra khó chịu khi nhắc đến thế hệ trẻ: "Những người thích cảm giác mạnh mang theo GoPro đã khiến các quy định trở nên nghiêm khắc hơn".

Đối với cảnh sát, việc ngăn chặn những người chinh phục nóc nhà là nhiệm vụ khó khăn. Nhiều người cố tình che giấu danh tính của họ.

Người phát ngôn của thành phố London (Anh) từng nói với Sky News: "Rõ ràng những người cố tình leo trèo trên các tòa nhà đang cố thể hiện bản thân, mang đến sự hồi hộp. Họ đang coi thường an ninh. Họ tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm chỉ để chụp ảnh selfie và cũng đang khiến những người khác gặp nguy hiểm. Điều đó là vô trách nhiệm và phạm pháp".

Đến nay, chưa có thống kê cụ thể về số người chết khi tham gia bộ môn mạo hiểm này. Tuy nhiên, việc "tử thần" tìm đến thật không phải chưa từng xảy ra.

Cái chết của rooftopper (những người leo tòa nhà chọc trời) Wu Yongning vào năm 2017 là một minh chứng cho mức độ nguy hiểm của xu hướng này.

Khi đó, tờ New York Times nhận định: "Sự việc như một lời cảnh cáo dành cho những kẻ liều lĩnh đầy tham vọng leo lên các tòa nhà chọc trời trên khắp thế giới và chụp ảnh selfie từ New York (Mỹ), Dubai (UAE)".

Tại Trung Quốc, cái chết của Wu đã buộc các phương tiện truyền thông phải chính thức lên tiếng cảnh báo về những pha nguy hiểm.

"Bằng cách leo lên các tòa nhà cao tầng mà không có bất kỳ biện pháp an toàn nào, Wu đã tự đặt mình vào nguy hiểm và đẩy bản thân đến giới hạn. Điều đó không có nghĩa những gì anh ấy làm là một môn thể thao", một báo cáo được chia sẻ trên China Daily.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm