Lan Phương: Con thuyền ngược dòng tìm về với hội họa
(Dân trí) - “Vẽ là một cảm giác tội lỗi của chính bản thân. Nhưng chỉ có vẽ mới đưa tôi trở về với bản ngã. Chỉ có vẽ mới là sự lựa chọn của chính tôi. Một lựa chọn không vì tiền tài hay hoàn cảnh”.
Lan Phương thừa nhận vẽ để khỏa lấp những trống rỗng, để tạo ra một thế giới riêng. Tranh của Lan Phương luôn như thế, mãi như thế… Là sự tìm tòi diễn đạt những vòng tròn giống và khác nhau của sự sống, những câu chuyện của từng gương mặt thoáng qua và sự lưu lại bất diệt của nó trong một ký ức tự nhiên.
Hành trình 12 năm đến với hội họa “không thầy không lớp”
Chất nghệ thuật thấm đẫm trong con người Lan Phương từ nhỏ. Năm 6 tuổi, chị đã học mandoline, có 3 năm học ở Nhạc viện TP. HCM và 2 năm học đàn tranh. Sau khi tốt nghiệp MBA, chị lao vào công việc suốt 2 năm liền. Kiệt sức. Trống rỗng. Khát khao trỗi dậy. Chị muốn giải thoát. Chị đã tìm đến với hội họa.
Suốt 12 năm trời tự mình học vẽ tranh màu nước, quãng đường mà chị thừa nhận “rất khó, rất khổ và rất cô đơn”. Những năm đầu chị học qua sách và Internet. Một cuốn sách có khi mấy triệu đồng, bằng cả tháng lương khi đó. Vậy là, trong khi người ta mua phấn, son, quần áo... chị dành dụm để mua cọ, màu vẽ, giấy vẽ... Học từng chút một, bắt đầu từ cách tô cọ, cách pha màu... Không những thế, chị còn phải tự mình vượt qua những áp lực từ người thân, nghi ngờ, dèm pha của mọi người…
Tôi hỏi, sao chị phải chọn con đường chông gai đến thế để tới với hội họa?
Chị trả lời: “Vẽ là một cảm giác tội lỗi của chính bản thân. Suốt 12 năm, mình luôn dằn vặt. Sợ có lỗi với bố mẹ, với công việc, gia đình. Nên mình tự giới hạn bản thân không được đến một lớp vẽ nào cả. Có khi cuối tuần cả nhà ngủ hết rồi mới dám sống cho chính mình, mải miết vẽ đến 3 giờ sáng. Mọi người đều nghĩ vẽ là năng khiếu, mà không biết đó là một con đường học tập rèn luyện gian khổ thế nào”.
Cuộc dạo chơi với ánh sáng và màu nước
Ngắm tranh của Lan Phương, người ta thường ấn tượng nhất với cách chị điều khiển ánh sáng vô cùng điêu luyện. Như thể chị cảm nhận được hết những mong manh bất tận của hội họa và ghi chúng tại trong hình hài hư hư thực thực.
Mỗi bức tranh ngỡ là một cuộc dạo chơi phóng khoáng nhưng lại rất có tính toán về cả màu sắc và cách sắp đặt. Nó đem đến chiều sâu ẩn chứa nhiều ý vị và giàu sức gợi.
Tôi tò mò không biết Lan Phương vẽ tranh như thế nào? Chị chẳng chút giấu diếm: “Bí quyết nằm ở giấy vẽ và màu sắc. Sau 12 năm tự bươn, chị tìm ra cách xịt nước vào giấy rồi để khô giúp tranh đậm hơn.
Về chọn màu, vẫn trên nền tảng vòng tuần sắc, Lan Phương dùng một thuật toán ngẫu nhiên của mình trong... hàm excel để phối. Mỗi lần chị chọn một thuật toán khác nhau, cho ra các tổ hợp màu ngẫu nhiên. Bằng cách pha màu ngẫu hứng và... tưng tửng ấy, không ít lần Lan Phương cũng phải bỏ tranh trong tiếc nuối. Bù lại, sự độc đáo khi thành công thỏa mãn được tâm hồn chị. Tôi đùa chị: “Có lẽ, ở Việt Nam này, cũng chỉ có Lan Phương mới dám phối màu kiểu này mà thôi!”
Tìm về với bản ngã: “Là tôi - Phạm Thị Lan Phương”
Một bản nhạc được cất lên bởi ba nhạc khí khác nhau được gọi là khúc tam tấu. Vì là dân học nhạc từ nhỏ nên tranh của Lan Phương ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những chất liệu ấy. Chị gọi những bộ tranh của mình cũng là những khúc tam tấu như thế, nhưng lần này, thanh âm được cất lên, hòa quyện bằng màu sắc, đường nét và ánh sáng. Chất nhạc như là cốt cách của Lan Phương rồi.
Lan Phương vẽ tranh luôn phải có câu chuyện, có nhân tình thế thái ở trong thì chị mới đặt cọ. Bởi vậy, một gốc cây xù xì tỏa bóng mát dịu dàng khiến chị nghĩ tới người cha; một ánh đèn xi nhan cũng ẩn chứa câu chuyện cảm động về anh trai; những núi non, sông hồ phóng khoáng như tâm hồn chị khát khao bứt ra khỏi những bí bách từ ô cửa sổ của căn chung cư giữa Sài Gòn; cho đến đường nét tráng lệ và lạnh lẽo của những tòa nhà đô thị được chị đan xen tầng lớp, làm nên một nỗi buồn đầy chất thơ, chất nhạc…
Lan Phương nhìn cuộc sống xung quanh, đi hút vào những tầng ý nghĩa của cuộc sống để rồi thể hiện nó trên trang giấy của mình trong cái “xưởng vẽ” bé xíu của riêng chị.
Tôi hỏi chị, chị có muốn gọi mình như một “người đàn bà vẽ” hay bất cứ một định danh nào khác không, chị chỉ trả lời thật giản dị: “Tên đầy đủ của mình là Phạm Thị Lan Phương, một cái tên đậm đà tuổi 7x, thì cứ để vậy đi cho nó già già, quê quê”.
Đến đây, tôi bỗng giật mình, Lan Phương vốn có cần một định danh nào, những gì chị làm đã định nghĩa đầy đủ cho con người ấy rồi.
Cái chất Lan Phương, theo tôi không phải một khái niệm để ta gọi tên. Đó là một ý niệm ta chỉ có thể cảm nhận, hiểu, để cùng phiêu lãng, để đồng điệu, để cùng sống mà thôi.