Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Bị công ty đuổi việc với lý do "thái độ làm việc không chuyên nghiệp", cô gái trẻ tìm hiểu về Luật Lao động, chuẩn bị giấy tờ để kiện công ty cũ và được bồi thường 2 tháng tiền lương.

Câu chuyện đã diễn ra cách đây 8 năm, nhưng gần đây, khi đọc được tâm sự của một bạn trẻ về trải nghiệm đi làm không mấy vui vẻ và có khả năng bị doanh nghiệp "quỵt" lương trên Facebook, Cổ Tuyết Mai (32 tuổi) nhìn thấy hình ảnh của mình đâu đó trong câu chuyện này.

"Hóa ra dù bao nhiêu năm qua đi, mọi người đều trải qua những việc thế này mà không biết tìm trợ giúp ở đâu, chỉ thấy chênh vênh, lo sợ", Mai nói.

Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật - 1
Nhiều lao động trẻ chần chừ trong việc giải quyết tranh chấp lao động với công ty thông qua pháp luật (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo sự quan sát của Mai, phần lớn giới trẻ khi mới ra trường hầu như không có kiến thức về Luật Lao động.

"Thông thường, mọi người có tâm lý lo sợ nhiều hơn: Sợ phiền, sợ tốn thời gian, sợ đụng chạm đến một "thế lực" nào khác, sợ bị đánh giá và sợ ánh mắt e dè của các nhà tuyển dụng… mà quên mất rằng bản thân xứng đáng được công ty tôn trọng và đối xử tử tế", Mai chia sẻ.

Vậy là sau 8 năm, Mai quyết định kể lại câu chuyện của mình tới mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ để họ có thể biết đến nhiều hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong lao động.

Tự tìm hiểu về Luật Lao động trên mạng

Sau một sự cố tại công ty, Mai bất ngờ bị sa thải vì lý do có thái độ làm việc không chuyên nghiệp bởi một người tự nhận thay mặt chủ đầu tư. Trong khi đó, Mai không thấy văn bản nào thông báo với toàn thể nhân viên về việc nhân vật này là đại diện chủ đầu tư.

Không chấp nhận im lặng để chịu thiệt thòi oan uổng, Mai quyết định tìm hiểu về Luật Lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật - 2
Cổ Tuyết Mai, 32 tuổi, chia sẻ câu chuyện giải quyết tranh chấp lao động với công ty cũ cách đây 8 năm sau khi bị sa thải vì lý do có thái độ làm việc không chuyên nghiệp (Ảnh: NVCC).

Sau khi bị cho thôi việc, trong mơ hồ Mai bức xúc và ấm ức. Trong khi mọi người đang đi làm, cô ở nhà "lang thang" tìm kiếm những trường hợp giống với mình trên internet để tìm ra hướng đi tiếp theo. Lúc này, cô vô tình tìm thấy một diễn đàn chuyên tư vấn, chia sẻ về các bộ luật, bao gồm cả Luật Lao động.

Sau khi tự mình tìm hiểu cùng với việc nhận được tư vấn từ luật sư bằng cách mua tài khoản thành viên trên một diễn đàn về pháp luật, Mai biết được việc công ty cho cô nghỉ việc là trái với quy định của pháp luật.

Công ty đã không thực hiện ký bất kỳ thỏa thuận nào với Mai về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước kỳ hạn. Nói cách khác, công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cô. Trong sự cố, một phần nguyên nhân dẫn đến việc Mai bị sa thải, cô không hề gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào cho công ty, đồng thời cũng tự giác trao đổi về sự việc với công ty trong cuộc họp.

Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật - 3
Biên bản hòa giải vụ tranh chấp lao động cách đây 8 năm giữa Mai và công ty cũ (Ảnh: NVCC).

Được bồi thường 2 tháng lương theo đúng luật sau 2 lần hòa giải

Sau đó, Mai tự chuẩn bị giấy tờ lên Ủy ban Nhân dân quận để thực hiện hồ sơ xin hòa giải, một bước trong quy trình giải quyết tranh chấp lao động.

"Ở lần hẹn hòa giải đầu tiên, phía công ty không tới. Đến lần hẹn thứ hai, họ liên hệ với tôi để hẹn gặp trao đổi trực tiếp nhưng tôi từ chối vì tôi muốn gặp họ tại cơ quan chính quyền để có bên thứ ba (đại diện pháp luật) chứng kiến câu chuyện", Mai kể lại.

Cuối cùng, Mai và công ty cũ đã thực hiện hòa giải thành công tại lần gặp mặt thứ hai. Ban đầu, cô yêu cầu công ty bồi thường 3 tháng tiền lương, nhưng sau quá trình hòa giải và thỏa thuận giữa hai bên, cô nhận được số tiền bồi thường là 2 tháng tiền lương theo đúng luật.

Mai cũng chia sẻ thêm, ngoài chi phí gần 500.000 Việt Nam đồng cô dành ra để xin tư vấn của luật sư trên một diễn đàn về pháp luật, cô không phải bỏ ra thêm bất kỳ một chi phí nào khác.

Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật - 4
Mỗi vụ tranh chấp sẽ có một mức bồi thường khác nhau (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Sau sự kiện này, ngoài việc giải tỏa được tâm trạng bức xúc, bài học lớn nhất mà cô nhận được là vai trò kiến thức về pháp luật cũng như tầm quan trọng của "giấy trắng mực đen".

"Bất kể làm công việc gì, ngoài năng lực làm việc, mình còn phải có kỹ năng mềm, có hiểu biết về luật để biết quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động", Mai tự đúc kết ra bài học cho mình.

Không sợ bị ảnh hưởng đến công việc trong tương lai sau khi dùng pháp luật để giải quyết tranh chấp với công ty cũ

Khi đối diện với vụ việc, Mai hoàn toàn tự tin về quyết định của mình khi doanh nghiệp làm sai quy định, làm sai pháp luật, đồng thời cô cũng không mắc lỗi trong công việc cũng như trong tình huống phát sinh.

Tranh chấp lao động, cô gái trẻ đòi được 2 tháng lương nhờ tự tìm hiểu luật - 5

Ứng viên khi tham gia một buổi tuyển dụng (Ảnh minh họa: iStock).

Đó cũng là lý do vì sao Mai hoàn toàn không lo sự việc này có thể gây ảnh hưởng đến việc ứng tuyển tại những doanh nghiệp khác trong tương lai.

"Nếu có doanh nghiệp vì việc tôi từng giải quyết tranh chấp lao động với công ty cũ mà mang ấn tượng xấu, không tuyển dụng tôi thì đó là quyết định của họ. Ngoài kia không thiếu công ty, tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, đãi ngộ tốt hơn để tôi lựa chọn", Mai bày tỏ quan điểm.