Làm sao để bỏ thói quen trút nỗi lo lắng của mình lên người khác?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Tôi là người rất hay lo lắng và buồn phiền. Trong thời gian dài, tôi thường tìm bạn thân để trút bầu tâm sự. Dần dần, tôi nhận ra, tôi chỉ khiến mọi người cũng rơi vào lo lắng", cô gái chia sẻ.

Một cô gái tên là Marie, 25 tuổi, người Anh, tâm sự: "Tôi là một người sống trong nỗi lo lắng, băn khoăn thường trực và tôi thường uống thuốc, tập thiền để kiểm soát cảm xúc. Tuy nhiên, thói quen lớn nhất của tôi là chia sẻ những lo lắng của mình với người khác.

Lúc đầu, tôi nghĩ thật tốt khi nói ra những điều này nhưng sau đó, sau một cuộc trò chuyện trong tâm trạng hoảng loạn với người bạn thân của tôi, người cũng đang bị căng thẳng, tôi nhận ra rằng mình đã quá quen với việc trút nỗi lo của mình lên người khác.

Tôi cảm thấy thật tồi tệ khi trút gánh nặng lên bạn bè, người thân và tôi muốn xin lời khuyên để từ bỏ thói quen này".

Làm sao để bỏ thói quen trút nỗi lo lắng của mình lên người khác? - 1

Nhiều người thường tìm bạn bè để trút bầu tâm sự (Ảnh minh họa: Business Insider).

Tiến sĩ Sheri Jacobson, nhà trị liệu tâm lý với hơn 17 năm kinh nghiệm, làm việc tại phòng trị liệu ở Anh, chia sẻ: "Thật tốt khi bạn tự nhận thức được rằng, thói quen này của bạn là không hợp lý.  

Trước khi nói về những nhược điểm của việc trút bỏ gánh nặng lên người khác, tôi muốn nói rằng, tình bạn tốt bao gồm sự sẻ chia. Vì vậy, bạn không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn thói quen chia sẻ với người khác và không nên nhìn nhận nó một cách quá mức tiêu cực.

Tuy nhiên, về cơ bản, nếu bạn luôn tìm bạn bè, người thân để chia sẻ về những nỗi buồn, bạn có khả năng đang tạo gánh nặng cho người khác.

Ví dụ: Nếu bạn nghe về những vấn đề tiêu cực suốt cả ngày thì rất có thể điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Bạn sẽ cần rất nhiều sự tích cực khác để cân bằng điều đó.  

Người khác cũng có thể cảm thấy bực bội nếu không có cách giải quyết, đặc biệt là với những suy nghĩ/tình huống cứ lặp đi lặp lại mà không có gì tiến triển hay mới mẻ.

Cũng có thể có cái mà chúng ta gọi là sự mệt mỏi của lòng trắc ẩn, khi bạn liên tục dành sự cảm thông và đồng cảm với ai đó, đến một lúc nào đó, cảm xúc nhân từ đó trở nên cạn kiệt. 

Thật tốt khi bạn nhận ra rằng bạn muốn thay đổi thói quen này bởi những thói quen có thể mang đến một số mặt trái. Đó là lý do tại sao việc đảo ngược bất kỳ thói quen nào cũng cần khá nhiều nỗ lực.

Một người bình thường sẽ mất khoảng hai tuần để phá vỡ thói quen. Vì vậy trong hai tuần, bạn hãy cố gắng không gặp bất kỳ ai mà bạn thường gặp để chia sẻ lo lắng, trút bầu tâm sự.

Ban đầu, điều đó có thể sẽ khiến bạn không thoải mái nhưng thay vào việc gặp bạn bè để than phiền, bạn hãy thực hiện một số hình thức thay thế lành mạnh như đọc sách, tập thể dục, đi dạo, xem phim... Hãy chọn những hình thức thư giãn khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể.

Tiếp sau đó, bạn hãy tiếp tục với những sự thay đổi dần dần. Bạn có thể viết ra giấy các vấn đề mà mình gặp phải và sau đó lên kế hoạch giải quyết từng vấn đề một. Hoặc bạn có thể đánh giá xem, những lo lắng của mình có tới mức phải gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ trị liệu hay không. 

Bạn hãy thay đổi từng chút một và ban đầu, bạn sẽ cảm thấy khó khăn bởi bạn duy trì thói quen "than vãn với người khác" đã lâu. Tuy nhiên, với những điều chỉnh nhỏ mỗi ngày, bạn sẽ dần ổn hơn và sau một thời gian, tinh thần của bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Bạn sẽ không còn mong ngóng gặp bạn bè chỉ để "trút nỗi buồn" nữa.

Theo Refinery

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm