Kỳ nghỉ và những điều không thể lãng quên

(Dân trí) - Say sưa và hào hứng tận hưởng những chuyến đi, hay những vui thú bên bạn bè mà ta quên đi những điều ý nghĩa, vừa lớn lao, vừa bình dị trong kỳ nghỉ lễ này.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến dịp 30/4 - 1/5, để kỷ niệm bước ngoặt lớn trong lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng đất nước) và Quốc tế Lao động, các trường học trên cả nước đều dành ra một số ngày nghỉ.

 

Nhưng đến hôm nay, ta bất giác giật mình, tất cả dường như chỉ còn là thói quen. Thói quen được nghỉ học dịp lễ, thói quen treo cờ... Lâu lắm rồi ta chưa hồi tưởng chính xác và sâu sắc về mốc thời gian có ý nghĩa trọng đại của dân tộc này.

 

Ta quên mất rằng, được nghỉ không phải để vui chơi, mà là có thêm thời gian tham gia vào lễ kỷ niệm lịch sử của dân tộc, để thấu hiểu, tri ân và tự hào đối với quá khứ hào hùng của cha ông. Quên mất việc dõi theo, nhớ lại và hồi tưởng theo những nhịp thời gian,  hình ảnh và sự kiện trên từng trang lịch sử, trên các kênh thông tin, truyền thông.

 

Tưởng mới ngày hôm qua, mà đối với thế hệ trẻ, dường như đã cách biệt tự thuở nào. Với biết bao chiến công hiển hách cùng sự hy sinh lớn lao của cha ông quả thực có chút hoảng hốt, thấy mình sao vô tình...
 
Mải vui bên bạn bè, ta đã dành đủ thời gian cho gia đình, người yêu thương?

Mải vui bên bạn bè, ta đã dành đủ thời gian cho gia đình, người yêu thương?

 

Lao mình tìm kiếm niềm vui, sự hứng khởi trong những kế hoạch đi xa, vui thú nơi phồn hoa, ta lãng quên gia đình, ít dành thời gian bên cạnh những người yêu thương.

 

Cha mẹ mong biết mấy ngày con trở về, quây quần bên mâm cơm chiều nhỏ bé, ấm áp. Ánh mắt, giọng nói cũng đầy nhớ nhung xen lẫn lo lắng của Người khi vô tình nghe kế hoạch chơi xa và mạo hiểm của con.

 

Ấm áp và tự hào biết bao khi được ngồi yên lặng, lắng nghe ông nội kể về một thời khí phách, oai hùng của lịch sử, những chiến tích huy hoàng, cùng với những hy sinh đổi lại nền tự do, độc lập cho dân tộc.

 

Nhớ ngày còn bé, đọc nhiều bài văn của bạn bè có người thân đi bộ đội trở về sau chiến tranh, sao mà ngưỡng mộ đến thế. Đứa trẻ thơ dạt dào cảm xúc, nước mắt rưng rưng khi lắng nghe những câu chuyện thương cảmvề một thời máu lửa, bom đạn ấy.

 

Ta cũng vô tâm, có phần ích kỷ khi thoải mái vui chơi, tận hưởng mà quên mất những con người đang thầm lặng, miệt mài làm việc. Đó là những thầy cô thức khuya bên giáo án, chuẩn bị cho ta những đề cương giúp cho kỳ thi thêm tốt đẹp.

 

Là những người bạn đang phải tất bật, vất vả kiếm tiền, bơ phờ vì mệt mỏi để đỡ đần bố mẹ. Là những người góp sức cho những chương trình ta thờ ơ theo dõi...

 

Và cũng có khi vùi trong giấc ngủ, tìm niềm vui trong những trò chơi vô bổ, ta lại quên đến việc giúp đỡ những con người khó khăn, tham gia vào các hoạt động cộng đồng.

 

Có đôi khi ta quên mất rằng, bỏ chút thời gian, làm vài điều nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa trong những ngày nghỉ dài lại khiến cuộc sống được đủ đầy, trọn vẹn. Như một cách nhớ đến quá khứ, trân trọng hiện tại và tương lai, để ta thực sự vươn dậy và trưởng thành.

 

Hoàng Dung