KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách

(Dân trí) - Tối 9/12, các bạn trẻ có một đêm chất ngất âm hưởng nghệ thuật ca trù tại nhà văn hóa ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội khi tham dự chương trình giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật ca trù.

KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 1
Đông đảo bạn trẻ tham dự chương trình giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật ca trù tại nhà văn hóa KTX Mễ Trì tối 9/12.

Cả nhà văn hóa như hòa trong tiếng bổng trầm, đục trong, cao thấp giữ nhịp của phách con phách cái lẫn tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, lúc chân phương khi dìu dặt của cây đàn đáy, tiếng trống chầu xen điểm và tiếng ca điêu luyện của đào nương...

Các nghệ sĩ Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã đưa các bạn trẻ sinh viên đến với những nét độc đáo về kỹ thuật thanh nhạc, các quy chế phường hội, nghi thức đậm chất văn hóa Việt… của bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời mang tính bác học này.     

Khán giả có cơ hội thị lãm sự uyển chuyển, nhịp nhàng như múa trên tơ đàn của kép đàn Phạm Đình Hoằng, ca nương Phạm Thị Huệ cùng các nhạc công khác, rồi tay gõ phách mềm mại của ca nương Vũ Thùy Linh, Như Mai, Lê Nhật… Khán giả cũng được nghe các ca nương trẻ thể hiện một số làn điệu khó của ca trù như: ca nương Thùy Chi với “Làn điệu tổng hợp 36 giọng”; đào nhí 10 tuổi Huệ Phương với làn điệu hát nói “Anh giả điếc”…

KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 2
Ca nương Vũ Thùy Linh- Phạm Thị Huệ giới thiệu về nghệ thuật ca trù.
 
KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 3
Ca nương trẻ Thùy Chi hát làn điệu tổng hợp: 36 giọng.
 
KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 4
Đào nhí Huệ Phương (bìa trái) trình bày làn điệu hát nói “Anh giả điếc”, kép đàn Phạm Thị Huệ.

Đặc biệt, hội trường được thưởng thức chất giọng rền vang, rắn riỏi, nền nảy, với những nhấn nhá, nhả chữ chuẩn mực của nghệ nhân 79 tuổi Nguyễn Thị Chúc, qua bài ca cổ “Tỳ bà hành” (bản Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị).

KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 5
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc (bìa trái) thể hiện khúc ca cổ “Tỳ bà hành” (bên trái).

Ấn tượng trước chất giọng có “màu” và tài đàn, phách của “người đàn bà của sênh, phách” - Nguyễn Thị Huệ khi trình bày làn điệu “Thét nhạc”; “Chiều phủ Tây hồ” (sáng tác của Phú Quang) theo phong cách ca trù, khán giả còn được chứng kiến sự gắn kết đa dạng, tinh tế, nhuần nhị giữa thi ca, âm nhạc và múa trong tiết mục “Múa hát bỏ bộ” - một điệu múa cổ được các nghệ sĩ CLB Ca trù Thăng Long phục dựng.

KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 6
Trình bày nhạc phẩm “Chiều phủ Tây hồ” của Phú Quang theo phong cách ca trù.
 
KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 7
Tiết mục “Múa hát bỏ bộ” được nhóm ca nương trẻ biểu diễn.

Vì là loại hình nghệ thuật âm nhạc thính phòng nên ca trù có sự kén chọn không gian trình diễn, độ lắng trong không khí thưởng thức. Nhưng đêm nghệ thuật ca trù tại nhà văn hóa KTX Mễ Trì đã không thiếu những phút sôi nổi, hào hứng. Các bạn trẻ cũng như những bậc trung niên đều rất nhiệt tình học hát “Đào Hồng Đào Tuyết” theo đào nương Thùy Chi, học cách ném thẻ trong ca trù và đánh trống chầu với quan viên Phi Chân…

KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 8
Các nghệ sĩ dạy trống chầu cho các khán giả.
 
KTX Mễ Trì vang nhịp sênh phách - 9
Bạn trẻ say sưa nghe hát.

Đêm Giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật ca trù khép lại trong niềm hân hoan của các khán giả có mặt trong hội trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh (trưởng ban Chính trị và Công tác HSSV, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét, chương trình có ý nghĩa không nhỏ trong việc rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên và loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, tinh tế này. Đó sẽ là cơ sở cần thiết cho việc bảo tồn, phát huy đối với ca trù - di sản văn hóa dân tộc vừa được UNESCO công nhận. Cô Việt Thanh cũng động viên các bạn trẻ đến với ca trù, tham gia lớp học miễn phí của CLB Ca trù Thăng Long vào thứ 6 hàng tuần ở đình Giảng Võ.

Bài và ảnh: Mai Xuân Tùng