Kinh doanh món ngon quê nhà trên facebook
Không cần đầu tư ban đầu quá lớn, chỉ cần một chuyến xe hay tàu gửi hàng từ quê vào thành phố, đăng ký một “fanpage” trên mạng xã hội Facebook, nhiều bạn trẻ đã có thể vừa kiếm tiền, vừa quảng bá đặc sản quê hương.
Bánh tráng xoài, mực rim me…
Lệ Viên (trường ĐH Nha Trang), khi vào TP. HCM thực tập đã nghĩ ra ý tưởng bán bánh tráng xoài. Khánh Hòa (quê Viên) là một trong những tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất cả nước. Sẵn năng khiếu viết lách, một lần, Viên hứng chí viết một bài tản văn về mùa xoài, gửi báo mạng và được đăng. Cô bạn dẫn đường link bài viết về trang cá nhân.
Những hình ảnh từ bánh tráng xoài, một sản phẩm từ xoài chín, khiến cho những bạn bè đồng hương Khánh Hòa cũng như các bạn ở vùng quê khác rất quan tâm. Nhiều bạn nhờ Viên mua giúp bánh tráng xoài từ Khánh Hòa do bà con của Viên trực tiếp làm.
Viên chia sẻ: “Ở các chợ Khánh Hòa đều có bán bánh tráng xoài. Tuy nhiên, nếu làm bánh không cẩn thận, bánh thành phẩm sẽ dính bụi, cát, ruồi nhặng mất vệ sinh. Chưa kể, nhiều nơi họ còn bỏ rất nhiều bột và hương liệu nên mất đi cái ngon của đặc sản.
Bánh tráng xoài nhà mình làm, mình biết quy trình, chất lượng nên rất tự tin để giới thiệu cho bạn bè. Mình chụp hình bánh đưa lên mạng, mọi người nhìn thấy thích là đặt ngay”.
Sau vài lần mua giúp bánh xoài cho bạn bè, cô nàng có máu kinh doanh chợt nghĩ: “Tại sao mình không làm đại lý bán bánh tráng xoài Cam Ranh tại Sài Gòn?”. Từ đó, trang cá nhân của cô bạn là nơi giới thiệu đặc sản và mọi người có thể đặt hàng.
Nhờ kinh doanh online, thông qua công cụ kết nối nhanh như mạng xã hội, Viên đã quảng bá đặc sản quê nhà cho nhiều người biết. Hết mùa xoài, Viên chuyển sang kinh doanh đặc sản khác của Khánh Hòa là tôm rim me, đóng hũ.
Đặc sản này vừa có thể ăn với cơm, vừa có thể làm đồ nhắm tuyệt hảo. Viên cười: “Dù bán online tôm rim me hay bánh tráng xoài, mình đều xác định lấy công làm lời bên cạnh việc học và việc thực tập ở công ty”.
Bơ ngon về phố
Nguyễn Thanh Duy, quê ở Ban Mê Thuột (Đắc Lắc), vùng đất vốn nổi tiếng với loại bơ trái to, dẻo thơm. Gia đình Duy là thương lái thu gom bơ tại vườn để bán lại các chợ. “Con nhà nghề” nên Duy dễ dàng nhận biết bơ ngon hay dở.
Về TP.HCM học đại học, mỗi lần ăn sinh tố bơ, Duy đều chú ý: “Không phải lúc nào cũng được ăn bơ ngon. Ở quê mình, có giống bơ sáp mà nếu ăn một lần thì ai cũng nhớ. Mình rất muốn kinh doanh quảng bá giống bơ ngon quê nhà”.
Trang Facebook của Thanh Duy tràn ngập hình ảnh về bơ và các cách phân loại bơ ngon, dở. Mỗi “mẻ bơ” về phố là một câu chuyện của Duy xoay quanh những kỷ niệm với vườn bơ. Các quán cà phê, sinh tố cũng như bạn bè trên mạng là khách hàng thường xuyên của Duy. Anh bạn tận dụng thời gian rảnh, chạy như con thoi quanh thành phố, giao hàng. Có khi, phải chạy hàng chục cây số chỉ để giao vài ký bơ.
Kinh doanh bơ có rủi ro cao. Bơ dễ bị dập trong quá trình vận chuyển, gom hàng. Nếu tiêu thụ không hết, bơ chín hư thì coi như lỗ. “Mặc dù mình là dân sành ăn bơ, tuy nhiên, không ai có thể biết hết tất cả sau lớp vỏ trái bơ. Xác suất quả hỏng vẫn có. Mình vẫn phải gọi điện hỏi thăm, chăm sóc khách hàng để giữ mối”, Duy chia sẻ.
Từ Bắc vô Nam…
Lê Thị Bích Hương (cựu sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) thì muốn tận dụng khả năng truyền thông của mình để kinh doanh online đặc sản Hà Nội tại thành phố phương Nam.
Hương nói: “Mình bán các loại ô mai mơ, sấu, khế từ năm thứ tư. Hàng bán rất chạy, tụi mình kiếm thu nhập khá. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng có một số điểm trừ như không chủ động được nguồn hàng. Có khi cháy hàng, cần gấp thì lại phụ thuộc vào đầu mối cung cấp hoặc tàu xe vận chuyển”.
Gần đây, hàng đặc sản Hà Nội xuất hiện nhiều ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP. HCM, do đó, kinh doanh của Bích Hương và nhóm bạn không được tốt như trước. Mặc dù nhiều khách mối vẫn hỏi mua sấu bao tử hay ô mai nhưng Hương đã chuyển sang kinh doanh một đặc sản miền Bắc khác.
Cô bạn cho biết: “Mình lấy chồng người Hải Phòng. Nhà chồng vào TP. HCM sống và làm nghề chả lụa truyền thống. Mình thấy ngon nên tận dụng thế mạnh của mạng và Facebook giúp gia đình.
Mạng thì ảo nhưng hiệu quả kinh doanh rất lợi hại. Khả năng kết nối rất nhanh, bán hàng chạy. Mình có thể cho khách thấy hình ảnh chân thực nhất về sản phẩm và dễ dàng chứng minh sản phẩm không hàn the, không gây hại sức khỏe.
Hơn hết, khi ăn xong, người ta có thể phản hồi ngay trên trang của mình. Nếu sản phẩm mình tốt, nhận phản hồi tốt thì uy tín thương hiệu tăng lên đáng kể”.
Quán ở hẻm nhưng mặt tiền trên… facebook
“Facebook là kênh tìm kiếm và tập hợp khách hàng số một của chúng tôi!”. Đó là nhận định của anh Phạm Viết Lộc (cựu sinh viên Công nghệ Thông tin, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM), người Quảng Trị, vào TP. HCM sinh sống.
Hội quán Quảng Trị của anh nằm trong con đường nhỏ quận Gò Vấp. Dân IT nên anh sớm nhìn thấy tiềm năng của Facebook trong việc quảng bá. Trên đó, anh cho khách hàng thấy thực phẩm còn tươi như chim còn bay, cá còn bơi… bằng những video clip.
“Ngoài công việc công ty, mình chăm chút Facebook để tập hợp anh em đồng hương Quảng Trị tại Sài Gòn. Quán thì giao cho anh em trong nhà quản lý. Dần dần, khách hàng trên mạng tìm tới đông.
Mình cố gắng gửi tàu xe, mang tất cả những món đặc thù nhất của Quảng Trị như chắt chắt (hến), cá det, cá diếc, cá hẻn, mít, cá gáy mùa lụt, dưa môn… để anh em xa quê có một không gian ấm cúng, ôn lại kỷ niệm, nhớ nồi cơm mạ nấu ở quê nhà ngày còn nhỏ. Quán thì nằm hẻm nhưng trên mạng, hội quán của mình xem như đang ở mặt tiền kinh doanh ngon lành”, Anh Lộc nói.
Theo Xuân Huy
Sinh viên Việt Nam