Kinh doanh đồ uống “hot”
Hầu như cứ mỗi một mùa Hè lại có một món đồ uống ”bỗng nổi như cồn”, trở thành trào lưu trong giới trẻ. Nhiều sinh viên đã tận dụng những “cơn sốt” này để kinh doanh chớp nhoáng, thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.
Rủ mẹ cùng kinh doanh
Mùa Hè năm 2016 là ”cơn sốt” trà sữa Thái Lan và đến năm nay, dù chỉ mới đầu Hè, giới trẻ đã gần như “phát cuồng” bởi một loại đồ uống rất mới mang tên: Sữa chua hoa quả đóng chai. Đặc trưng của loại đồ uống này là sữa chua được làm loãng hơn, trộn thêm các loại siro hoa quả, như xoài, cam, nho, dứa… rồi đóng thành từng chai nhỏ xinh.
Mặt hàng này đang được rao bán rần rần trên mạng xã hội, giá từ 20.000 – 30.000 đồng/chai, thu hút rất đông khách đặt mua. Nắm bắt được “cơn sốt”, thay vì chỉ đơn thuần tận hưởng loại đồ uống mới nổi, nhiều sinh viên năng động còn nghĩ “kế” để kinh doanh ”online”.
Nguyễn Kiều Trang (năm thứ ba, ngành Tài chính, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, khi mua một chai sữa chua hoa quả về uống, Trang lập tức nghĩ rằng, cơ hội kinh doanh của mình đã đến. Bởi loại đồ uống này không quá khó làm mà hương vị lại thơm ngon nên Trang đoán nó sẽ bùng nổ trong năm nay, nếu kinh doanh ngay từ đầu mùa Hè, thu nhập chắc chắn tốt.
Vậy là Trang bàn với mẹ kế hoạch kinh doanh sữa chua hoa quả. Mẹ Trang khéo tay, sẽ đảm nhận khâu “sản xuất”, còn Trang đóng vai trò “nhà đầu tư”,mua nguyên liệu, chai lọ, kiêm quảng cáo, bán và cả ”ship” hàng. Những ngày đầu, mẹ Trang chế biến thử nghiệm một vài mẻ sữa chua hoa quả dựa trên các công thức có trên mạng.
Trang làm “chuột bạch”, ăn thử những mẻ này và đưa ra các nhận định về chất lượng để mẹ gia giảm nguyên liệu, tìm ra công thức chế biến riêng. Đến khi chất lượng đã ổn, Trang bắt đầu đăng bán sữa chua hoa quả trên Facebook cá nhân, các ”fanpage” mua bán online, ”group” của trường đại học…
Dù mới bán được mấy ngày song tình hình kinh doanh rất khả quan, trung bình mỗi ngày Trang bán được khoảng 50 chai. Có ngày, số lượng khách đặt lên tới gần 100 chai nhưng mẹ Trang làm không xuể nên Trang chỉ có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu.
Ban đầu, qua tham khảo giá trên mạng, Trang định bán mỗi chai sữa chua hoa quả với giá 20.000 đồng. Nhưng vì muốn tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình nên Trang cho thêm thạch rau câu, hạt trân châu vào và bán với giá 25.000 đồng/chai. Trang thường tranh thủ ”ship” hàng cho khách vào khung giờ 11h – 13h, là giờ Trang chuẩn bị tới trường.
Những khách yêu cầu ”ship” hàng mà trùng giờ học thì Trang sẽ nhờ người thân hoặc thuê người giao thay. Không tiết lộ chính xác con số lợi nhuận, song Trang bảo, trừ chi phí, thu nhập từ việc kinh doanh này không hề nhỏ, nhất là với một sinh viên.
Kiều Trang.
Đây không phải là lần đầu tiên Trang kiếm tiền từ trào lưu đồ uống. Năm ngoái, khi nổi lên ”cơn sốt” trà sữa Thái Lan, trong 2 tháng đầu Hè, Trang đã cùng mẹ phối hợp “mẹ làm, con bán”. Với mức giá cạnh tranh chỉ 10.000 đồng/chai, hai mẹ con Trang bán được ít nhất 70 chai trà sữa/ngày, ngày cao điểm, thậm chí gần 200 chai cũng “hết veo”.
Việc kinh doanh trà sữa của Trang chỉ kết thúc khi lượng người bán mặt hàng này tăng lên nhanh chóng, khiến nhu cầu bị bão hòa, khách ít dần. Nhưng đến lúc ấy, Trang cũng đã “giắt túi” một khoản tiền khá lớn để chi tiêu sinh hoạt và đăng ký học thêm một khóa tiếng Anh.
Vừa thỏa đam mê, vừa kiếm được tiền
Cũng sớm biết nắm bắt trào lưu đồ uống để kiếm thêm thu nhập là Nguyễn Thị Ngọc Huyền (năm thứ hai, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội). Vốn yêu thích nấu nướng nên khi thấy mọi người “nháo nhào” vì sữa chua hoa quả, Huyền đã lên trên mạng tìm công thức, rồi mày mò tự làm.
Đã dày dạn kinh nghiệm trong việc ủ sữa chua, làm các loại đồ uống mùa Hè nên loại thức uống mới mẻ này không phải là trở ngại đối với Huyền. Lúc đầu, Huyền chỉ làm để mình và bạn bè thưởng thức nhưng rồi một số người bạn khen ngon nên Huyền quyết định kinh doanh ”online”.
Huyền chia sẻ: “Vì sữa chua này làm để uống nên sẽ lỏng hơn chứ không đặc như sữa chua thông thường. Do đó, công đoạn ủ cũng ít thời gian hơn, chỉ khoảng 7 – 8 tiếng. Mùi vị các loại hoa quả thì mua siro hòa vào, màu đỏ, xanh, vàng, tím của siro hoa quả sẽ nổi bật trên nền trắng của sữa chua nên trông rất bắt mắt”.
Ngọc Huyền.
Học ở trường vào tất cả các buổi sáng trong ngày, trừ Chủ Nhật, thời gian còn lại, Huyền bán hàng cho một cửa hàng quần áo ở Cầu Giấy và sinh hoạt luôn tại cửa hàng. Những lúc vắng khách, Huyền tranh thủ làm sữa chua hoa quả, rồi hôm sau, tiện đường đi học thì giao cho khách hoặc nhờ bạn bè giao hộ.
Khách của Huyền đa phần là bạn bè trong trường hoặc người quen biết. Vì thế, Huyền không quá chú trọng vào số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung bình, Huyền bán được 20 chai/ngày, với mức giá rất cạnh tranh, chỉ 20.000 đồng/chai.
Điều khiến Huyền thích thú nhất là công việc kinh doanh chớp nhoáng này giúp Huyền được thỏa mãn niềm yêu thích chế biến đồ ăn, đồ uống nên có làm cả ngày cũng không thấy mệt và nó giúp Huyền có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Cả Trang và Huyền đều cho biết, kinh doanh theo trào lưu đồ uống rất phù hợp với quỹ thời gian của sinh viên, có thể tranh thủ làm lúc rảnh, chứ không bó buộc thời gian như một số công việc part-time làm theo ca, trong khi đó, thu nhập lại rất tốt.
Cái khó nhất là nắm bắt được trào lưu, “nhìn” ra loại đồ uống nào có khả năng tạo ”sốt” để chớp thời cơ kinh doanh. Vì đã là trào lưu thì thường sẽ không bền, chỉ “hot” trong một thời gian ngắn, nếu kinh doanh khi thị trường đã bão hòa hoặc thoái trào, sẽ nhanh chóng “sập tiệm” vì ế ẩm.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam