Kiểu chúc Tết "nhanh như chớp" thời 4.0 khiến phong tục bớt ý nghĩa
(Dân trí) - Đâu rồi thời viết thiệp chúc Tết khi những tấm thiệp đa phương tiện chỉ cần “copy-paste” là có thể gửi cho tất cả mọi người. Tiếc rằng người xem chưa hẳn đã mừng vì nhận quá nhiều thiệp với nội dung y chang nhau!
Một vài năm trở lại, cứ dịp Lễ, Tết quan trọng những “tấm thiệp” động dưới dạng video, gif… bỗng xuất hiện tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội, người người hưởng ứng và chia sẻ lại để gửi cho người thân, bạn bè thay lời chúc nhân dịp đầu năm.
Nhiều người tỏ ra thích thú vì lời chúc sinh động, hài hước và hiện đại quá giữa thời buổi đi đâu cũng “Cách mạng 4.0”.
Thế nhưng, không ít người tỏ ra bực mình vì mặt trái của những “tấm thiệp” này, nghi ngại không dám nhấp vào đường link vì sợ virus, ngán ngẩm vì nhận được quá nhiều lời chúc giống nhau, chúc Tết xem như “chúc cho có lệ”.
Ngược trở về khoảng 10 năm trước, thời điểm điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, người trẻ thường chúc nhau bằng tin nhắn điện thoại vì vừa rẻ lại không kém phần độc đáo. Việc gửi tin nhắn cũng tiện lợi hơn gọi điện bởi không cần chờ người nhấc máy hay phía bên kia phải hồi đáp.
Để thuận tiện cho người dùng, nhà cung cấp dịch vụ cũng nghĩ ra nhiều mẫu câu chúc hay, độc đáo để người dùng chỉ lần lấy và gửi đi. Từ việc thích thú khi thấy những tin nhắn không chỉ hay mà còn đẹp, người dùng dần thấy nhàm chán, sau cùng chỉ xem lướt qua, không trả lời.
Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, việc viết thiệp chúc mừng ngày sinh nhật, Giáng sinh hay Tết cho bạn bè và những người thân trong gia đình là điều thích thú nhất.
Mỗi tấm thiệp một nội dung, nắn nót cẩn thận viết để không có lỗi, thậm chí phải ghi ra nháp trước rồi chép vào thiệp sau. Như thế để thấy những tấm thiệp bằng tay ý nghĩa và chứa đựng những tình cảm của người gửi như thế nào?!
Ngày nay, khi điện thoại thông minh phát triển, các dịch vụ như Facebook, Zalo, Viber… đều có phần nhắn tin miễn phí bằng hình động như lời chúc năm mới, sinh nhật…
Không những vậy những “tấm thiệp” đa phương tiện còn xuất hiện trong các dịp lễ như Giáng sinh, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam… với đầy đủ hình ảnh sinh động, bắt mắt.
Không phủ nhận cuộc sống hiện đại, con người bận rộn hơn nên việc rút ngắn thời gian bằng những tấm thiệp thiết kế sẵn thậm chí sẵn cả nội dung được nhiều người lựa chọn. Điều đáng buồn là những tấm thiệp này lại đến với người nhận chỉ bằng một cái chấm tay trên điện thoại, nhấp chuột trên máy tính.
Bản thân người gửi cũng không biết mình gửi cho những ai với chế độ chọn “gửi cho tất cả bạn bè” còn người nhận cũng không buồn nhấp vào xem vì “ngại” tin nhắn tự động, thậm chí đến từ những người không quen biết, chưa từng gặp mặt trực tiếp ngoài đời thực.
Sự xuất hiện của mạng xã hội giúp cho con người gần nhau hơn, không còn khoảng cách về địa lý nhưng mặt trái của nó cũng là làm con người trở nên xa cách hơn. Không ai cảm thấy xúc động khi xem một tấm thiệp điện tử được gửi bằng tin nhắn mà nhìn của ai cũng giống nhau như vậy.
Xét về nhiều mặt, công nghệ không có lỗi, lỗi là ở người dùng lạm dụng và sử dụng không đúng nơi đúng chỗ. Hai người ngồi gần nhau vẫn nhắn tin qua lại hỏi han, chúc nhau thì thật nực cười nhưng nếu những người ở xa, không có điều kiện gặp gỡ thì một lời chúc tâm huyết được gửi đến người nhận chỉ trong giây lát, công lớn chính là nhờ công nghệ.
Chính vì vậy, người trẻ hiện đại sống trong thời cuộc Cách mạng 4.0 phải là người làm chủ mạng xã hội không phải là người bị mạng xã hội, công nghệ chi phối.
Kim Bảo Ngân