Không dễ giữ giá trị truyền thống Việt trên đất Mỹ

Suốt 17 năm, bà Dinh Chau luôn mơ đến niềm hạnh phúc trong ngày đoàn tụ. Nhưng thực tế hóa ra vừa ngọt ngào lại vừa đắng cay. Chiến tranh chia cắt gia đình bà Chau, khi chồng bà đưa 5 đứa con sang Mỹ, để lại bà cùng đứa con gái út. Ngày đoàn tụ, những đứa con của bà không như bà vẫn luôn nhớ về chúng.

Chúng đã trở nên quá Mỹ. Nếp sinh hoạt mới của gia đình khiến bà cảm thấy lạ lẫm và không thoải mái. "Ở Việt Nam, con cái kính sợ cha mẹ", bà Chau nói, giọng đầy vẻ cam chịu, nhẫn nhục. "Còn ở đây, cha mẹ lại e dè con cái của mình".

17 năm chia ly đã làm mọi người thay đổi. Đối với gia đình ông bà Vuong, cũng như những người Việt di tản khác, sự rạn nứt trong cuộc sống gia đình được hàn gắn rất chậm chạp.

Sau những năm tháng khao khát chờ đợi để rồi kết cục là những cuộc sum họp thường không được như mong đợi. Những người một nhà lại cảm thấy như là người xa lạ khi đối diện nhau. "Trong những năm tháng xa cách, bạn thường lý tưởng hóa những chuyện sẽ diễn ra khi bạn gặp lại người thân, sự trông chờ đó mới tuyệt vời làm sao", lý giải của Duc, cậu con út trong gia đình ông bà Vuong. "Dĩ nhiên là khi bạn thật sự ở bên nhau, mọi việc sẽ rất khác, phức tạp hơn rất nhiều".

Ở đây, những giá trị truyền thống của Việt Nam từng khiến người ta hy sinh cho lợi ích của gia đình lại thường mâu thuẫn với những điều mà người Mỹ đánh giá cao là tính độc lập và quyền lợi cá nhân. Các bậc cha mẹ, thường chậm chạp hơn trong thích ứng, luôn cảm thấy truyền thống gia đình không thể tiếp cận với những đứa con bị Mỹ hóa của họ. "Chúng tôi quá Việt Nam" - Vi nói, cô là người con gái ở lại Việt Nam và sang Mỹ sau cùng với mẹ. "Các anh chị ấy quá Mỹ. Họ nghĩ rằng chúng tôi quá chậm chạp, không đủ độc lập, quá gắn bó với gia đình".

Bằng nhiều cách khác nhau, những người con của ông bà Vuong gặt hái thành công ở Mỹ. Qui, 42 tuổi, tốt nghiệp Princeton, là một nhà đầu tư tài chính ở Houston, trong khi Hieu, 39 tuổi, chuyên chữa bệnh về chân ở Baton Rouge, Los Angeles. Duc, 35 tuổi, chuyên gia phân tích tài chính cho một công ty địa ốc ở Pasadena. Vi, 38 tuổi, tốt nghiệp UCLA và theo đuổi công việc liên quan đến tài chính. Quyen, 40 tuổi, tốt nghiệp Yale và Stanford. Cô sống ở Santa Clara và làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận sau một thời gian ngắn làm việc trong ngành công nghiệp kỹ thuật. Diep, 41 tuổi, tốt nghiệp Harvard, cũng sống ở Santa Clara. Trước chị làm cho World Bank, còn nay cũng tham gia một tổ chức phi lợi nhuận.

Những đứa con của ông bà Vuong sống cuộc sống của những người Mỹ gốc Việt, chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa. Mặc dù đôi lúc trong mắt người mẹ họ có vẻ quá Mỹ, họ vẫn cảm thấy gắn bó với nguồn cội Việt Nam. Quyen và Diep đã tạo được một đại gia đình mà người mẹ vẫn mơ đến. Hai chị em sống cạnh nhau. Họ thay phiên nấu ăn cho nhau, cùng đi nghỉ và điều quan trọng nhất là chăm sóc con của nhau. Nói tóm lại, hai bé trai đều gọi dì của chúng là má.

Trong khi cuộc sống của bà Chau luôn vì bổn phận và những giá trị văn hóa, thì những đứa con của bà ngày càng ít chịu chấp nhận những nghĩa vụ gia đình truyền thống. Bà Chau đã quyết định ở lại Việt Nam để hoàn thành bổn phận chăm sóc cha mẹ già, cho dù cái giá phải trả là sự phân ly với con và chồng. Nhưng những đứa con bà Chau không đồng tình. "Tôi không thể hành động theo nếp nghĩ Việt Nam và sống với cha mẹ tôi", Diep nói một cách thực tế. "Tôi phải dung hòa nghĩa vụ của tôi đối với cha mẹ và đối với gia đình của riêng tôi". Những đứa con bà Chau thực hiện nghĩa vụ của những đứa con Việt Nam theo cách tốt nhất mà chúng có thể. Diep và Quyen trả tiền cho ngôi nhà mới của cha mẹ họ.

Quyen nhớ lại chuyện khi gần tốt nghiệp Yale, cô có cơ hội để làm tình nguyện viên trong một trại tị nạn của người Việt ở Hồng Kông trong vai trò phiên dịch. Tuy nhiên, những người thân của Quyen phản đối ý định này, họ muốn cô trở về nhà sau khi tốt nghiệp để chăm sóc ông Qua, cha họ. "Gia đình mình vẫn còn rất nghèo, tại sao em không giúp gia đình mình trước khi đi nửa vòng trái đất để giúp những người xa lạ?", họ chất vấn cô. Nhưng Quyen vẫn giữ nguyên quyết định.

Quyen đã đến Hồng Kông, rồi quyết định trở lại Việt Nam lần đầu năm 1990. Nhiệm vụ của cô lúc đó là thuyết phục mẹ sang Mỹ. Cô đưa ra những tin tức tốt đẹp, xóa đi tâm trạng miễn cưỡng khi nghĩ đến chuyện rời Việt Nam của bà Chau. Cuối cùng cả gia đình lại được đoàn tụ.

Chuyến trở lại Việt Nam đã tác động mạnh đến Quyen. Cô hiểu rằng cô sẽ trở lại Việt Nam nhiều lần nữa để giúp đỡ quê hương, một quyết định khiến cô bất hòa với cha mình. Thế nhưng cô tìm được sự đồng tình của Diep, cả hai quyết định giúp đỡ những người dân nghèo ở quê hương Việt Nam

 Theo Thanh Niên/Mercury News
Tố Loan lược dịch