Khi "phản xạ" của tình người không so đo, tính toán
(Dân trí) - "Đôi khi chúng ta làm việc tốt mà không cần tới sự ghi công" là một trong những nội dung của phần thi hùng biện và ứng xử góp phần đưa Nguyễn Thúc Thùy Tiên trở thành Hoa hậu Hòa bình Thế giới.
Không chỉ thuyết phục người nghe, quan điểm của Thùy Tiên khiến dư luận phải thay đổi cách nhìn, thái độ của mình về những người "làm việc tốt mà không cần tới sự ghi công".
Làm việc tốt, việc thiện từ lâu đã rất phổ biến và là một nét đẹp trong đời sống xã hội. Trên thực tế, cũng có không ít trường hợp lợi dụng làm việc tốt để "đánh bóng" tên tuổi. Điều này khiến cho chuyện làm việc tốt, việc thiện đôi khi trở nên méo mó, gây dư luận trái chiều.
Vừa qua, tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới, trong phần thi hùng biện và ứng xử, tân Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên khẳng định "Đôi khi chúng ta làm việc tốt mà không cần tới sự ghi công". Đó là những việc tốt xuất phát từ tâm, từ lòng chân thành muốn hiến dâng cho cộng đồng, xã hội một cách âm thầm, lặng lẽ. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không chờ mong nhận lại, thậm chí không cần được ghi công.
Nhắc đến việc tốt, cư dân mạng từng "dậy sóng" trước câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở Hà Nội) đã nhanh trí cứu được cháu bé bị rơi từ tầng 12 tòa chung cư vào ngày 28/2 vừa qua. Chỉ sau một đêm, người tài xế ấy đã trở thành "anh hùng không mặc áo choàng" trong lòng nhiều người chứng kiến và theo dõi vụ việc. Dù có công cứu sống một sinh mạng nhưng khi được các phóng viên tới phỏng vấn thì anh Mạnh vẫn khiêm tốn trả lời: "Tôi không phải người hùng, siêu nhân".
Anh cho rằng nếu lúc đó không phải là anh thì cũng sẽ có người khác sẵn sàng cứu cháu bé. Hành động của anh hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt, từ "phản xạ" của tình người, không hề tính toán, so đo hơn thiệt.
Chắc hẳn cũng không ít người còn nhớ, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát vào tháng 7 vừa qua tại Bắc Giang, Đỗ Tuấn - công dân sống tại thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang vẫn ngày ngày cùng vợ mang những nhu yếu phẩm đến tiếp tế cho các chốt chống dịch. Chân dung người đàn ông với làn da nâu sạm lặng lẽ đóng góp một phần công sức, của cải cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quê hương đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Dù vậy, Đỗ Tuấn rất ít khi chịu chia sẻ về bản thân, anh kín tiếng và khiêm tốn, chỉ muốn âm thầm làm việc tốt chứ không màng đến việc được ghi công.
"Làm việc tốt mà không cần tới sự ghi công" là một lối sống nhân văn, góp phần tạo nên những nhân cách đẹp của con người. Lối sống này cần được giới trẻ học tập, thay vì làm việc tốt chỉ để "làm màu" hay "khoe mẽ" với thiên hạ trên mạng xã hội.
Đôi khi, chính sự thầm lặng, không "lên gân, hò hét" lại làm cho giá trị của lòng tốt được gia tăng, khiến con người càng trở nên vĩ đại hơn. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, đã có không ít những chiến binh áo trắng phải gồng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Họ cũng là những người mẹ, người cha, người con của gia đình nhưng trong giờ phút nhân dân cần đến, họ sẵn sàng lên đường không chút ngần ngại.
Chẳng cần tới những lời tung hô, khen ngợi của người đời, sự ghi nhận đôi khi nằm ở chính bên trong mỗi chúng ta. Không quan trọng người khác nghĩ như thế nào, chúng ta chỉ cần biết bản thân đã làm tốt, làm theo đúng lương tri mình mách bảo. Vì thế, trong cuộc sống thường ngày, ta vẫn dễ dàng bắt gặp những tấm lòng sẵn sàng làm việc tốt mà không cần được tôn vinh, ngưỡng mộ hay nhận lại sự báo đáp nào.
Tuy nhiên, làm việc tốt, việc thiện và mong muốn được ghi công cũng không phải là điều gì quá xấu xa, quá đáng. Đôi khi sự công nhận, tôn vinh sẽ trở thành động lực để con người cố gắng nhiều hơn trong sứ mệnh làm việc tốt, việc thiện. Những người làm việc tốt, việc thiện xứng đáng được tôn vinh, được ghi nhận. Chúng ta không thể phớt lờ đi những nghĩa cử cao đẹp để rồi mất niềm tin vào cuộc sống này.