Khi người trẻ thích “đổ lỗi”

“Đổ thừa” đang là căn bệnh lây lan khá nhanh trong một bộ phận giới trẻ Việt.

Đó là thái độ không nhận trách nhiệm về mình và đổ lỗi sang người khác mỗi khi vấp ngã để rồi than phiền và nhìn cuộc sống qua lăng kính phiến diện.

 

Trong học tập, căn bệnh này lại càng ngày càng trở nên trầm trọng. Qua khảo sát trong giới sinh viên học sinh, lý do khiến các bạn không có hứng thú trong học tập hoặc thỉnh thoảng cảm thấy chán nản là vì thầy cô, giảng viên không nhiệt tình; chương trình học quá nặng nề, nhiều lý thuyết, ít thực hành, phải học lệch…. Chỉ có một số ít thú nhận mình chán học là do ham chơi, do gia đình có chuyện không vừa ý và…do thất tình!
 
Khi người trẻ thích “đổ lỗi”  - 1

Để cuộc sống tươi sáng hơn, nhiều niềm vui hơn, các bạn trẻ hãy tự soi xét lại chính mình, và điều quan trọng là cần lạc quan hơn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Dạo quanh Facebook, hàng loạt ý kiến mang ra tranh luận chỉ liên quan đến nội dung duy nhất là chán ghét giáo dục, muốn hủy bỏ một số môn mà các bạn cảm thấy không cần thiết. Thậm chí nhiều ý kiến đưa ra tranh luận chỉ nhằm vào một đề tài duy nhất là...nói xấu thầy cô!

 

Ngay cả những môn học thực sự cần thiết cho sự giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khỏe toàn diện cũng bị các bạn học sinh phản ánh và đề nghị bãi bỏ. Theo Ken Zira “tôi cực ghét những môn như thể dục, quốc phòng, công nghệ, GDCD, không biết dạy để làm cái gì”... Mimi thì cho rằng "Mình muốn bãi bỏ môn địa lí, văn học và vật lí vì thấy không cần thiết" (?!) Hay nguyên nhân ở ngay chính bản thân ta nản học, lười biếng?

 

Thay vì tự nhìn lại chính mình, các bạn học sinh lại quay sang đổ lỗi cho đào tạo. Một ý kiến trên diễn đàn cho rằng “Hôm nay thi kiểm tra chất lượng học kì, môn văn thì bắt học 7, 8 bài. Lịch sử thì phải học cả chương. Học sao vô. Đúng là hành… học sinh”.

 

Thiết nghĩ học tốt hay không là bởi bản thân mỗi người. Nếu nỗ lực và cố gắng thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Nhưng hình như một số bạn thời nay luôn tìm mọi cớ để đổ lỗi. Dẫu có những bất cập, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Thay vì tự nghiền ngẫm và nhìn lại bản thân để nỗ lực cố gắng, một số bạn lại chọn cách “thở dài” và đổ lỗi cho hệ thống đào tạo. Tại sao ngày xưa thiếu thốn, học trò phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường nhưng thế hệ đi trước vẫn có rất nhiều những người tài giỏi?

 

Hãy sáng suốt tự soi lại chính mình, đừng vội quy kết lỗi lầm sang người khác. Các bạn ạ!

 

Nguyễn Thị Ý Thu

Theo Mực Tím