Khi chủ hôn là... hòa thượng

Gần đây, ở một số chùa tại Hà Nội như Thiền viện Sùng Phúc, chùa Bằng A, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Quỳnh Lôi, chùa Vạn Phúc, chùa Đình Quán… những đám cưới cá nhân hay tập thể của giới trẻ được tổ chức đã không còn là chuyện lạ…

 

Rủ nhau lên chùa làm lễ cưới

 

Đám cưới tại chùa có tên là Lễ Hằng Thuận (với ý nghĩa luôn luôn hoà thuận) gồm 15 mục, trong đó đáng kể nhất là các nghi thức chính gồm: dâng hương, lạy Bụt, khai thị, giao bái, trao nhẫn và nói lời ước nguyện.

 

Theo một sư thầy tại chùa Lý Triều Quốc Sư (phố Lý Quốc Sư), các bạn trẻ muốn có một đám cưới trang nghiêm, an lành theo Phật pháp đều có thể đăng kí với nhà chùa. Do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trụ trì cả hai chùa nên ai muốn làm lễ lớn, rộng rãi thì có thể tổ chức ở chùa Bằng A, chùa Lý Triều Quốc Sư chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, ấm cúng.

 

Điều đặc biệt, theo sư thầy, tại chùa có rất nhiều chú rể phương Tây dù theo đạo Thiên chúa cũng hòa nhập phong tục Việt Nam lên chùa trao nhẫn cưới. Mới đây là đám cưới của cô dâu Kiều Minh Oanh (ở Núi Trúc- Hà Nội) và chú rể Chriotoph Marozke (người Đức). Họ gặp nhau và có tình yêu bền chặt từ khi cô dâu đang là sinh viên du học.

 

Chú rể chia sẻ, khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể cũng có cảm giác như đang làm lễ cưới tại giáo đường với tất cả sự trang nghiêm và hạnh phúc khi được bạn bè, người thân, nhà chùa chứng kiến, chúc phúc và được hiểu nhiều hơn giáo lý của nhà Phật…
 
Đại đức Thích Bảo Nghiêm và những cặp tân lang, tân nương tại chùa Bằng A.
Đại đức Thích Bảo Nghiêm và những cặp tân lang, tân nương tại chùa Bằng A.

 

Lễ Hằng Thuận tại chùa Bằng A (Linh Tiên tự), các đôi tân lang, tân nương được Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm giảng giải về đạo nghĩa vợ chồng trong kinh Thiện Sinh. Hòa thượng khuyên các đôi tân lang, tân nương phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ và làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

Anh Lê Tuấn Đức, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, người cũng đã tổ chức đám cưới của mình tại chùa Đình Quán chia sẻ: “Buổi lễ đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tình thương yêu. Lời phát nguyện trước Tam Bảo sẽ có tác động rất lớn đến đời sống tâm linh của vợ chồng tôi. Người trẻ chúng ta rất cần được hiểu biết để làm tròn bổn phận khi lập gia đình”.

 

Đám cưới trong không gian Phật pháp

 

Người trẻ có nhiều lý giải cho việc tổ chức cưới trên chùa như được làm mới mình và tìm đến những ý nghĩa, những giá trị mang tính bản ngã. Hoàng Anh, một bạn trẻ chia sẻ đầy suy tư:

 

“Cuộc sống bây giờ hỗn độn quá khiến mọi thứ cứ rối tung lên, thay đổi xoành xoạch, hôn nhân cũng không ngoại lệ. Hạnh phúc là một thứ gì đó vô hình, mong manh, khó nắm bắt và rất dễ vỡ. Trong cái thế giới chẳng biết phải tin vào đâu thì cửa Phật là nơi con người ta sẽ tìm đến. Một đám cưới ở chùa khiến những người có mặt cảm thấy thiêng liêng, trang trọng hơn”...

 

Đại đức Thích Đạo Thông, trụ trì chùa Quỳnh Lôi chia sẻ: “Điều này xuất phát từ thực tế, trong cuộc sống gia đình hiện đại có nhiều cặp vợ chồng thiếu sự hòa thuận, không có sự kiên nhẫn, chịu đựng nhau nên thường xảy ra những va chạm, xung đột và dẫn tới việc ra tòa ly hôn.

 

Trong khi đó, lời dạy của Phật có nhắc tới bổn phận, trách nhiệm phật tử tại gia, bao gồm cả bổn phận của vợ với chồng, của chồng với vợ. Do vậy, việc tổ chức lễ thành hôn tại chùa là sự kết hợp giữa giáo lý của đức Phật và nghĩa vụ của phật tử tại gia. Đó là một trong những tinh thần nhập thế rất tích cực của Phật giáo…”.

 

Đại đức Thích Đạo Thông cho biết, từ khi nhà chùa tổ chức lễ thành hôn tới nay, có rất nhiều đôi vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau, và thường xuyên lên chùa cầu an. Có những đôi tuy con cái đã lớn nhưng năm nào vào dịp tết đến xuân về, hai bên gia đình cũng đều tới đây chúc tết nhà chùa.

 

Đặc biệt, mỗi khi có những mâu thuẫn, họ đều gặp thầy để được răn dạy, được khuyên bảo những lối đi đúng đắn. Một số đôi khác thì đăng kí tổ chức đám cưới đồng, đám cưới bạc để mong cuộc sống vẹn tròn mãi mãi…

 

Một số nhà sư cho biết, từ những năm 40 của thế kỷ trước, cũng đã có những lễ kết hôn trước cửa Phật. Tuy nhiên, số này hiếm và thường chỉ có ở các gia đình giàu sang. Và trong tâm thức của người Việt, những gì được nương nhờ cửa Phật luôn được che chở, phù hộ an toàn.

 

Nhưng trên thực tế, cái phúc đó có thực không, có bền chặt hay không lại do chính con người quyết định. Khi cuộc sống ồn ào trôi qua, mỗi con người đều phải đối diện với chính mình để biết trân quý một nơi chốn mà mình thuộc về…

 

Theo Khánh Linh

Pháp luật Việt Nam