Khi bạn trẻ chọn nghề shipper: Đừng bị "mờ mắt" bởi thu nhập ban đầu

Thùy Linh

(Dân trí) - Có nhiều ý kiến bàn luận về việc bạn trẻ nên hay không nên làm shipper khi công việc này đang có nhu cầu cao, mang lại 5-12 triệu đồng/tháng - mức thu nhập khá ổn đối với một sinh viên.

Đừng bị "mờ mắt" bởi thu nhập ban đầu

Dễ làm, tự do, thu nhập khá là những ưu điểm khi nói về công việc shipper (nhân viên giao hàng - PV). Tuy nhiên, đây có phải là một công việc mà nhiều người nên chọn để mưu sinh không? Đó vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi và có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Theo anh D. (shipper tại Hà Nội), khi các bạn sinh viên chọn trở thành shipper kiếm thêm thu nhập thì hãy giữ đúng mục tiêu ban đầu, chỉ coi đây là một công việc part time.

Khi bạn trẻ chọn nghề shipper: Đừng bị mờ mắt bởi thu nhập ban đầu - 1

Shipper đang là công việc part time được nhiều thanh niên, sinh viên lựa chọn (Ảnh: Minh Tuấn)

"Hiện nay, một bộ phận nhỏ các bạn trẻ có suy nghĩ muốn bỏ học để chạy xe làm shipper. Mình không tán thành và cũng không đồng ý về lối suy nghĩ ngắn đó.

Vì học không bao giờ thừa thãi. Học chưa chắc đã thành công, nhưng học vấn giúp con người vững tin trên con đường đi tới thành công cũng như là bổ trợ cho con đường đã chọn. Đừng vì những thông tin quảng cáo hấp dẫn hay dụ dỗ bởi thu nhập làm mờ mắt mà từ bỏ dự định, sự nghiệp hiện tại.

Shipper không phải là nghề dài lâu. Đối với những bạn trẻ đang nhen nhóm ý định bước vào công việc này thì hãy tự thân phân tích được cái nên và cái không nên", anh D. nói thêm.

Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Đình Công (sinh năm 1997, đến từ Hải Dương) từng làm shipper một thời gian cho hay: "Công việc này đã đem lại cho mình mức thu nhập khá, có thêm kinh nghiệm đi đường Hà Nội, được giao lưu với nhiều kiểu người. Mình nghĩ đây là một công việc giúp cho nhiều người tiết kiệm thời gian hoặc có phương tiện di chuyển.

Nếu các bạn trẻ mong muốn kiếm thêm thu nhập thì cũng có thể làm nhưng biến nó thành công việc chính vì sức hút thu nhập thì phải đánh đổi nhiều thứ".

Từng làm shipper từ năm nhất đến năm 2 đại học, chủ yếu là giao đồ ăn và chở khách, anh Nguyễn Hữu Chánh (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể: "Hồi mới ra Hà Nội học đại học, mình cũng tìm một số công việc làm thêm để có thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt. Mình được một số bạn bè giới thiệu về công việc shipper. Sau đó mình tìm hiểu thủ tục đăng ký và chạy bán thời gian trong khoảng hơn một năm.

Với một sinh viên năm nhất, năm hai, mỗi ngày thu nhập vài trăm nghìn thời điểm đó, mình cho rằng khá lớn. So với công việc làm thêm khác như chạy bàn, bán quần áo thì shipper cho thu nhập tốt hơn rất nhiều lần.

Trước đây, mình cũng vì thu nhập tốt nên đã gắn bó với công việc này một thời gian khá dài, cứ có nhiều tiền là thích nên có những ngày mình đi làm rất nhiều, có khi lên đến 12 tiếng/ngày".

Theo Hữu Chánh, thời điểm này vẫn có nhiều bạn trẻ có suy nghĩ giống anh ngày đó. Tuy nhiên, mỗi nghề đều có cái được, cái mất, nên anh cho rằng các bạn sinh viên chỉ nên dừng lại ở trải nghiệm làm shipper, không nên chạy theo thu nhập.

Trải lòng của shipper tốt nghiệp ngành Kế toán

Khi bạn trẻ chọn nghề shipper: Đừng bị mờ mắt bởi thu nhập ban đầu - 2

Shipper là công việc kiếm ra tiền nhưng không phải nghề nghiệp dài lâu (Ảnh: Thùy Linh).

D. bước chân lên Hà Nội với 2 bàn tay trắng cùng với phương tiện đi lại là chiếc xe máy trong nhiều năm về trước. Anh đã làm shipper tới nay được 3 năm.

"Mình từng học ngành Kế toán của một trường cao đẳng ở Hải Dương. Do công việc đó không phù hợp với hoàn cảnh cũng như mức sống ở Hà Nội, nên mình đã chọn làm shipper để kiếm tiền duy trì sinh hoạt.

Mình coi đây là "bước đệm" cho bản thân, hay nói cách khác, là quãng nghỉ để trau dồi thêm vốn sống và kinh nghiệm. Vì quãng thời gian chạy giao hàng cũng có nhiều thứ góp ích cho mình sau này. Có chăng… tiếc nuối một chút thì chỉ là sức khỏe vì "bán máu" quanh năm mưa gió", anh D. tâm sự.

Phân tích sâu hơn, anh D. cho rằng nhiều shipper có "cái dở" khi lựa chọn công việc shipper là kế mưu sinh dài lâu. Bởi giao hàng là một việc làm không thiên về tư duy quá nhiều, bị phụ thuộc vào chính sách của công ty, hao tổn sức khỏe, tương lai không chắc chắn.

"Vốn thì không hẳn là tích lũy được nhiều. Vì chạy xe công nghệ "ăn xổi", lo cái ngắn trước mắt là chính. Đối với những người có chí tiến thủ, đây là "bàn đạp" để tích lũy kinh nghiệm cho cuộc sống, định hình tương lai sau này.

Nhưng cũng có những shipper gần như bị nghiện chạy xe, thành thói quen vì nếu không dắt xe ra chạy họ sẽ cuồng chân, cuồng tay. Họ không muốn hoặc muốn nhưng không tài nào thoát ra được. Họ thường hay so sánh thu nhập của công việc này so với công việc nặng nhọc khác để thấy cái hơn cái thiệt trước mắt.

Tuy nhiên, mình quan niệm nếu làm tốt ở công việc khác và chịu tìm tòi học hỏi phát huy khả năng, như phụ hồ cũng có thể thành cai thầu hoặc chủ thầu xây dựng. Còn nếu chỉ cố gắng chạy xe sao cho đều thu nhập thì 5 năm hay 10 năm nữa, liệu còn sức khỏe để chạy mãi không?", anh D. nói thêm.

Theo Hữu Chánh, vừa nên vừa không nên chọn công việc làm shipper. Anh nói: "Nên là vì khi các bạn chưa tìm được một công việc ổn định, thì làm shipper theo kiểu "thời vụ" và cho lại thu nhập khá tốt so với một số nghề lao động chân tay khác.

Còn không nên lún sâu vào công việc này, nhất là với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Mình nghĩ, các bạn có thể đi làm, cũng trong thời gian đó học thêm một ngành nghề khác thì sẽ hợp lý hơn bỏ tất cả để gắn bó với công việc này lâu dài.

Làm một công việc ổn định khác, có thể trước mắt thu nhập thấp hơn nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đôi khi là an nguy tới tính mạng bản thân như nghề này".

Việc làm shipper từ một công việc hấp dẫn trở nên đại trà, anh D. lập luận thêm: "Nghĩ tưởng tượng xem, hàng ngày trung bình một người nghỉ việc thì có tới 20 người đăng ký mới. Cứ thế, số người phụ thuộc và áp đặt suy nghĩ thích "ăn xổi" càng nhiều thì công việc hấp dẫn cũng trở nên đại trà.

Mặt khác, 5 năm nữa khi sức khỏe yếu đi, bạn không còn đáp ứng được công việc và thời thế. Lúc đó, không phải chỉ vài người mà rất nhiều người sẽ thất nghiệp hoặc cam chịu đưa đẩy số phận theo thời cuộc.

Khi đó bạn hối hận cũng không kịp, đi học nghề thì cũng chẳng còn tâm trí mà học nữa vì tuổi trẻ qua rồi, đầu óc không đủ nhanh và trí tuệ tiếp thu nghề cho riêng bản thân nữa".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm