Tưởng "hái ra tiền", bạn trẻ kể chuyện ít người tỏ khi làm shipper mùa dịch

(Dân trí) - Khách hàng thả giỏ từ tầng 4 xuống để lấy đồ, tránh tiếp xúc với shipper, còn cẩn thận gửi thêm tiền tip nhưng thả giỏ được nửa đường thì gió thổi tiền bay mất...

Muôn kiểu phòng dịch của shipper và khách hàng "mùa Covid-19"

Thực hiện chỉ thị của UBND Thành phố Hà Nội, từ 12 giờ ngày 25/5, hàng loạt cửa hàng ăn uống tạm dừng hoạt động và chuyển sang hình thức bán mang về. Bán hàng online đồng nghĩa với công việc của các bạn trẻ làm shipper (người giao đồ cho khách - PV) trở nên tất bật hơn.

Bạn N.V.D - sinh viên năm 3 - chia sẻ: "Ngoài thời gian học tập, mình làm shipper để kiếm thêm thu nhập. Trong đợt dịch Covid-19 này, mình cũng cảm thấy lo lắng khi phải tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau.

Tưởng hái ra tiền, bạn trẻ kể chuyện ít người tỏ khi làm shipper mùa dịch - 1

Shipper xếp hàng để lấy đồ trong những ngày hàng quán đóng cửa chỉ ship mang về (Ảnh: Đỗ Linh)

Tuy nhiên, khi giao hàng, mình và khách cũng đã có nhiều cách để hạn chế tiếp xúc gần như: treo đồ ở trước cửa; buộc vào hàng rào (nếu có); gửi lễ tân, bảo vệ khu chung cư; có trường hợp không phải ship đồ ăn thì thò qua cửa thả vào nhà. Có những khách hàng cẩn thận hơn đã để sẵn nước rửa tay ngoài cửa để shipper khử khuẩn rồi mới giao đồ".

Công việc làm shipper trong mùa dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hơn người bình thường bởi phải tiếp xúc với nhiều khách hàng. Do đó, một số shipper cũng khá "cầu kỳ" trong khâu đưa đồ cho khách.

Shipper D. kể: "Bắt đầu vào đợt dịch, mình cũng không tưởng tượng ra có nhiều cách giao tiếp từ xa để tránh lây nhiễm dịch bệnh như vậy. Vì thông thường, giao đồ cho khách rồi khách đưa tiền là xong. Nhưng đợt dịch lần này, không chỉ là những cách giao hàng thông thường, không tiếp xúc như treo cửa, để trên yên xe khách, cách nhau 2m nữa.

Cách đây vài ngày, mình giao đồ cho một bạn nữ ở đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi mình tới thì bạn ấy thả cái giỏ nhỏ tít từ trên tầng 4 xuống, giọng nhỏ nhẹ bảo mình bỏ đồ vào trong giỏ để kéo lên.

Bạn ấy nói với mình: "Em thanh toán tiền qua thẻ rồi nhưng vì công anh xếp hàng lấy đồ cho em nên em gửi thêm 20.000 đồng mời anh cốc nước dọc đường". Nhưng nào ngờ giỏ hàng vừa đi lưng lửng xuống bị gió thổi bay mất tờ tiền sang nóc nhà bên cạnh, khách sững sờ, mình thì được trận cười như thể ngày bé vô tư ùa về".

Tưởng hái ra tiền, bạn trẻ kể chuyện ít người tỏ khi làm shipper mùa dịch - 2

Shipper phải xếp hàng bên ngoài cửa hàng để đợi lấy đồ ăn. Nhiều quán ăn chật chội, không có chỗ để xe, không đủ không gian giãn cách hợp lý (Ảnh: N.V.D)

Mặt khác, nhiều shipper giao đồ ăn cũng lo lắng vì công việc yêu cầu phải làm đúng vào các khung giờ cao điểm trưa và tối. Thời điểm này, nhiều hàng quán có lượng shipper xếp hàng quá đông nên không thể giữ khoảng cách với nhau theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

"Miễn cưỡng nên mình đành phải xếp hàng trong sự lo lắng. Vì nếu không làm thì cũng đồng nghĩa với không có thu nhập. Mà đơn đã nhận vào máy, hủy đơn bất kỳ lý do gì thì tài xế cũng tự chịu phạt tiền toàn bộ đơn hàng đó", shipper D. nói thêm.

Shipper mùa dịch: Không phải lúc nào cũng "hái ra tiền"

Khi dịch Covid-19 bùng phát cùng khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc không tập trung đông ở các nhà hàng, quán xá và hiện tại ở nhiều nơi là chỉ bán hàng mang về, nhiều người và cả các shipper cho rằng cơ hội "hái ra tiền" đã đến. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy.

Shipper L.C trải lòng về những khó khăn khi làm shipper trong mùa dịch: "Khách muốn nhanh có đồ ăn, shipper cũng muốn nhanh lấy đồ từ quán ăn để còn giao, nhưng lượng đơn dồn vào quán quá nhiều dẫn đến thời gian giao hàng không thể nhanh được. Shipper phải đứng chờ đồ ăn lâu hơn, nhưng nhiều khách hàng không hiểu và tưởng rằng shipper om đơn, chậm chạp.

Chẳng những vậy, hầu hết đơn hàng tập trung vào giờ cao điểm (thường là giờ dùng bữa) ở cùng một nơi, còn thời điểm khác thì đơn hàng lại thưa thớt hơn nhiều so với những ngày không có dịch bệnh. Do đó, shipper không chạy được bao nhiêu đơn trong một ngày. Thu nhập của mình vì vậy cũng không tăng thậm chí giảm hơn ngày thường".

Tưởng hái ra tiền, bạn trẻ kể chuyện ít người tỏ khi làm shipper mùa dịch - 3

Shipper N.V.D. tiết lộ thu nhập trong ngày 26/5/2021 của anh. Vì không muốn ảnh hưởng tới công việc, các shipper đều đề nghị được giấu tên khi trả lời phỏng vấn.

"Có những khách hàng rất "oái oăm", mình gặp một trường hợp khi mình giao hàng, khách nhận đồ thì không đeo khẩu trang nhưng lại bịt mũi và tỏ thái độ. Điều này khiến cho mình cảm thấy có phần chạnh lòng", bạn L.C chia sẻ.

Làm thêm shipper ngoài giờ học để tự trang trải sinh hoạt, L.Đ.A (sinh viên năm 3) chia sẻ thêm về mức thu nhập mùa dịch: "Mức thu nhập ngày thường của mình dao động trong khoảng từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng tùy vào số giờ mình chạy. Vào thời điểm dịch bệnh, mức thu nhập của mình có tăng gần 100.000 đồng/ngày so với trước.

Mình cũng sợ dịch bệnh lây nhiễm nhưng vẫn luôn tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Mình luôn đeo khẩu trang y tế và sát khuẩn mỗi khi giao nhận đồ xong.

Nhưng có những lúc mình và mọi người chưa tuân thủ theo quy tắc được như từ 11h trưa đến 12h, giờ mọi người ăn nên lượng đơn dồn vào sẽ rất nhiều, quán nào có không gian rộng rãi thì không sao nhưng những quán với diện tích nhỏ nếu nhiều đơn thì các shipper sẽ phải xếp hàng sát nhau".

"Như mình là sinh viên thì vấn đề cơm áo gạo tiền có nhẹ hơn đôi chút, nhưng khi đi làm, ngồi tâm sự với các ship khác thì có biết bao hoàn cảnh.

Thu nhập thời điểm trước dịch bệnh và trong dịch bệnh của mình hoàn toàn không tăng là bao, thậm chí là giảm sút vì mất một lượng lớn sinh viên đặt hàng. Như mình, thu nhập vẫn chỉ trong khoảng 500.000 đến 700.000 nghìn đồng một ngày (từ 10-14 giờ làm việc/ngày)", N.V.D chia sẻ.