Khi bạn chỉ có một lựa chọn

(Dân trí) - Một người bạn tôi là một doanh nhân Việt kiều thành công, có lần tâm sự anh được như ngày nay có lẽ nhờ... lấy vợ sớm. Vì lấy vợ sớm nên lựa chọn duy nhất lúc đấy là làm gì cũng được, miễn là kiếm được tiền để hai vợ chồng có thể tồn tại được ở nơi đất khách quê người.

Anh bạn tôi lấy vợ ở bên kia ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Khi đó, anh không có sự lựa chọn công việc, nghề nghiệp... theo sở thích, định hướng tương lai gì cả. Một kỹ sư vật lý làm những công việc như những cửu vạn ở khu chợ của người Việt. Điều duy nhất lúc đấy anh quan tâm là làm sao xoay sở kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, không thể lựa chọn công việc mình yêu thích hay công việc có tương lai... Chỉ cần không làm việc một vài ngày ở khu chợ đấy thì hai vợ chồng cũng không có gì để sống. Con đường ấy về sau đã khiến anh trở thành một doanh nhân thành đạt chứ không phải một kỹ sư vật lý.

Năm ngoái, tôi có dịp qua chơi ở sân gofl Long Thành (Đồng Nai), tôi được nghe kể về ông chủ sân golf này, ông Lê Văn Kiểm (đồng thời cũng là chủ của công ty dệt may tư nhân rất nổi tiếng - May Huy Hoàng). Ông Kiểm trước là bộ đội, sau năm 1975 ông sống ở Sài Gòn, khi bắt đầu làm kinh tế, ông không có tính toán lựa chọn gì, chỉ biết là làm được cái gì thì làm miễn là cải thiện điều kiện kinh tế khó khăn của gia đình lúc đó. Khởi nghiệp của ông bắt đầu từ việc làm thức ăn gia súc. Có lẽ chính việc không có sự lựa chọn nào lúc đó đã khiến ông phải làm thật tốt việc làm thức ăn gia súc, để rồi sau đó là tích lũy vốn phát triển thành hệ thống công ty xây dựng, dệt may, du lịch, bất động sản lớn như hiện nay?

Một câu chuyện nữa gần đây, về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Khi xem chương trình Người đương thời giới thiệu chân dung ông Phạm Xuân Ẩn, tôi rất nhớ câu của ông nói là con đường ông trở thành nhà báo, nhà tình báo là con đường ông không hề có sự lựa chọn. Khi gia nhập quân đội, ông không biết mình sẽ làm gì, khi được trung ương cử đi học báo chí, lựa chọn duy nhất của ông lúc đó là làm sao học thật tốt báo chí, không thể biết được tương lai sau này thế nào.

Ngày nay, chúng ta được sống trong điều kiện vật chất và tinh thần đẩy đủ hơn, chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn từ mua sắm cho đến công việc, tình yêu... Nhiều sự lựa chọn có thể là sẽ tốt hơn, may mắn nhưng cũng có thể là không tốt và không phải là may mắn.

Khi có nhiều sự lựa chọn thì sự chọn tốt nhất chỉ mang tính tương đối, thể hiện sự phù hợp với một hệ thống giá trị của người chọn tại thời điểm nhất định nào đó.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đem lại sự thành công (cả trong công việc hay trong tình yêu) không phải là chúng ta lựa chọn cái gì mà chính là cách chúng ta thực hiện và thích nghi với sự lựa chọn đó như thế nào. Có những người không có gì để lựa chọn, phải bắt đầu bằng những công việc rất bình thường như làm cửu vạn ở một khu chợ hay làm thức ăn gia súc (mà chắc chắn chúng ta sẽ không muốn làm ngày nay khi có nhiều sự lựa chọn) cũng có thể thành doanh nhân thành đạt. Nhưng có những người có điều kiện lựa chọn nhiều thứ thì lại không bao giờ làm được việc gì ra hồn, chính bởi họ có quá nhiều sự lựa chọn, khiến cho có thể từ bỏ nếu thấy khó khăn để lựa chọn cái khác dễ dàng dàng hơn.

Đôi khi, không có sự lựa chọn nào lại là một sự may mắn, một cơ hội để được thử thách và rèn luyện và ai vượt được thử thách này sẽ là người chiến thắng và ngược lại sẽ bị đảo thải.

Thứ nhất, không có lựa chọn đồng nghĩa với việc chúng ta không phải hối tiếc khi chọn cái này mà không chọn cái kia. Chẳng hạn như câu chuyện Google, có thể bây giờ nhiều người hối tiếc, trong đó có lẽ hối tiếc nhất chính là Microsoft khi vào năm 1997-1998 khi được mời chào mua, đầu tư vào Google (khi đó chỉ là công ty con với chục người) đã không thèm để ý thì giờ đây là đối thủ đáng gờm nhất với market capital trên thị trường chứng khoán lên đến 140 tỷ USD, 6000 nhân viên, doanh thu trên 6 tỷ USD năm 2005.

Thứ hai, bản chất của việc không có sự chọn nào khác chính là việc cuộc sống dồn chúng ta vào con đường cùng, con đường mà thường chúng ta sẽ không chọn nếu có sự lựa chọn khác tốt hơn, vì vậy nó buộc chúng ta phải xoay sở, thích nghi với những cái chúng ta có, đồng thời phải nỗ lực hết sức trên con đường duy nhất đó nếu chúng ta không muốn chết.

Nếu bạn bị dồn vào đường cùng, và bạn chỉ có một con đường, không còn sự lựa chọn nào khác, hãy nghĩ bạn là người may mắn.

C.K