Học trò “quý tộc”

Ví luôn có bạc triệu, xài toàn đồ hiệu, chỉ chơi với bạn cùng “hệ”… là những học trò được xếp vào “hệ chảnh”, khó lòng chơi được với... con nhà nghèo. Nhưng, cũng may mắn có bố mẹ là “đại gia”, học trò “quí tộc hệ dễ thương” luôn biết phát huy tối đa điều kiện thuận lợi để làm dư giả thêm kiến thức của mình.

“Quý tộc” hệ... chảnh

“Chơi chung với tụi nhà nghèo bực mình lắm, tụi nó... hai lúa quá!” - đó là lời tuyên bố dứt khoát của M (lớp 11 trường M.C), một “quí tộc chảnh” không thích tham gia vào những hoạt động tập thể của lớp và thường chỉ đặt “quan hệ ngoại giao” với những ai cùng “hệ chảnh”.

Với Mạnh Hải (lớp 12 Nga Trung trường L.H.P) còn cụ thể hơn: “Đi chơi với mấy đứa xoàng xoàng thì cầm chắc là bị “lỗ” nặng, tụi nó làm sao có tiền mà trả qua trả lại với mình!”.

“Quí tộc” hệ chảnh còn thể hiện “đẳng cấp” của mình cả trong lời ăn tiếng nói lẫn cách cư xử với bạn bè. Bao giờ đến phiên mình trực nhật là Ngọc T. (lớp 12A, trường M.C) lại đùn đẩy công việc cho người khác, bạn bè nhắc nhở lắm T mới chịu lấy khăn lau bảng hoặc cầm chổi quơ qua quơ lại vài đường xem như xong.

Có hôm nhỏ còn nũng nịu với các bạn nam: “Ở nhà mình đâu làm mấy công việc này nên không biết quét nhà đâu. Mấy bạn là con trai thì phải ga-lăng với con gái chứ!”. Thường xuyên đòi hỏi sự “trân trọng” của người khác như thế, nhưng có lần, một bạn nữ trong lớp mang đôi giày cũ sắp đứt quai vào lớp thì T. bĩu môi và buông một câu : “Đúng là đồ nhà quê!”.

Học trò “quí tộc hệ chảnh” thường lập nhóm để chơi riêng và các thành viên có thể đến từ nhiều lớp, nhiều trường khác nhau. Không nói ra nhưng bạn bè cùng trường ai cũng biết, “điều lệ” gia nhập vào nhóm của T, B (lớp 12 trường T.K.N), A, H, T (lớp 12 trường T.V) trước tiên là phải đủ... giàu để không cảm thấy tủi thân khi sánh bước với những người bạn mỗi ngày đến trường bằng Spacy, Dylan, @, SH, thậm chí là xế hộp.

Cũng nhờ cùng “tám lạng - nửa cân” mà ba cô nàng Kim P, Liên P, H.Oanh (lớp 11B trường N.T) mỗi khi tụ họp lại là lôi “dế” ra bấm tít tít, rồi rủ nhau đi sắm đồ mô-đen và bàn tán về những lớp học Anh văn của những trung tâm ngoại ngữ tầm quốc tế... Không ít hôm, các nàng làm cả lớp choáng vì những món đồ thời trang kiểu mới nhất vừa “tậu” ở các plaza, các shop thời trang nổi tiếng...

Sành điệu là thế, nhưng phần lớn học trò “quí tộc” hệ chảnh lại thường... lận đận trong học hành thi cử. V (lớp 12 trường M.C) không chịu thua ai về cái khoản thời trang tóc, quần áo, giày dép... nhưng năm học vừa rồi V phải thi lại 3 môn Hóa, Lí, Sinh, còn từ đầu năm này đến nay thì thường xuyên phải chép phạt vì không thuộc bài.

Nhà giàu sẵn của, hầu như đêm nào T (lớp 11, Trung tâm GDTX Q.BT) cũng đến vũ trường với một nhóm bạn sành điệu và tiêu cả triệu bạc cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng ấy. Hậu quả là T bị nhà trường đình chỉ học tập do nghỉ học và thi rớt quá nhiều, phải chuyển trường.

“Quí tộc” hệ... dễ thương !

Cũng may mắn được sinh ra trong những gia đình khá giả, nhưng ngược với “hệ chảnh”, học trò “quí tộc hệ dễ thương” luôn biết phát huy tối đa điều kiện thuận lợi để làm dư giả thêm kiến thức của mình.

Có bố là kĩ sư xây dựng của một công ti nước ngoài, mẹ là thạc sĩ trong ngành y, Anh Duy (lớp 10C14 trường Nguyễn Khuyến, Q.10) không hề ỷ lại mà suốt 9 năm liền bạn là học sinh giỏi, thường đứng ở vị trí “top” trong bảng xếp hạng của khối học. Nhà có điều kiện nên ngoài việc học ở trường, Duy còn sắp xếp thời gian để học năng khiếu và chơi thể thao, bởi thế khả năng “cầm kì thi họa” của anh chàng cũng được xếp vào hàng có “đẳng cấp”.

Hoặc như Diễm Phương (lớp 10A1 trường Lê Hồng Phong, Q.5), tuy là con nhà giàu nhưng bạn chẳng phí chút thời gian nào cho những trò se sua vô bổ mà thường dành cho việc tự học, tự nghiên cứu thông qua nhiều phương tiện hỗ trợ : internet, sách báo... Không chỉ được bạn bè nể phục như là “cây Toán số một của lớp”, Phương còn được yêu mến bởi bạn vẫn thường quên mất vị trí “tiểu thư” của mình và không nề hà bất cứ việc gì khi tham gia những chuyến công tác xã hội với trường, lớp.

Trong cư xử với bạn bè, học trò “quí tộc” hệ dễ thương cũng rất khác. Chẳng mấy ai biết Hoàng M. (lớp 12 trường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) có một tài khoản riêng gần trăm triệu và mỗi tuần được ba mẹ cho 500.000 đồng để tiêu vặt, nhưng hầu hết các bạn trong lớp đều biết là nhỏ rất... dễ thương. Mỗi khi bạn bè rủ nhau đi ăn thì nhỏ thường khéo léo trả tiền cho tất cả, ai cần một khoản tiền đột xuất thì nhỏ cho mượn cũng với một cách rất tế nhị.

T, một bạn học cùng lớp với M kể: “Một lần mình có chuyện gấp cần gọi điện thoại về nhà, M đã lẳng lặng lôi chiếc điện thoại di động trong cặp ra và dặn mình vào WC gọi để mấy bạn trong lớp không biết”.

Cũng ý tứ như thế, Ánh Linh (lớp 11A9 trường Hùng Vương, Q.5) không bao giờ để những món “đồ hiệu” của mình gây sự chú ý hay tạo khoảng cách với bạn bè. Linh luôn để điện thoại di động trong túi xách với chế độ rung và chỉ sử dụng ngoài giờ học, còn quần áo hay đồ dùng “hiệu” thì Linh không bao giờ khoe giá và xài rất cẩn thận, khi nào không còn xài được nữa mới thôi chứ không mua sắm phí phạm.

Không phải ai cũng được làm con của một gia đình giàu có, nhưng ai cũng có thể tận dụng sự giàu có đó như là một điều kiện để học tập tốt hơn, giúp đỡ mọi người nhiều hơn, mở được cánh cửa thành công thuận lợi hơn... Tuy nhiên, nếu chỉ biết ỷ lại và lấy sự đầy đủ vật chất ấy để khoe khoang, chứng tỏ mình là dân chơi sành điệu mà không giữ gìn, vun đắp tương lai, thì có lúc bạn sẽ trắng tay.

Theo Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm