Học trò ở trọ...
Nhắc đến ở trọ, không ít bạn nghĩ ngay đến các anh chị sinh viên. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều học sinh ở tỉnh cũng bắt đầu đổ xô lên thành phố trọ học.
Ở trọ - mỗi người một hoàn cảnh
Sợ cảnh “ếch ngồi đáy giếng” nên Lan Phương (lớp 11A2 trường Lê Hồng Phong, Q.5) khăn gói từ Long Khánh lên thành phố để thi vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Những ngày đầu, cứ 4 giờ sáng, Phương đã lục đục dậy đón xe buýt đi học đến tận 7 - 8 giờ tối mới về. Có hôm, dậy trễ, Phương phải đón xe ôm đến trường, vừa đi vừa khóc vì thấy... tủi thân quá!
Còn Kim Quyên (vừa tốt nghiệp trường Lý Tự Trọng, Q.Tân Bình) có lí do khác : “Ở Bến Cát, muốn học trường cấp 3 mình phải đạp xe gần 30 cây số đến trung tâm huyện. Thế nên ba mẹ cho mình lên thành phố học luôn”. Ban đầu, Quyên ở với cô ruột nhưng đôi lúc bài vở còn quá nhiều, cô lại ngủ sớm nên Quyên không dám thức khuya, đành dọn ra ngoài ở trọ.
Riêng Tú Trinh (lớp 12A14 trường Trương Vĩnh Ký - Q.11) được ba dẫn lên thành phố chọn trường, chọn luôn một căn phòng trọ với tiền nhà là 800.000đ gồm ăn tối và tiền giặt ủi. Điều kiện vậy là quá tốt, nhưng suốt cả tháng, Trinh luôn “buồn và nhớ nhà đến phát khóc!”. Tâm Vi (vừa tốt nghiệp trường Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình) cũng không khác gì. Lúc đầu định ở nội trú nhưng thấy không tiện giờ nên cô bạn chọn phòng trọ bên ngoài.
Ngày đầu tiên xa nhà, Vi không thể nào chợp mắt vì “nhớ cái giường thân thuộc, nhớ tiếng kéo cửa khi mẹ đi làm ca đêm. Nhớ cả cái vị mặn thân thương của Vũng Tàu!”.
Sự bỡ ngỡ, tủi thân không chỉ “ngự trị” ở các nàng mà ngay cả nam nhi cũng không tránh khỏi. Trung Hiếu (quê ở Long An, học cùng lớp với Tú Trinh) lên thành phố từ năm lớp 11. Hiếu tâm sự: “Ở nhà bị ba mẹ la rầy bực ghê, chỉ muốn ở riêng cho rồi. Bởi vậy khi ở trọ, mình vui lắm. Nhưng chỉ hai tuần, mình lại thấy “thèm” những lời nhắc nhở, la rầy như thế!” .
Nỗi lòng người ở trọ
Một lần, khi soạn tiền để mua một bộ sách ôn thi, Kim Quyên phát hiện số tiền tiết kiệm gần 400.000đ của mình không cánh mà bay. Hỏi thì mọi người đều lắc đầu không biết. Nhất định làm rõ mọi chuyện, cuối cùng Quyên cũng lấy lại được số tiền bị mất, nhưng lại cảm thấy không vui vì chuyện đáng tiếc đó đã khiến cô bạn lấy cắp phải rời khỏi nhà trọ.
Tâm Vi cũng có kỉ niệm buồn tương tự: Khi mới đến, Vi đã bị mấy bạn cùng phòng giở trò “ma cũ ăn hiếp ma mới”: lấy hết đồ đạc giấu đi. Lúc đi học về, không thấy va-li đâu, Vi hốt hoảng tìm khắp mọi nơi. Cho đến khi Vi phát khóc vì sợ hãi thì mấy đứa bạn mới vất ra cái va-li đã bị lục tung đồ. Sợ quá, Vi chuyển chỗ ở ngay lập tức: “Ở trọ mà, hòa thuận, vui vẻ thì thôi, chứ đã ghét nhau rồi thì không thể sống nổi!”.
Bên cạnh việc ăn ở, sử dụng điện thoại chung với chủ là một trong những chuyện gây phiền hà không ít. Tâm Vi phải trả 2.000đ cho mỗi lần nghe điện thoại và không được phép cười lớn tiếng (dù là với ba mẹ), vì thế một tuần Vi mới ra bưu điện gọi về nhà một lần. Chủ nhà ở một số nhà trọ còn đặt ra hàng loạt qui định: không tiếp bạn bè, cấm nấu ăn. Đôi lúc các bạn còn bị chủ kiếm cớ tăng tiền điện, nước thường xuyên nữa.
Tuy nhiên, những chuyện trên không đáng gì so với kỉ niệm ở trọ của Q.N (lớp 12 trường Hồng Đức - Q.Tân Phú). Đêm đó đang ngủ, N. chết khiếp khi phát hiện có ai sờ soạng khắp người mình. N. co chân đạp thật mạnh, vô tình trúng ngay mặt của tên kia. Hắn bỏ chạy, còn N. thì hãi hùng bật đèn sáng và thức cả đêm. Sáng hôm sau, N. phát hiện mặt của con trai bà chủ nhà trọ bị bầm to. Ra là hắn! N. tức lắm nhưng không làm gì được, chỉ còn cách dọn về nhà dì ruột ở đỡ.
Theo Tường Vy, Kim Ngân
Mực Tím